Thứ 2, 20/05/2024 09:48:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 29/11/2011 GMT+7

Ông Hai Dân làm giàu từ quýt tiều

Thứ 3, 29/11/2011 | 00:00:00 564 lượt xem

Gắn bó với cây ăn trái hơn 20 năm, ông Lê Thanh Dân ở ấp Đồng Tân, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) đã tìm ra loại cây ăn trái cho thu nhập cao và phù hợp với chất đất pha cát. Ông đã chặt bỏ gần 5 ha cây ăn trái không hiệu quả để thay bằng 5 ha quýt tiều cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

“Buổi đầu từ miền Tây lên Bình Phước lập nghiệp khá gian nan. Đường sá sình lầy, nguồn nước lại thiếu trầm trọng nên mùa khô trồng cây gì cũng khó khăn. Sau thất bại với cây nhãn, xoài, sầu riêng... tôi không nản mà tiếp tục tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng quýt tiều (một loại cây ăn trái có nguồn gốc từ miền Tây) và đưa giống quýt này về gây dựng. Lúc đầu, nhiều người nghi ngại khi thấy tôi trồng quýt tiều với số lượng lớn. Họ cho rằng đây là vùng đất pha cát và cây quýt dễ bị sâu bệnh nên khó thành công. Tuy nhiên, sau 3 năm kiến thiết, vụ quýt đầu tiên chín trên vùng đất Đồng Nơ cho hương vị thơm và ngọt đến không ngờ” - ông Hai Dân đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Ông Hai Dân và vườn quýt tiều

Theo ông Dân, quýt tiều là loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, nếu chăm sóc tốt, 1 ha cho thu nhập từ 50-60 tấn trái/năm. Chính vì lợi nhuận cao nên ông đã quyết định chặt bỏ 7 ha cây ăn trái đã trồng trước đó (nhãn, xoài, sầu riêng...) để thay thế dần bằng 5 ha quýt tiều và 2 ha cao su. Quýt tiều có nguồn gốc từ tỉnh Vĩnh Long, được ghép nhánh từ cây quýt đường với gốc chanh bông tím. Lựa chọn cây giống tốt là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất vườn cây sau này. Cho nên, khâu chọn cây mẹ và gốc cây con để ghép rất quan trọng. Gốc ghép phải là gốc cây chanh bông tím, không bị dị dạng, bệnh tật, đường kính từ 1cm trở lên. Chọn nhánh ghép phải chọn từ cây mẹ khỏe mạnh, có điều kiện hấp thụ ánh sáng.

Ông Dân cho biết thêm: Đất này lạ lắm, quýt tiều có trái suốt 4 mùa, không như ở miền Tây chỉ có 2 mùa. Để trái quýt to, đều và bóng đẹp, ngoài cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, phun thuốc dưỡng trái, người trồng cần để mật độ trái phù hợp. Những cây ra nhiều trái phải hái bớt, để tránh cây bị kiệt sức, trái không đạt chất lượng cao. Vào mùa khô, quýt tiều cần tưới nước cả ngày mới đủ lượng nước cho cây nuôi trái. Sâu bệnh nguy hiểm nhất đối với quýt tiều là sâu ăn chồi non, ruồi vàng hút trái, bệnh nấm hồng thân cây... Để bảo vệ vườn cây, phòng ngừa là biện pháp hiệu quả nhất. Những cây bị nhiễm bệnh nặng cần nhổ bỏ, gom thành đống đốt, tránh lây bệnh sang cây khác. Đối với bệnh nấm hồng, phương pháp hữu hiệu là dùng vôi trộn với sun-phát đồng quét trực tiếp lên thân cây bị bệnh, số còn lại rải xung quanh gốc để phòng bệnh. Gian nan nhất là bệnh ruồi vàng hút trái. Những trái quýt đang phát triển, ruồi vàng chỉ chích một mũi là bị sần, múi khô... Ông Dân chia sẻ: Những năm qua, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đã có nhiều biện pháp giúp gia đình tôi tiêu diệt loài ruồi vàng này. Biện pháp chủ yếu và hiệu quả nhất là dùng mồi nhử ruồi vào bẫy để tiêu diệt.

Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn quýt tiều 2.700 gốc của ông Hai Dân mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 3 tấn trái. Giá trung bình 1kg quýt tiều loại 1 từ 18-20 ngàn đồng, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lời hơn 500 triệu đồng.

Nhất Sơn

  • Từ khóa
39218

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu