Thứ 7, 27/04/2024 19:04:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 04:37, 26/01/2024 GMT+7

Khởi nghiệp từ nông nghiệp xanh

Lê Na
Thứ 6, 26/01/2024 | 04:37:53 3,280 lượt xem
BPO - Trong khi nhiều người tìm cách “li nông” tìm cơ hội tại các thành phố lớn thì hiện có nhiều bạn trẻ tích cực quay về với nông nghiệp. Khởi nghiệp ở nhiều độ tuổi khác nhau, với tư duy tiến bộ, điều kiện tiếp cận khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại đã mang lại cho họ những kết quả tối ưu hơn.

Bỏ phố về rừng

Bên chén nước vối vàng tươi, trong tiết trời mát mẻ của ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, anh Nguyễn Văn Thanh (SN 1990), chủ trại nấm Nguyễn Thanh ở thôn 3, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “bỏ phố về rừng” lập nghiệp. Thanh tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ sinh học và đã có 3 năm làm việc ổn định tại Thành phố Hồ Chí Minh với mức lương khá cao. Đến năm 2016, Thanh về quê nhà ở xã Long Hưng, huyện Phú Riềng khởi nghiệp trồng nấm.

Anh Nguyễn Văn Thanh (bìa phải) giới thiệu về mô hình trồng nấm bào ngư xám đang là hướng đi đầy triển vọng trên địa bàn xã Long Hưng, huyện Phú Riềng

Bắt tay vào làm, anh Thanh đã tìm hiểu về điều kiện phát triển, đặc tính của các loài nấm để lựa chọn loài phù hợp với đất Long Hưng. Càng tìm hiểu anh càng thấy sự kỳ diệu của loài không phải động vật cũng chẳng phải thực vật này. Và rồi nấm bào ngư xám là “ứng cử viên” sáng giá được anh chọn để nuôi trồng thử nghiệm.

Anh Thanh cho biết: Ban đầu do chưa nắm vững kỹ thuật, trồng ra meo nấm nhưng những bọc phôi không chịu mọc ra nấm. Loay hoay, tìm hiểu mãi vẫn không thành công, mình bực quá, ôm tất cả bịch phôi ra vườn bỏ đi. Bịch phôi vỡ ra, hôm sau nấm mọc chi chít ở các vết rách. Từ đó mình biết cách cho bịch phôi ra nấm. Có lần do không xử lý kỹ khâu làm phôi, trại nấm đồng loạt bị bệnh phải đổ bỏ hết. Đợt đó mình phải nghỉ sản xuất một thời gian, tổng vệ sinh lại toàn bộ trại. Thời điểm đó gần như cụt vốn, vừa mất tiền vừa thất vọng, mình buồn lắm! Nhưng mình tự động viên bản thân làm lại, quyết tâm phải làm bằng được để hoàn thành ước mơ làm giàu từ nông nghiệp.

Và với quyết tâm mạnh mẽ, tinh thần không lùi bước trước khó khăn. Đến nay, sau 7 năm khởi nghiệp, anh Thanh đã xây dựng cơ ngơi gồm 1 nhà xưởng và 6 trại nấm trên diện tích hơn 1.000m2, có sức chứa khoảng 80.000 phôi. Ngoài cung cấp nấm bào ngư xám cho thị trường Phú Riềng, Phước Long, Đồng Xoài, anh Thanh đã phát triển thêm nấm linh chi, nấm mèo và cung cấp phôi nấm các loại cho nhiều trại nấm trên địa bàn tỉnh. Với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trại nấm của anh Thanh đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.

Năm 2024, anh Thanh đang chuẩn bị vốn, thực hiện tham vọng sẽ sản xuất meo giống nấm các loại để chủ động cung ứng cho sản xuất của trại và người dân xung quanh, tiếp tục nuôi giấc mơ xanh “Phát triển Long Hưng thành khu vực trồng nấm lớn nhất tại Bình Phước”.

nh quyết định bỏ phố về quê trồng nấm, một phần vì cảm thấy không hợp với cuộc sống xô bồ nơi phố thị, một phần vì muốn làm điều gì đó cho quê hương và quan trọng nhất là được gần gũi gia đình. Đến bây giờ mình thấy quyết định của bản thân là hoàn toàn đúng đắn.

Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ trại nấm Nguyễn Thanh, thôn 3, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng


Tiên phong ứng dụng công nghệ số

Không chỉ thành công với những mô hình làm giàu từ nông nghiệp, nhiều người trẻ tại Bình Phước đã và đang trở thành những người tiên phong trong cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.

Đến thăm Gia Bảo Ecofarm của anh Nguyễn Minh Hiếu ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long, điều đầu tiên gây ấn tượng với chúng tôi là màu xanh ngút ngàn của vườn sầu riêng đang thời kỳ ra bông, đậu trái. Những hàng sầu riêng thẳng tắp được tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Cỏ dại trong vườn được xử lý bằng xe cắt cỏ. Công việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho vườn được thực hiện hoàn toàn bằng máy bay không người lái và máy phun thuốc tự động hiện đại được nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Anh Nguyễn Minh Hiếu thử nghiệm lái máy phun thuốc trên trang trại của mình tại TX. Phước Long

Vẫn chưa bằng lòng với những tiến bộ kỹ thuật hiện có, dưới sự giúp đỡ của những người bạn đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, anh Hiếu đã lắp đặt thêm “Trạm dự báo thời tiết cá nhân” trên vườn sầu riêng. Từ đó, thông qua trạm dự báo thời tiết, kết nối với điện thoại thông minh, dù không có mặt tại vườn cây nhưng anh Hiếu vẫn biết được tình hình nắng, mưa trên vườn để lên kế hoạch phun thuốc, bón phân, canh tác phù hợp, hiệu quả nhất cho vườn. 

Anh Hiếu cho biết: “Trạm dự báo thời tiết không chỉ phục vụ vườn của Gia Bảo Ecofarm, mà dữ liệu hằng ngày trạm thu được sẽ đồng bộ lên một số nền tảng thời tiết uy tín của nước ngoài để phục vụ nhu cầu chung của nông dân trong khu vực”.

Gia Bảo Ecofarm rộng khoảng 30 ha, được đầu tư trồng trọt bài bản, nhất là khâu kiểm soát dịch bệnh để bảo đảm kiểm soát côn trùng gây hại và an toàn thực phẩm. Vì vậy, Gia Bảo Ecofarm đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Vụ mùa 2023 vừa qua, Gia Bảo Ecofarm cung ứng ra thị trường 750 tấn sầu riêng.

Không chỉ mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào quản lý vườn cây, anh Hiếu đang giữ vai trò là Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số tỉnh Bình Phước. Hợp tác xã sẵn sàng chuyển giao ứng dụng số trong nông nghiệp cho nông dân với mong muốn góp sức để nâng tầm giá trị, thương hiệu nông sản; tích cực xây dựng thị trường trong và ngoài nước cho nông sản, giúp nền nông nghiệp Bình Phước phát triển.

ng trại của tôi đã triển khai ứng dụng sổ nhật ký điện tử vườn cây để theo dõi quá trình canh tác, triển khai ứng dụng internet vạn vật (IoT) vào sản xuất để có thể giám sát sự phát triển của cây trồng và điều kiện môi trường. Từ đó dự đoán, theo dõi và quản lý chu kỳ các sản phẩm của mình.

Anh Nguyễn Minh Hiếu, chủ Gia Bảo Ecofarm, xã Phước Tín, TX. Phước Long


Các anh Nguyễn Minh Hiếu, Nguyễn Văn Thanh đã thành công trên con đường khởi nghiệp xanh. Họ là những người trẻ sinh ra từ làng quê, quyết tâm khởi nghiệp từ nông nghiệp góp sức vẽ nên bức tranh khởi nghiệp của thanh niên nông thôn tại Bình Phước ngày càng tươi sáng, hấp dẫn hơn.

Trên con đường khởi nghiệp, để đến được thành công sẽ là chặng đường dài, nhiều chông gai, thử thách với họ. Những người trẻ khởi nghiệp đã và đang nỗ lực, chăm chút từng ngày, quyết tâm hiện thực hóa ước mơ mà họ đã chọn. Họ không chỉ xây ước mơ cho mình mà còn góp sức xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, phát triển bền vững. Đặc biệt sự thành công của những mô hình này chính là hướng đi trong phát triển nông nghiệp bền vững.

  • Từ khóa
188082

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu