Thứ 5, 09/05/2024 02:22:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:28, 28/02/2024 GMT+7

Tín hiệu vui cho hồ tiêu Lộc Ninh

Nguyễn Tuyền
Thứ 4, 28/02/2024 | 08:28:44 2,606 lượt xem
BPO - Là huyện đứng đầu tỉnh Bình Phước về diện tích sản xuất hồ tiêu, Lộc Ninh tiếp tục có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển loại cây này theo chuỗi giá trị. Huyện đang chú trọng thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản đối với sản phẩm hồ tiêu, giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, tạo tín hiệu vui cho nông dân trong năm 2024.

Hướng đến sản xuất hữu cơ

Đến đầu năm 2024, toàn huyện Lộc Ninh có tổng diện tích gieo trồng hơn 55.000 ha, trong đó riêng cây hồ tiêu có khoảng 5.200 ha. Năng suất hồ tiêu năm 2023 đạt hơn 18 tạ/ha, sản lượng khoảng 9.400 tấn.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Hoàng Ngọc Anh và Hội Nông dân xã tham quan mô hình trồng tiêu của anh Tạ Tư ở ấp 7, xã Lộc Thuận

Thời gian qua, hạt tiêu sau khi thu hoạch chủ yếu là làm sạch, sấy khô và xuất bán. Vài năm gần đây, có 2 cơ sở gồm Hợp tác xã (HTX) hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang và Công ty TNHH MTV Mỹ Lệ đã thực hiện các bước sơ chế, chế biến sản phẩm này. Với các sản phẩm đa dạng như: bột tiêu tứ sắc sấy thăng hoa, bột tiêu xanh sấy thăng hoa, hạt tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu đen, hạt tiêu đỏ sấy thăng hoa, hạt tiêu tứ sắc sấy thăng hoa, tiêu đen ASTA, tiêu sọ mộc tiệt trùng, tiêu sọ trắng tiệt trùng để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Công ty TNHH MTV Mỹ Lệ, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh thực hiện các bước sơ chế sản phẩm tiêu đen ASTA, tiêu sọ mọc tiệt trùng để xuất bán đi thị trường các nước

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hồ Quang Khánh cho biết: Năm 2013, huyện đã thành lập các câu lạc bộ trồng tiêu sạch trên địa bàn. Quá trình triển khai các mô hình trồng hồ tiêu sạch với sự hỗ trợ của các ngành chức năng liên quan và Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Bình Phước, nông dân trồng hồ tiêu ở huyện Lộc Ninh đã quyết tâm chuyển đổi phương thức canh tác. Từ trồng tự phát theo hướng truyền thống, nông dân dần chuyển sang ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; ưu tiên phát triển sản xuất theo hướng sinh học, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để đưa hồ tiêu Lộc Ninh vươn xa trên thị trường.

Qua 10 năm phát triển mô hình, đến năm 2024, trên địa bàn huyện đã thành lập 24 câu lạc bộ với 604 hộ nông dân tham gia. Tổng diện tích sản xuất hồ tiêu của các câu lạc bộ là 645 ha. Tổng sản lượng hạt tiêu khô, tiêu sạch đăng ký cung ứng hằng năm cho Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Bình Phước khoảng 1.176 tấn.

Gần đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn thành lập được 8 HTX sản xuất tiêu với tổng diện tích hơn 250 ha. Mặc dù các HTX này mới thành lập nhưng bước đầu hoạt động khá hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản, đảm bảo nguồn nông sản sạch cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Liên kết để phát triển bền vững

Giám đốc HTX tiêu sạch Hiệp Tiến, xã Lộc Hiệp Phan Chính Thuần chia sẻ: Khó khăn hiện nay của hồ tiêu là giá vật tư đầu vào khá cao, nguồn giống có dấu hiệu thoái hóa, trong khi đó, giá hồ tiêu giảm sâu, nông dân thiếu đầu tư, chăm sóc… khiến các nông hộ trồng hồ tiêu gặp không ít khó khăn.

HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang chế biến các sản phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu

Mới đây, hội nghị “Kết nối nông sản đối với hồ tiêu Lộc Ninh” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Lộc Ninh tổ chức, cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường hồ tiêu và định hướng phát triển sản xuất cho cây trồng này.

Là huyện đứng đầu tỉnh về sản xuất hồ tiêu, việc xây dựng và cấp chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu “Hồ tiêu Lộc Ninh” là rất cần thiết, địa phương nên quan tâm, hỗ trợ người dân, HTX. Bên cạnh đó, các xã cần sớm tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để dễ dàng tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật và nguồn vốn tín dụng.

Ông HOÀNG MẠNH THƯỜNG, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Không thể phủ nhận cây hồ tiêu là thế mạnh của huyện Lộc Ninh. Nhờ cây tiêu mà nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã đổi đời, làm giàu. Vì vậy, trong thời gian tới, để sản xuất hồ tiêu của huyện Lộc Ninh phát triển bền vững, trước hết phải ổn định diện tích hồ tiêu hiện có; nông dân cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm; tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, cũng như tích cực tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm để tăng giá trị.

Bên cạnh đó, để phát triển ổn định hồ tiêu rất cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành chung tay tìm hướng đi; sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện thuận lợi về cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp cho người dân ứng dụng vào sản xuất và ký kết bao tiêu sản phẩm. Có như vậy người dân mới yên tâm liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó góp phần giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập, giúp người trồng tiêu trên địa bàn huyện ổn định sản xuất, cuộc sống.

  • Từ khóa
190556

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu