Thứ 3, 30/04/2024 19:47:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 11:03, 12/04/2024 GMT+7

Lợi thế thu hút đầu tư nuôi biển

Hoàng Nga (Báo Quảng Ninh)
Thứ 6, 12/04/2024 | 11:03:45 1,100 lượt xem
Đặt mục tiêu phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị với doanh nghiệp là nòng cốt, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch trên 45.000ha khu vực biển dành cho nuôi biển. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, hiện nay, diện tích đang được các doanh nghiệp, HTX nghiên cứu đầu tư là hơn 3.000ha, tập trung tại 6 địa phương (Vân Đồn, Cẩm Phả, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Hạ Long).

Mô hình trang trại trồng rong kết hợp nuôi hàu Thái Bình Dương và du lịch trải nghiệm tại đảo Phất Cờ (huyện Vân Đồn).

Năm 2022, mô hình trang trại trồng rong kết hợp nuôi hàu Thái Bình Dương và du lịch trải nghiệm tại đảo Phất Cờ (huyện Vân Đồn) được Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) phối hợp với STP Group triển khai. Chỉ sau gần 2 năm, nơi đây đã hình thành farm nuôi thủy sản sử dụng toàn bộ vật liệu nổi bằng nhựa HDPE nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi hạ tầng nuôi biển xanh và bền vững. Với 5ha diện tích mặt nước hiện có, các khu vực nuôi được bố trí theo hình thức xen canh, đa loài và ứng dụng AI phân tích sự bắt mồi của thủy sản để điều chỉnh tự động lượng thức ăn phù hợp cũng như hạn chế tối đa thức ăn dư thừa ảnh hưởng đến môi trường biển. Mô hình cũng ứng dụng hệ thống cảm biến từ Đức liên tục đo lường môi trường nuôi để có phương án phòng ngừa. Tuy nhiên, lợi ích lớn hơn mà mô hình mang lại không chỉ tập trung vào việc phát triển công nghệ mới trong NTTS mà còn đưa ra một mô hình kết hợp giữa nuôi trồng và du lịch, tạo ra một trải nghiệm độc đáo cho du khách. Qua đó, giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương và góp phần vào việc bảo tồn và tái tạo tài nguyên sinh thái biển.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, chia sẻ: Để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào nuôi biển, Quảng Ninh đã tiên phong trong ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong NTTS và triển khai giao vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý. Từ thành công trong mô hình, năm 2024, STP Group tiếp tục mở rộng quy mô nuôi biển tại huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả và TP Hạ Long. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng nuôi xen canh, đa loài trên một diện tích mặt nước để gia tăng giá trị nuôi trồng.


Lễ ký kết bản ghi nhớ thúc đẩy phát triển nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2025 giữa tỉnh Quảng Ninh và 7 đơn vị. Ảnh: Thu Chung

Xác định nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có định hướng. Đây cũng là điều kiện cho nhiều doanh nghiệp lớn ngành thủy sản chọn Quảng Ninh là “bến đỗ” để đầu tư. Sở NN&PTNT cũng đã tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện sắp xếp và giao khu vực biển để NTTS theo thẩm quyền, một trong những cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong triển khai đầu tư nuôi biển. Từ năm 2023, Sở NN&PTNT đã cùng với 20 doanh nghiệp lớn có nhu cầu đầu tư nuôi biển tập trung rà soát xây dựng phương án giao khu vực biển, ưu tiên thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác xã tại các khu vực có khả năng thuận lợi nhất cho nuôi trồng, thu hoạch, chế biến thủy sản để thu hút người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn, có cuộc sống dựa vào khai thác, NTTS để đầu tư, sản xuất kinh doanh thủy sản; thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, trình độ khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, có khả năng đứng đầu chuỗi sản xuất, làm hạt nhân dẫn dắt tại các vùng biển khai thác dự án để thu hút đầu tư.


Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy kiểm tra quy hoạch vùng nuôi tại huyện Đầm Hà. Ảnh: Đỗ Phương

Đến nay, Sở phối hợp với các địa phương xác định diện tích khu vực biển dự kiến thu hút đầu tư trên 14.000ha. Trong số đó có những dự án lớn đang được các doanh nghiệp đề xuất triển khai, gồm: Dự án nuôi biển hiện đại kết hợp với trải nghiệm tại Vịnh Hạ Long, diện tích 120 ha, tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; dự án nuôi biển công nghiệp hiện đại kết hơp với trải nghiệm tại khu 2 (phường Cẩm Đông và Cẩm Tây, TP Cẩm Phả) với diện tích 98ha, vốn đầu tư 160 tỷ đồng; dự án tại Vân Đồn 120 ha tại xã Minh Châu với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng, dự án nuôi hàu Thái Bình Dương và rong sụn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khu vực Ba Rèm Nam (huyện Hải Hà) với diện tích hơn 300 ha, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng; dự án trại sản xuất và nuôi hải sâm tại xã Thanh Lân (huyện Cô Tô). Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thu hút các nhà đầu tư quan tâm đối với những dự án có trong danh mục thu hút đầu tư của tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện nay, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của lĩnh vực thủy sản đạt khoảng 5,87% và chiếm 50% giá trị ngành Nông lâm ngư nghiệp, trên 20% trong giá trị gia tăng kinh tế biển. Với những đóng góp của thủy sản và trên cơ sở tiềm năng hiện có, tỉnh đang cơ cấu lại ngành thủy sản, phát triển lĩnh vực nuôi biển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, phát triển nuôi biển gắn với các ngành kinh tế khác như du lịch để phát huy và khai thác đa giá trị tạo sản phẩm có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất trong lĩnh vực thủy sản theo chuỗi giá trị, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển, trong đó sẽ thu hút nhà đầu tư lớn dẫn dắt chuỗi giá trị của ngành thủy sản.

  • Từ khóa
194209

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu