Thứ 5, 09/05/2024 10:33:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:01, 09/09/2020 GMT+7

Thanh niên Lộc Ninh sáng tạo trong khởi nghiệp

Ngọc Quế
Thứ 4, 09/09/2020 | 15:01:00 867 lượt xem
BPO - Vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, đoàn viên thanh niên huyện Lộc Ninh đã linh hoạt, chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng kinh tế hiệu quả. Hai trong số rất nhiều thanh niên nông thôn đã chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế thành công trên địa bàn huyện là các anh Trương Văn Kiên và Trần Vĩnh Sang.

Anh Trương Văn Kiên tỉ mỉ chăm sóc từng cây sầu riêng

Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng 

Năm 2014, khi giá hạt tiêu xuống thấp, anh Trương Văn Kiên (SN1988) ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh bàn với gia đình chuyển đổi 2 sào tiêu sang trồng sầu riêng. Để tăng thu nhập, hộ anh còn trồng thêm mít và điều. Anh Kiên vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng đầu tư phát triển sản xuất và tích cực tham gia tập huấn khoa học - kỹ thuật về chăm sóc cây trồng. Nhờ vậy, hơn 30 cây sầu riêng của gia đình cho năng suất khá cao. Anh Kiên cho biết: Sầu riêng trồng 5 năm bắt đầu cho trái bói. Hiện so với cây tiêu thì sầu riêng lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, sầu riêng cũng dễ bị nhiều bệnh như thán thư, cháy lá, đốm rong đỏ… nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến chết cây. Năm nay là năm thứ 2 vào vụ thu hoạch chính, gia đình anh Kiên đã thu hơn 1 tấn sầu riêng. Hiện với giá bán cho thương lái khoảng 50 ngàn đồng/kg giúp gia đình anh có thu nhập ổn định.

Ngoài ra, gia đình anh còn đầu tư chăn nuôi dê mỗi năm thu khoảng 30 triệu đồng/năm. Anh Kiên chia sẻ: Muốn cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao phải hiểu đặc tính của từng loại để chăm sóc và biết cách phòng, trị bệnh kịp thời. Hộ anh đang đầu tư trồng thêm 0,7 sào sầu riêng Monthong. Anh cũng định hướng sẽ tập hợp các bạn trẻ cùng trồng sầu riêng trong xã thành lập tổ hợp tác để giới thiệu sản phẩm đến thị trường và xa hơn là thành lập hợp tác xã chuyên sầu riêng.

Anh Trần Vĩnh Sang giới thiệu về quy trình nấu sữa với máy công suất 100 lít
Đoàn viên thanh niên trong huyện phát triển kinh tế tập trung chủ yếu vào cây nông nghiệp, công nghiệp nhưng những năm qua, các loại nông sản chủ lực liên tục mất mùa, mất giá, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. Thời gian qua, Huyện đoàn đã quan tâm, tìm hiểu và đưa ra các giải pháp cụ thể hướng dẫn thanh niên chuyển đổi mô hình sang các loại cây ăn trái hay những mô hình áp dụng công nghệ cao. Qua đó, thanh niên trong huyện ngày càng quan tâm đầu tư phát triển kinh tế gia đình và khẳng định bản lĩnh, nghị lực của tuổi trẻ trong làm giàu. 
Phó bí thư Huyện đoàn Lộc Ninh Nguyễn Minh Diệu 

Bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng

Gắn với vườn rẫy từ nhỏ nhưng hiện anh Trần Vĩnh Sang (SN1989) ở ấp 6, xã Lộc Thuận lại chọn hướng đi riêng. Sau gần 2 năm đầu tư phát triển sản xuất, đến nay thương hiệu sữa bắp non Vĩnh Sang của gia đình anh được nhiều người biết đến. Cơ sở sản xuất của gia đình anh đang cung cấp ra thị trường 2 dòng sản phẩm là sữa đậu xanh và sữa bắp non, với mức bình quân mỗi ngày từ 1.500-2.000 chai các loại. Anh Sang chia sẻ: “Khi bắt đầu làm tôi cũng gặp khó khăn, thất bại, có thời điểm thiệt hại hơn 100 triệu đồng do sữa làm ra bị hư và phải thu hồi lại. Lấy thất bại làm điểm tựa cho thành công, tôi đã khắc phục được những nhược điểm trong quá trình sản xuất và rút ra bài học kinh nghiệm”. 

Thời gian đầu khởi nghiệp, anh chỉ đầu tư các loại máy công suất nhỏ (khoảng 40 lít sữa) nhưng khi nhu cầu tiêu thụ cao, gia đình vay mượn đầu tư máy nấu sữa công suất lớn, cho thành phẩm 100 lít sữa. Với công thức của riêng mình, cơ sở sản xuất của anh Sang đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Hiện mô hình của gia đình anh thu khoảng 30 triệu đồng tiền lời mỗi tháng và tạo việc làm cho 4 lao động địa phương. Anh Sang cho hay: Trước đây, tôi trồng tiêu và nuôi dê. Sau này tiêu xuống giá tôi chuyển qua nuôi dê, đến khi kinh tế ổn định thì đi học nghề làm sữa bắp non. Thời gian đầu thực hiện tôi đã nhiều lần thất bại và rút ra bài học rồi tự nhủ phải cố gắng hơn nên mới có được kết quả như hôm nay.

Dám nghĩ, dám làm và linh hoạt, sáng tạo trong khởi nghiệp, các anh Trương Văn Kiên và Trần Vĩnh Sang đã thành công. Qua đó, các anh đã tạo thêm động lực và “tiếp lửa” cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.      

  • Từ khóa
38628

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu