Thứ 5, 09/05/2024 18:12:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 26/07/2011 GMT+7

Những vướng mắc về cổ phần hóa doanh nghiệp đã được tháo gỡ

Thứ 3, 26/07/2011 | 00:00:00 211 lượt xem

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Điều đáng lưu ý trong nghị định này là những vướng mắc về việc xác định giá trị của doanh nghiệp và chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa doanh nghiệp đã được tháo gỡ.

* Chính sách đối với nhà đầu tư chiến lược:

Về chính sách đối với nhà đầu tư chiến lược, nghị định mới đã điều chỉnh mở rộng thêm cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước cuộc đấu giá công khai. Theo đó, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là giá thỏa thuận hoặc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược với nhau, nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được duyệt. Trường hợp thực hiện bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược sau khi bán đấu giá công khai ra công chúng như cơ chế hiện nay thì Nghị định đã điều chỉnh giá bán là giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai. Đồng thời, để các nhà đầu tư chiến lược thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp sau chuyển đổi, dự thảo cũng quy định mỗi doanh nghiệp không quá 3 nhà đầu tư chiến lược. Thời gian nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư chiến lược ít nhất là 5 năm.

Điều 3. Điều kiện cổ phần hóa (Điều 3, NĐ số 59)
1. Các doanh nghiệp quy định tại Điều 2 nghị định này thực hiện cổ phần hóa khi bảo đảm đủ 2 điều kiện:
a) Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.
b) Còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.

2. Trường hợp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Chương II và Chương III nghị định này mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ của doanh nghiệp xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; trường hợp phương án tái cơ cấu doanh nghiệp không khả thi và hiệu quả thì chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định trong trường hợp cổ phần bán không hết, doanh nghiệp được tổ chức chào công khai bán tiếp cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Giá bán theo phương thức thỏa thuận là giá bán thương thảo trực tiếp với từng nhà đầu tư bảo đảm nguyên tắc không thấp hơn giá khởi điểm (đối với trường hợp bán thỏa thuận trước cho nhà đầu tư chiến lược) hoặc không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất (đối với trường hợp xử lý cổ phần không bán hết của cuộc đấu giá công khai). Trường hợp chào bán công khai theo phương thức thỏa thuận mà vẫn không bán hết thì Ban Chỉ đạo cổ phần hóa báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa thực hiện điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ để chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần trước khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu. Ban chỉ đạo cổ phần hoá và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm bổ sung vào dự thảo điều lệ để thông qua đại hội đồng cổ đông lần đầu về quyền bán tiếp phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần sau khi công ty cổ phần đã chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

* Quy định về xử lý tài chính trước khi định giá doanh nghiệp:

Về xử lý tài chính trước khi định giá doanh nghiệp cổ phần, nghị định đã bổ sung quy định các tài sản không được phép loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp gồm: tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc (bao gồm cả các công trình ngầm, đường xá nội bộ, tường rào, sân, bãi nội bộ) mà doanh nghiệp có sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp; các tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải mới đầu tư đưa vào sử dụng trong thời hạn 5 năm hoặc có giá trị còn lại theo sổ sách kế toán từ 50% nguyên giá của tài sản trở lên. Đối với tài sản thuộc diện phải hủy bỏ là hóa chất, chất gây nguy hại, thuốc trừ sâu đã quá hạn... doanh nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý, hủy bỏ theo chế độ quản lý tài chính và quản lý môi trường hiện hành trước thời điểm thực hiện đăng ký doanh nghiệp lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Sau khi xác định nguyên nhân, trách nhiệm, bồi hoàn theo chế độ quản lý tài chính hiện hành, phần tổn thất doanh nghiệp được xử lý vào kết quả kinh doanh theo quy định...

Đối với việc xử lý tài chính ở thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần, nghị định đã bổ sung quy định tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, khi lập báo cáo tài chính để bàn giao từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang công ty cổ phần, doanh nghiệp thực hiện định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán (nếu có) đã xác định trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; tổng giá trị các khoản đầu tư chứng khoán phát sinh tăng hoặc giảm so với giá đang hạch toán trên sổ kế toán thì doanh nghiệp được hạch toán vào kết quả kinh doanh theo quy định pháp luật.

Đồng thời, Nghị định quy định bổ sung trong thời gian 30 ngày kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành việc lập báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, đề nghị cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế, thực hiện quyết toán, xác định giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý làm cơ sở bàn giao cho công ty cổ phần mới.

TH

  • Từ khóa
35979

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu