Thứ 5, 02/05/2024 05:57:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 22:02, 18/04/2024 GMT+7

Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường từ đơn vị sản xuất

Thu Nguyệt (Báo Quảng Ninh)
Thứ 5, 18/04/2024 | 22:02:01 1,135 lượt xem
Quảng Ninh hiện có 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 7 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập. Trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập, mở rộng diện tích 11 CCN; có 2 làng nghề, nhiều đơn vị khai thác than, sản xuất điện, xi măng… Các cơ sở này đều chú trọng công tác phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Hiện khối lượng phát sinh chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 452.532.600 tấn/năm, chủ yếu trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, tro xỉ thải, sản xuất giấy, sản xuất da giầy, sản xuất vật liệu xây dựng…

Hệ thống xử lý nước thải được Công ty TNHH KCN Texhong Hải Hà (KCN Cảng biển Hải Hà) đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Thu Hoài
Hệ thống xử lý nước thải được Công ty TNHH KCN Texhong Hải Hà (KCN Cảng biển Hải Hà) đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Theo Ban Quản lý KKT tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 KCN đã hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung gồm 15 mô-đun với tổng công xuất xử lý 71.400m3/ngày đêm. Trong 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập có 6 dự án có nhà đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất. Cả 6 KCN này đã đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kết nối, truyền dữ liệu về Sở TN&MT. Có 4 KCN đã được Bộ TN&MT cấp giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. 100% dự án thứ cấp trong KCN có hệ thống thu gom, thoát nước mưa đấu nối vào hệ thống thoát nước mưa của KCN.

Còn trong số 11 CCN với tổng diện tích 577,55ha trên địa bàn, đến nay có 5 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 312,74ha, thu hút được 434 dự án thứ cấp với 4.868 lao động. Trong 5 CCN trên có 4 CCN đã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Còn CCN Kim Sen (TX Đông Triều), hiện chủ đầu tư đang rà soát, nghiên cứu đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; tuy nhiên các nhà đầu tư thứ cấp ở CCN này đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp hoạt động trong các KCN, CCN trên địa bàn đều xây dựng, bố trí kho lưu trữ chất thải rắn, chất thải công công nghiệp, chất thải nguy hại phát sinh và ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom xử lý theo quy định hiện hành.

Máy phun sương cao áp dập bụi tại khu vực kho than Công ty CP Than Hà Tu đang hoạt động hiệu quả. Ảnh: Việt Trung (CTV)
Máy phun sương cao áp dập bụi tại khu vực kho than Công ty CP Than Hà Tu hoạt động hiệu quả, giảm thiểu tình trạng bụi phát tán ra môi trường. Ảnh: Việt Trung (CTV)

Không chỉ ở KCN, CCN trên địa bàn; đối với các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc thời gian qua cũng tập trung thực hiện, hoàn thành nhiều công trình, giải pháp bảo vệ môi trường; nghiên cứu lựa chọn các công nghệ khai thác, chế biến, sàng tuyển theo hướng đồng bộ hóa các khâu.

Đồng thời đầu tư các thiết bị vận chuyển tân tiến, hiện đại giảm thiểu phát thải khí độc hại ra môi trường, như: Hệ thống băng tải than ra cảng, cầu vượt qua quốc lộ 18, hệ thống trạm rửa xe tự động từ mỏ lưu thông qua khu vực dân cư, các hệ thống phun sương dập bụi, hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy trình đảm bảo nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Công tác quản lý chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất tại các đơn vị khai thác than, khoáng sản đều được thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý đúng quy định. Đất đá thải được quản lý, đổ thải theo đúng quy hoạch, đúng thiết kế. Các đơn vị chú trọng trồng cây phủ xanh tại các khu vực kết thúc khai thác, đổ thải, dọc các tuyến đường vận tải tạo hiệu quả cho việc chắn bụi và hoàn nguyên môi trường...

Hệ thống quan trắc môi trường tự động tại CCN Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả). Ảnh: Nguyễn Duy
Hệ thống quan trắc môi trường tự động tại CCN Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả). Ảnh: Nguyễn Duy

Về phía các nhà máy nhiệt điện đều trang bị hệ thống lọc bụi tĩnh điện để khử bụi trong khói thải. Các nhà máy xi măng, nhiệt điện cũng đã đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động. Một số đơn vị sản xuất xi măng đang thực hiện đồng xử lý chất thải công nghiệp và đang làm thủ tục thử nghiệm tại nhà máy, góp phần giảm thiểu phát thải ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thực hiện nền kinh tế tuần hoàn.

Các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, tỉnh đã hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ đảm bảo thực hiện di dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời trên địa bàn. Theo kết quả rà soát và báo cáo của các địa phương, trên địa bàn tỉnh có 2.361 cơ sở phải di dời. Đến nay, công tác di dời đã triển khai thực hiện tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TX Đông Triều và huyện Ba Chẽ. Đến tháng 12-2023, tại 4 địa phương này đã di dời được 568/2.361 cơ sở phải thực hiện di dời. Các địa phương còn lại hoàn thành việc rà soát, thống kê và xây dựng kế hoạch di dời…

Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn đã cơ bản thực hiện đúng, đủ các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm các nội dung đã cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, như: Chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, xử lý nước thải, khí thải đảm bảo quy chuẩn Việt Nam và quy chuẩn địa phương, lắp đặt và vận hành liên tục hệ thống quan trắc môi trường tự động, thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định.

  • Từ khóa
194482

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu