Thứ 2, 20/05/2024 12:34:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 22/12/2011 GMT+7

Đề tài phải thể hiện rõ ràng, dễ hiểu để nông dân ứng dụng

Thứ 5, 22/12/2011 | 00:00:00 411 lượt xem

Phát biểu tại cuộc họp nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển cây cà phê bền vững theo hướng GAP trên địa bàn tỉnh Bình Phước” chiều 22-12, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh Bùi Văn Thạch nhấn mạnh: Đề tài phải thể hiện rõ ràng, dễ hiểu, hướng dẫn theo quy trình để nông dân ứng dụng.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thơ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam: Đề tài cần đánh giá về mức độ ô nhiễm môi trường và an toàn sản phẩm khi thực hiện mô hình GAP. Để nâng cao giá trị của cà phê Bình Phước, cần phải quan tâm đến khâu chế biến, bảo quản cà phê sau thu hoạch và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc.
Đề tài nói trên đưa ra mục tiêu xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ ghép cải tạo để nâng cao năng suất các vườn cà phê già, năng suất thấp; đồng thời xây dựng mô hình canh tác cà phê bền vững, theo hướng GAP, tiến tới xây dựng thương hiệu cà phê Bình Phước.

Theo thạc sĩ Võ Chấp, thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật - Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, chủ nhiệm đề tài, tỉnh Bình Phước hiện có gần 11 ngàn ha cà phê. Qua điều tra ở 216 hộ trồng cà phê ở hai huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập cho thấy, cà phê được trồng tại Bình Phước là giống thực sinh, chủ yếu do người dân tự sản xuất nên năng suất, chất lượng không cao. Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng trên vườn cây chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt, 90% số hộ trồng đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chất lượng cà phê nhân sống không đồng đều.

Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Chơ: Không nên khuyến cáo nhân rộng ra toàn tỉnh, vì không phải chất đất nào cũng phù hợp với cây cà phê. Chỉ nên trồng xen ở những nơi có nước tưới, thuộc đất bazan.

Vì vậy, sau hai năm áp dụng ghép cải tạo, cây cà phê ghép phát triển tốt, có thể thay thế giống cho những vườn cà phê năng suất thấp; 100% cây ghép không bị bệnh rỉ sắt. Riêng áp dụng theo hướng GAP, vườn cà phê mô hình sinh trưởng và phát triển tốt; năng suất cao hơn các mô hình đối chứng. Đặc biệt, lợi nhuận về kinh tế của các mô hình đạt gần 73 triệu đồng/ha, cao hơn mô hình đối chứng 21,5 triệu đồng/ha.

Các ý kiến phản biện cũng như đóng góp của các thành viên hội đồng đều cho rằng, kết quả của đề tài có giá trị thực tiễn cao, là cơ sở để hình thành các vùng trồng cà phê ở tỉnh. Tuy nhiên, chủ nhiệm đề tài cần đánh giá được được ưu, nhược điểm của 4 dòng cà phê được đưa vào ghép; việc trồng xen cà phê với các loại cây khác liệu có ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của những loại cây này hay không. Bên cạnh đó, chủ nhiệm đề tài cũng nên phân tích các mẫu đất, nước để có cơ sở khuyến cáo nông dân nên trồng ở khu vực nào cho phù hợp...

Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu đánh giá, xếp loại. Kết quả, đề tài được xếp loại khá.

                                                                                             H.T

  • Từ khóa
39224

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu