Thứ 5, 09/05/2024 12:35:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:52, 12/07/2020 GMT+7

Phát triển kinh tế từ nấm bào ngư xám

Thùy Hương
Chủ nhật, 12/07/2020 | 08:52:00 1,829 lượt xem
BPO - Những năm qua, Thành đoàn Đồng Xoài được Công ty TNHH cây xanh Công Minh hỗ trợ Quỹ khởi nghiệp 2 tỷ đồng. Để sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này, Thành đoàn Đồng Xoài đã xét duyệt và giải ngân cho 13 dự án của đoàn viên, thanh niên vay khởi nghiệp. Trong đó, mô hình trồng nấm của hộ chị Nguyễn Thị Lý ở khu phố Phước An, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế.

Bước đầu thành công

Để mô hình sản xuất đi vào thực tế, năm 2017, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lý về vùng chuyên sản xuất nấm ở tỉnh Bình Dương học tập kỹ thuật, kinh nghiệm. Sau gần 1 tháng tìm hiểu thực tế các mô hình trồng nấm và tìm đọc các tài liệu trên mạng, chị Lý quyết định đầu tư xây dựng Cơ sở trồng và sản xuất nấm Thiên Phúc, nay là Công ty TNHH MTV nấm Thiên Phúc. Chị Lý cho biết: Trước đây, tôi làm ở UBMTTQ Đồng Xoài. Khi cơ quan thực hiện tinh giản biên chế, tôi xin nghỉ việc và chọn hướng đi riêng cho mình bằng việc gắn bó với cây nấm.

Hằng năm, Công ty TNHH MTV nấm Thiên Phúc của gia đình chị Nguyễn Thị Lý tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định

Chị Lý chọn khởi nghiệp với nấm bào ngư xám. Đây là loại nấm dễ trồng, dễ chăm sóc và đang được thị trường ưa dùng, bởi nấm bào ngư giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, vốn đầu tư ít nên chị sử dụng 100m2 đất sẵn có để xây dựng cơ sở sản xuất và thử nghiệm với 1.500 bịch phôi nấm bào ngư. Lứa nấm đầu tiên thành công, chị có thêm động lực, mạnh dạn vay vốn từ Quỹ Khởi nghiệp Đồng Xoài 150 triệu đồng để mua lò hấp, mở rộng khu vực vào bịch, cấy phôi, ủ và treo nấm.

Chị Lý chia sẻ: Nấm bào ngư tuy dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng thường mắc bệnh mốc xanh gây hại phôi, tiêu diệt phôi khiến phôi nấm không thể ra tai. Nguyên nhân do bị giập tơ quá nặng kèm theo thời tiết nóng, hầm hơi hoặc do người trồng nấm rút bông sớm làm yếu bịch phôi; khâu vệ sinh bịch phôi chưa kỹ cũng có thể do tưới thẳng nước vào miệng bịch phôi quá nhiều. Để xử lý tốt loại bệnh này, người trồng nấm phải thường xuyên kiểm tra trại nấm, phát hiện những bịch có dấu hiệu nấm mốc xanh phải lấy ngay ra để riêng hoặc xử lý tốt phần phôi giống thì có thể phòng bệnh hiệu quả… Để tránh các loại bệnh cho nấm, người trồng cần tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu xử lý bột gỗ, tưới nước sạch, vệ sinh trại hằng ngày. Đặc biệt, khu vực sản xuất nấm cần bố trí xa khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhà nuôi nấm đảm bảo kín gió nhưng vẫn giữ được thoáng.

Áp dụng tốt những kỹ thuật trồng nấm, đến nay Công ty nấm Thiên Phúc của gia đình chị Lý phát triển khá tốt. Để tạo nguồn hàng thường xuyên cung cấp cho thương lái, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Đồng Xoài, chị Lý trồng nấm theo hình thức gối đầu. Vì vậy, ngày nào chị cũng có nấm bán ra thị trường với số lượng từ 50-60kg/ngày.

Hướng đến mở rộng thị trường

Chị Lý cho biết, gia đình chị tự thiết kế lò hấp và chế tạo máy đóng bịch phôi tự động. Từ ngày có máy, gia đình chị không chỉ tiết kiệm được công lao động mà còn nâng cao năng suất công việc. Trước đây, một người làm thủ công 1 ngày chỉ đóng được khoảng 300-400 bịch phôi, thì khi có sự hỗ trợ của máy, 1 lao động có thể đóng được 1.500 bịch phôi/ngày. Trung bình 1 tháng, công ty của chị sản xuất hàng trăm ngàn bịch phôi và cung ứng cho 6 trại nấm, các hộ dân trên địa bàn thành phố với số lượng khoảng 20 ngàn bịch phôi nấm.

Không chỉ cung cấp phôi nấm và nấm thương phẩm cho người dân trên địa bàn, chị Lý còn mong muốn đưa sản phẩm đến các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Để thực hiện điều này, hiện vợ chồng chị đang đầu tư mở rộng công ty sản xuất tại xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú với diện tích 5.000m2, gồm: 1 nhà xưởng sản xuất phôi giống khoảng 800m2 và 30 nhà trồng nấm xung quanh với quy mô khoảng 300 ngàn phôi nấm. Hiện các công trình nhà xưởng, nhà ở công nhân và các công trình khác đang từng bước được hoàn thiện; dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay và cung cấp ra thị trường trung bình 1 ngày từ 2,5-3 tấn nấm thương phẩm và hàng ngàn bịch phôi giống cho các hộ dân, trại nấm… Trồng và sản xuất phôi nấm, mỗi năm giúp gia đình chị Lý thu nhập hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho 6 lao động với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng/người.

Chị Trần Thị Lý, Bí thư Đoàn phường Tân Xuân cho biết: Tới đây, Đoàn phường sẽ tổ chức cho đoàn viên thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trồng nấm. Đồng thời, Đoàn phường sẽ tạo điều kiện cho các bạn trẻ có nhu cầu khởi nghiệp tiếp cận vốn vay ủy thác, Quỹ khởi nghiệp của tỉnh, thành phố để có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.

  • Từ khóa
38620

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu