Thứ 5, 09/05/2024 10:18:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:08, 21/01/2020 GMT+7

Vững kinh tế từ trồng rau sạch

Phương Dung
Thứ 3, 21/01/2020 | 16:08:00 835 lượt xem
BPO - Trước đây, nhiều hộ trồng rau chỉ với mục đích chủ động nguồn thức ăn gia đình. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, trồng rau sạch đã trở thành nghề đối với không ít hộ trên địa bàn tỉnh. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên sản phẩm rau VietGAP đã dần được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Nắm bắt nhu cầu thị trường, chị Nguyễn Thị Dung ở ấp Tân Nhân, xã Tân Tiến (Bù Đốp) đã có nguồn thu nhập chính phát triển kinh tế gia đình từ trồng rau.

Từ trồng rau tự phát...

Năm 1996, với đồng vốn ít ỏi, gia đình chị Nguyễn Thị Dung vào Bù Đốp sang nhượng lại 1,5 ha đất để lập nghiệp. Thời gian đầu, chồng chị Dung đi làm thuê, còn chị ở nhà nội trợ, chăm sóc con nhỏ và tranh thủ trồng thêm rau cải thiện bữa ăn. Nhờ có kinh nghiệm chăm sóc nên những luống rau luôn xanh tốt. Ăn không hết, chị Dung bán cho các hộ xung quanh. Dần dần, nhận thấy nhu cầu của người dân tăng cao, trong khi đất đai, thời tiết lại phù hợp nên chị Dung mở rộng diện tích trồng rau để bán.

Chị Nguyễn Thị Dung chăm sóc rau phục vụ dịp tết Nguyên đán Canh Tý

Ban đầu, chị chọn trồng những giống rau quen thuộc, dễ trồng như các loại cải, mồng tơi, dền, muống... Chị Dung chia sẻ: Ở miền Bắc trồng được ít loại rau hơn, chủ yếu mùa nào thức ấy. Nhưng khu vực miền Nam, thời tiết rất thuận lợi, trồng được nhiều loại rau, kể cả giống trái mùa hay “khó tính”. Khí hậu Bù Đốp có 2 mùa mưa, nắng nên nhà tôi trồng rau quanh năm.

Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết thay đổi nên sâu bệnh gây hại nhiều, ảnh hưởng đến năng suất vườn rau. Từ thực tế này, chị Dung luôn trăn trở, làm thế nào để phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả mà không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Anh Vũ Bá Uẩn, chồng chị Dung, cho biết: Khi quyết định trồng rau, tôi tìm hiểu kiến thức và tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân xã, đề nghị các cấp hội hỗ trợ để gia đình phát huy hiệu quả vườn rau. Nhờ đó, hộ tôi được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ, hướng dẫn phương pháp canh tác rau trong nhà lưới theo tiêu chuẩn Vietgap.

...Đến trồng rau chuyên nghiệp

Được sự hỗ trợ đắc lực từ các cấp, ngành, gia đình chị Dung đã mở rộng diện tích trồng rau từ 1 sào lên 5 sào, chuyên trồng hơn chục loại rau và rau thơm các loại. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp đã hỗ trợ gia đình 5 sào lưới, phân bón, cây giống, cọc dựng giàn; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap và sử dụng các loại phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu... Nhờ tuân thủ các yêu cầu, quy định nên vườn rau của gia đình chị nhiều lần được lãnh đạo địa phương tới tham quan.

Bên cạnh trồng rau sạch, vợ chồng chị Dung còn được tạo điều kiện vay vốn xoay vòng, vốn Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Chị Dung đã được Chi hội phụ nữ ấp Tân Nhân tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng mua máy xới đất và 12 triệu đồng để khoan giếng nước nhằm giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất. “Trước đây, để canh tác 5 sào rau, vợ chồng tôi phải thuê thêm công cuốc đất, tưới nước. Từ ngày có máy móc hỗ trợ, đã giảm nhiều công làm nên gia đình nuôi thêm dê, heo, gà để tăng nguồn thu” - chị Dung nói.

Chị Đỗ Thị Như, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bù Đốp chia sẻ: Chị Nguyễn Thị Dung là một trong những điển hình thực hiện hiệu quả Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp năm 2019 của UBND huyện. Cùng với những hoạt động hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, hội từng bước góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Trung bình 1 sào rau, mỗi tháng trừ chi phí, gia đình chị Dung lời khoảng 3 triệu đồng. Hiện gia đình chị có 5 sào đất trồng 9 loại rau, trong đó cải ngồng, cải xanh, cải ngọt và 3 loại rau thơm tía tô, kinh giới, húng lủi bán giá cao. Mỗi ngày, chị Dung bỏ mối hơn 150kg rau cho các sạp hàng tại 2 chợ Tân Tiến, Sóc Nê và bán lẻ tại các chợ khác trong vùng khi rau vào vụ với số lượng nhiều. Chị Dung nói: “Nghề này tuy vất vả, phải thức khuya dậy sớm nhưng phù hợp với phụ nữ nông thôn vì chủ động và có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Mấy năm nay, giá tiêu xuống thấp nên nguồn thu cả năm từ 1 ha tiêu chỉ bằng 1 tháng trồng rau. Tôi dự định nếu tiêu không tăng giá sẽ dần dần chuyển đổi để trồng cỏ nuôi bò”.

Cận tết, vợ chồng chị Dung tất bật hơn vì các mối hàng yêu cầu tăng số lượng rau. Bên cạnh vườn rau, anh Uẩn đang cùng các thợ xây hoàn thiện ngôi nhà mới đón tết Canh Tý. Anh Uẩn xúc động nói: Ngôi nhà mới là thành quả từ nghề trồng rau, ngoài ra còn giúp vợ chồng tôi nuôi 2 con ăn học, trưởng thành. Thời gian tới, tôi mong rau có đầu ra ổn định, được vào các siêu thị để nghề trồng rau ngày càng phát triển.

  • Từ khóa
39824

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu