Thứ 2, 20/05/2024 14:03:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 16/01/2012 GMT+7

Làm giàu từ nuôi chim cút

Thứ 2, 16/01/2012 | 00:00:00 842 lượt xem

Ông Đỗ Đức Quy (58 tuổi) ở thôn 5, xã Đức Liễu (Bù Đăng) là một trong những hộ đầu tiên của xã áp dụng mô hình nuôi cút. Chỉ trong 2 năm, nghề nuôi cút đã giúp đời sống gia đình ông trở nên khấm khá, với mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Quy cho cút ăn ngày 2 lần

Năm 2010, ông Quy đầu tư 110 triệu đồng mua giống và làm chuồng nuôi. Ban đầu ông nuôi 4.000 con và chỉ mang tính thử nghiệm vì chưa có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nuôi. Sau một thời gian, thấy nuôi cút cho lợi nhuận cao, gia đình ông mạnh dạn đầu tư tăng lên 10 ngàn con/năm. Mỗi ngày ông Quy xuất từ 7.500-8.000 trứng. Từ việc bán trứng cút đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông 6 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ chi phí. Cút nuôi được 8-9 tháng, hiệu suất đẻ trứng giảm, ông xuất bán cút thịt để thay lứa mới. Mỗi năm, xổ chuồng một lần được 1 tấn, thu được 70 triệu đồng. Tận dụng nguồn phân cút, ông Quy bán cho các hộ trồng cao su, cà phê và điều trong xã. Với 7,5 tấn phân cút, đem lại nguồn thu 12 triệu đồng/tháng. Về đầu ra, ông không phải lo bởi trứng cút được tiểu thương ở các chợ Bù Đăng, Sao Bọng, Thống Nhất, Phước Bình... bao tiêu, đặt hàng trước. Có thời điểm “cháy” hàng, số lượng trứng cút không đủ để cung cấp ra thị trường.

Ông Quy cho biết, nuôi cút không cần phải sử dụng nhiều diện tích đất như trồng cây ăn trái hay nuôi cá. Hiện tại, với hơn 5.000m2 đất, tận dụng gỗ trong nhà, ông Quy nuôi cút bằng các lồng gỗ, xung quanh đan thép, đặt chuồng chồng lên nhau. Với 250 ô chuồng, chia thành 6 dãy, anh kê giấy cứng hút ẩm và những lớp gỗ mỏng, để thoáng một khoảng đựng phân chim. Chuồng cút cao 1,5m, cách mặt đất 5-7cm. Hệ thống chuồng nuôi cút khá đơn giản. Ông Quy lắp đặt một hệ thống máng ăn bằng tôn chạy dọc chuồng cút, thức ăn của cút là cám hỗn hợp con cò C34, 7790, giàu chất bột, đạm, khoáng vi để cút nhanh đẻ trứng. Bên cạnh đó, hệ thống máng uống nước bằng nhựa được lắp chạy dọc khắp chuồng cút. Ông Quy nói: “Nước uống phải sạch, chuồng cần thoáng mát để giảm bệnh tật cho cút. Cần phải thắp điện trong chuồng để giữ nhiệt độ khoảng 300C là hợp lý nhất”. Nhờ luôn giữ sạch sẽ, thoáng mát nên cút của gia đình không bị bệnh dịch. Hiện ông đang có ý định mở rộng thêm chuồng nuôi vì lợi nhuận cao, vốn xoay vòng nhanh mà chi phí lại thấp.

Nhờ xây dựng mô hình nuôi cút phù hợp, biết tính toán và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi nên mỗi năm, gia đình ông Quy thu về hơn 100 triệu đồng, đời sống gia đình ông đã khấm khá hơn trước. Nhiều hộ trong xã đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình này.

Dương Phương

  • Từ khóa
39234

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu