Thứ 4, 01/05/2024 01:50:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 11:54, 10/04/2024 GMT+7

Tháo gỡ khó khăn cho vùng quy hoạch khoáng sản

Vũ Thuyên
Thứ 4, 10/04/2024 | 11:54:16 2,295 lượt xem

Bài cuối:
GỠ VƯỚNG ĐỂ PHÁT TRIỂN

BPO - Theo Quyết định số 866/QĐ-TTg và Quyết định số 1277/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khoảng 90.000 ha đất thuộc vùng quy hoạch khoáng sản, trong đó nhiều nhất ở huyện Bù Đăng. Quy hoạch khiến nhiều công trình, dự án đầu tư xây dựng nông thôn mới và đời sống dân sinh bị ảnh hưởng. Điều này rất cần các ngành, các cấp từ tỉnh đến Trung ương quan tâm, sớm tìm giải pháp tháo gỡ cho huyện, nhất là trong giai đoạn thi đua nước rút ở cuối nhiệm kỳ và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).

Thực hiện Quyết định số 866 và 1277, toàn huyện Bù Đăng có 76 đồ án quy hoạch, 424 công trình, dự án bị ảnh hưởng. Trong đó, 22 công trình, dự án đang triển khai dở năm 2023 và 21 công trình, dự án chuẩn bị đầu tư năm 2024. Có 18.911 căn nhà dân sinh bị ảnh hưởng, với khoảng 18.737 hộ dân/71.579 người.

Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bù Đăng Phan Minh Lâm cho biết: Do vướng quy hoạch nên việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội phải tạm ngưng thi công, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân như trường học, trạm y tế, cầu cống, đường giao thông... Cùng với đó, huyện Bù Đăng đang tiến hành lập quy hoạch vùng huyện Bù Đăng, quy hoạch chung xây dựng các xã và quy hoạch các khu dân cư. Các đồ án hiện nay tạm ngưng thực hiện cũng ảnh hưởng đến đầu tư xây dựng, vì quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng các công trình.

Trường tiểu học Kim Đồng, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng xuống cấp trầm trọng và thiếu nhiều phòng học nhưng chưa được đầu tư xây dựng mới do vướng quy hoạch bô-xít

Hiện nay, người dân trên địa bàn huyện tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, bởi không đúng quy định hiện hành. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân muốn xây dựng nhà ở và các công trình khác cũng không thể thực hiện, bởi không đúng với quy định hiện hành.

Nhận diện những khó khăn, vướng mắc từ quy hoạch bô-xít, quy hoạch khu dự trữ khoáng sản quốc gia, UBND huyện Bù Đăng đã báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy để họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, đối với các dự án công trình an sinh xã hội như trường học, trạm y tế, đường giao thông nếu được xây dựng trên nền đất hiện hữu thì tiếp tục cho triển khai nhằm ổn định cuộc sống người dân. Tuy nhiên, qua rà soát quy định thì việc đầu tư xây dựng trong ranh quy hoạch khai thác khoáng sản là không thể thực hiện. Do đó, UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có văn bản hướng dẫn thực hiện.

Và để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND huyện Bù Đăng kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm triển khai cắm mốc giới bàn giao lại địa phương quản lý; Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển đổi các múi chiếu cho phù hợp với múi chiếu tỉnh đang quản lý sử dụng, sau đó bàn giao cho huyện sử dụng. Đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc lập các đồ án do UBND tỉnh và UBND huyện phê duyệt để huyện có cơ sở thực hiện phù hợp, tránh tình trạng lập xong đồ án mà không thể phê duyệt; có văn bản cho phép UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Cùng với đó, các khu vực được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cập nhật trong kế hoạch sử dụng đất do UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1516/QĐ-UBND ngày 23-8-2022 về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Bù Đăng. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn UBND huyện đầu tư xây dựng các công trình theo vốn ngân sách nhà nước và các công trình nhà ở dân sinh nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Bởi quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia kéo dài 50 năm, trong khi nhà ở dân sinh là nhà cấp IV, niên hạn sử dụng 20 năm.

Công trình nhà văn hóa thôn 3, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng nằm trên đất quy hoạch bô-xít

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo huyện Bù Đăng cho rằng, quy hoạch bô-xít là quá trình lâu dài. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, huyện Bù Đăng có 3 xã được tỉnh chọn đầu tư cán đích nông thôn mới năm 2024, trong đó có xã Đồng Nai và Nghĩa Bình vướng quy hoạch bô-xít nên việc đầu tư xây dựng để về đích nông thôn mới ở 2 địa phương này khó có thể thực hiện được. Bởi ranh quy hoạch mỏ bô-xít thuộc cụm mỏ Thống Nhất nằm chồng lấn hoàn toàn lên ranh địa giới hành chính xã Nghĩa Bình và ranh quy hoạch mỏ bô-xít thuộc cụm mỏ Thọ Sơn nằm chồng lấn gần hết địa giới hành chính xã Đồng Nai. Quy hoạch bô-xít gây khó khăn về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, nhà văn hóa, đặc biệt là chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Huyện Bù Đăng đang tích cực tham mưu Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trình các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ xác định thời gian quy hoạch của các mỏ, mỏ nào khai thác, mỏ nào chưa. Mỏ nào chưa triển khai thực hiện thì cho người dân, chính quyền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án trên đất quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Ông Cao Mạnh Tuấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bình Tiến, xã Nghĩa Bình cho rằng, quy hoạch bô-xít là chủ trương lớn của Nhà nước, Chính phủ nên người dân phải chấp hành. Tuy nhiên, người dân băn khoăn, lo lắng là không biết khi nào sẽ triển khai thực hiện và nếu làm thì Nhà nước nên triển khai sớm để người dân biết, có cơ sở đầu tư phát triển kinh tế, sinh sống lâu dài.

  • Từ khóa
193888

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu