Thứ 2, 20/05/2024 09:46:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:49, 11/06/2013 GMT+7

Phát huy nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 11/06/2013 | 13:49:00 198 lượt xem

Năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, xã Minh Thành (Chơn Thành) được phân bổ hơn 400 triệu đồng cho phát triển sản xuất. Số tiền không nhiều, nên Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã đã tổ chức họp và tìm hiểu nguyện vọng của người dân, từ đó đưa ra những phương án khả thi, hiệu quả nhất. Xã quyết định hỗ trợ 25 mô hình nuôi heo, gà thả vườn để phát triển chăn nuôi. Đối tượng ưu tiên hỗ trợ là 25 hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó 20 mô hình nuôi gà (mỗi mô hình 250 con), 5 mô hình nuôi heo thịt (mỗi mô hình 10 con).

Song song với công tác hỗ trợ, xã cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi heo, gà. Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo xã thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để các mô hình phát huy hiệu quả.

Điển hình là hộ ông Đặng Ngọc Bảo ở ấp 3, được hỗ trợ 250 con gà, sau 3,5 tháng nuôi, trọng lượng mỗi con đạt 1,8-2kg. Khi xuất chuồng trừ tiền giống, thức ăn, gia đình ông lãi 6 triệu đồng và tiếp tục tái đàn.

 Hộ anh Nguyễn Văn Kỳ ở ấp 1 được hỗ trợ 10 con heo siêu nạc. Sau gần 4 tháng, đàn heo xuất chuồng, trọng lượng đạt 90kg/con. Anh Kỳ cho biết: “Đúng lúc gia đình tôi gặp khó khăn, vì năm trước đàn heo bị dịch chết, không còn khả năng tái đàn thì được xã hỗ trợ để tiếp tục duy trì sản xuất. Lứa đầu tiên gia đình tôi đã thu lãi hơn 6 triệu đồng, đủ để cải tạo lại hệ thống chuồng trại bắt đầu lứa tiếp theo”. Không chỉ gia đình ông Bảo, anh Kỳ, mà rất nhiều gia đình khác ở xã Minh Thành đã vươn lên từ mô hình này.

Ông Phạm Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND, Phó ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Minh Thành cho biết: Những năm qua, dù nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế, nhưng nhiều gia đình đã xây dựng được mô hình hiệu quả trong chăn nuôi. Ngoài ra, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất còn được lồng ghép từ nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình khác, kết hợp với chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo phát huy hiệu quả và duy trì được nguồn vốn hỗ trợ. Việc tham khảo, nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người dân để đưa ra quyết định xây dựng mô hình hỗ trợ là điều quan trọng đem lại hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ sản xuất.                                

Đỗ Trình

  • Từ khóa
39318

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu