Thứ 5, 09/05/2024 20:05:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:11, 14/08/2020 GMT+7

Thanh niên vùng biên khởi nghiệp

Văn Đoàn
Thứ 6, 14/08/2020 | 15:11:00 834 lượt xem
BPO - Phát triển sản xuất - kinh doanh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình và môi trường xã hội là bước đi phù hợp, bền vững. Đó là cách làm của nhiều thanh niên huyện biên giới Bù Đốp đã và đang mang lại hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Duy Phương chọn nuôi thỏ làm hướng khởi nghiệp

Từ nhu cầu thực tế địa phương

Nắm bắt nhu cầu thịt thỏ trên thị trường, ở địa bàn cũng chưa có ai phát triển loại vật nuôi này, tháng 6-2019, thanh niên Nguyễn Duy Phương (ấp 5, xã Hưng Phước) đầu tư hơn 100 triệu đồng làm chuồng trại và mua thỏ giống về nuôi. Do thiếu kinh nghiệm nên thỏ giống nhà anh bị chết đến 50%. Nhưng với sự kiên nhẫn, năng học hỏi, sau một thời gian anh Phương đã khắc phục được điểm yếu và phát triển đàn thỏ. Từ 50 con giống ban đầu, đến nay chuồng thỏ đã có hơn 100 con giống, chưa kể vài chục thỏ con. Anh Phương cho rằng, nuôi thỏ ít vốn đầu tư mà hiệu quả cao. Mỗi con thỏ giống đẻ từ 6-9 con/lứa, từ khi đẻ đến 3,5 tháng đạt 2,3-2,5kg là xuất bán. Hiện nay, mỗi năm anh bán từ 600-800 con thỏ thương phẩm, giá từ 80-100 ngàn đồng/kg, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Còn anh Đậu Trọng Tình (ấp Thanh Trung, xã Thanh Hòa) khởi nghiệp từ vay ngân hàng 20 triệu đồng, trong đó, 8 triệu đồng mua xe làm phương tiện đi lại, 12 triệu mở cửa hàng sửa chữa, thay thế linh kiện văn phòng phẩm. Chỉ sau 1 năm, anh Tình đã tích cóp được 80 triệu đồng cùng với vay mượn để đầu tư mua máy tính, máy in, máy photocopy… về bán. Đến năm 2019, anh Tình thành lập công ty, từ chỉ nhận sửa chữa các trang thiết bị, linh kiện, giờ đây anh còn chủ động nhận thi công dự án của các công ty khác như: lắp ráp camera an ninh, năng lượng mặt trời, máy vi tính, chảo đầu thu truyền hình cho người nghèo. Ngoài ra, công ty anh còn mở thêm xe dịch vụ để phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn. Đến nay, hộ anh có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 7 lao động tại địa phương với mức thu nhập trên 9 triệu đồng/người/tháng. Anh Tình chia sẻ: “Qua thực tế tôi nhận thấy, muốn khởi nghiệp thành công thì mình phải chọn lĩnh vực gắn với nhu cầu thực tế của địa phương. Tuy ban đầu có thể quy mô nhỏ nhưng phải xây dựng vững chắc, khi có đủ điều kiện sẽ mở rộng đầu tư kinh doanh cho phù hợp”.

Lan tỏa trong thanh niên

Trong thời gian qua, Huyện đoàn và Hội LHTN Việt Nam huyện Bù Đốp phối hợp các cấp, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tọa đàm giới thiệu việc làm, các mô hình kinh tế hiệu quả. Qua đó, đã khích lệ thanh niên nâng cao ý thức và khơi dậy phong trào lập thân, lập nghiệp. Nhờ vậy đến nay, trên địa bàn huyện có 230 thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi trên nhiều lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh… 

Là một trong những thanh niên tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất chế biến điều và là chủ kinh tế gia đình, anh Nguyễn Văn Thắng (ấp 8, xã Thanh Hòa) chia sẻ: “Ban đầu, tôi mua bán nông sản của người dân trên địa bàn huyện. Qua học hỏi thêm kinh nghiệm rồi mở xưởng chẻ hạt điều và phát triển dần, từ đó tôi gắn bó với lĩnh vực chế biến điều”.

Phó bí thư, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Bù Đốp Tạ Minh Tâm cho biết: Trong thời gian qua, phong trào thanh niên khởi sự, khởi nghiệp trên địa bàn huyện phát triển trên rất nhiều lĩnh vực. Qua đó, xuất hiện nhiều thanh niên thành công trong sản xuất - kinh doanh như: mô hình áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất - kinh doanh; chăn nuôi, trồng trọt... Từ đó, phong trào lan tỏa và có sức thu hút đông đoàn viên thanh niên trong toàn huyện tham gia.

  • Từ khóa
38626

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu