Thứ 5, 09/05/2024 20:04:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 01/08/2011 GMT+7

Nông dân đua nhau trồng mì: Lợi bất cập hại

Thứ 2, 01/08/2011 | 00:00:00 420 lượt xem

Giá mì hiện tăng cao nên nông dân trong tỉnh đang đua nhau chuyển đổi đất hoa màu sang trồng mì, thậm chí nhiều vùng đất đỏ bazan màu mỡ cũng chuyển sang trồng mì. Tình trạng này nếu không được kiểm soát sẽ làm nguồn dinh dưỡng trong đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

ĐUA NHAU TRỒNG MÌ

Vụ thu hoạch mì năm 2010, nhiều hộ dân ở xã Tân Hưng (Đồng Phú) “trúng đậm” do mì được giá. Hy vọng vào sự đổi đời từ cây mì nên nhiều gia đình đã mở rộng diện tích. Ngoài ra, để tận dụng diện tích đất trống trong vườn cao su, không ít hộ đã trồng xen cây mì nhằm tăng lợi nhuận.

Giá củ mì tăng cao khiến người dân ồ ạt trồng

Nhiều người thuê đất trồng mì cũng thu được lãi cao. Anh Nguyễn Văn Hiền ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng (Đồng Phú) cho biết, cuối năm 2009 anh thuê 5 ha đất, nhưng do thiếu cây giống nên chỉ trồng được 4 ha nhưng vẫn lời hơn 100 triệu đồng. Chính vì lợi nhuận cao nên năm nay anh Hiền tiếp tục thuê 5 ha đất để trồng mì. Tại huyện Bù Gia Mập (được xem là nơi có trữ lượng mì lớn nhất tỉnh) thì hầu như mọi cánh đồng đều tấp nập, nhộn nhịp với những chiếc xe tải chở mì giống, những người nông dân đang làm việc hết công suất và đều hy vọng sẽ đổi đời từ cây mì.

Ông Phan Văn Thường, một chủ vựa thu mua ở xã Tân Phước (Đồng Phú) cho biết: “Chúng tôi thu mua mì của bà con bằng nhiều cách, như mua mì tươi, mì khô xắt lát (giá từ 4.500-5.000 đồng/kg) hoặc có nhiều hộ bán mì trực tiếp tại rẫy cho các công ty (từ 30-40 triệu đồng/ha), nhưng với điều kiện chủ vườn phải được thuê để lấy công thu hoạch”. Đây là mức giá kỷ lục từ trước đến nay. Với giá bán trực tiếp cho các thương lái 1.500-1.800 đồng/kg mì tươi, sau khi trừ chi phí phân bón, công nhổ, vận chuyển thì người trồng mì vẫn trúng lớn.

CÓ NÊN TRỒNG MÌ Ồ ẠT?

Hiện giá thu mua tại các đại lý, điểm thu mua trên địa bàn tỉnh từ 1.500-1.800 đồng/kg (tăng 400-700 đồng/kg) đối với mì tươi, 4.500-5.000 đồng/kg mì khô (tăng 1.500-2.000 đồng/kg) so với năm 2009.

Theo ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Mì là loại cây dễ trồng, khả năng chống chịu hạn tốt, năng suất cao nhưng việc trồng mì hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ, nhất là chất dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt. Năng suất của mì khá cao nhưng do đầu tư chưa tương xứng nên đất bị mất dinh dưỡng rất mạnh trong khi sự hoàn trả các chất hữu cơ như thân, lá mì cho đất không đáng kể. Sự rửa trôi dinh dưỡng của đất trồng mì được ghi nhận là rất lớn do thường được trồng vào đầu mùa mưa với mật độ thấp nên trong 3-4 tháng đầu diện tích lá thấp.

Hàm lượng tinh bột của củ mì hiện khá thấp và có xu hướng giảm dần. Bên cạnh đó, việc chế biến các sản phẩm từ củ mì, đặc biệt là tinh bột ảnh hưởng đến môi trường nếu không được xử lý tốt. Tăng diện tích trồng mì cũng là nguyên nhân khiến cho một số diện tích rừng tự nhiên bị mất, đe dọa trực tiếp đến môi trường sinh thái, góp phần làm biến đổi khí hậu.

“Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo nông dân trồng mì nên luân canh với các loại cây trồng khác, không nên trồng mì trên một diện tích đất liên tục từ 3 vụ trở lên và phải sử dụng phân hữu cơ, chống xói mòn. Ở những vùng đất bazan màu mỡ không nên trồng mì mà chọn những cây màu, cây công nghiệp ngắn, dài ngày có giá trị kinh tế cao hơn. Làm như vậy đất sẽ không bị thoái hóa và cạn kiệt nguồn dinh dưỡng. Tỉnh cũng quy hoạch, giữ mức diện tích 15.000 ha mì là phù hợp, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn” - ông Đon nói.

Hy vọng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, việc canh tác cây mì của người nông dân sẽ ngày càng bền vững và đưa cây mì trở thành một thành phần quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh.

Hà Giang

  • Từ khóa
39164

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu