Thứ 3, 14/05/2024 14:15:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tổ quốc trong trái tim tôi 08:53, 28/03/2022 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Còn nhiều dư địa phát triển kinh tế biển

Thanh Trà (t/h)
Thứ 2, 28/03/2022 | 08:53:48 511 lượt xem

BPO - Là quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km, diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo, quần đảo khác. Việt Nam có hơn 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển; có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, như: giao thông vận tải biển; khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển...

Theo “Báo cáo kinh tế biển xanh”, dư địa phát triển cho từng lĩnh vực kinh tế biển (KTB) của Việt Nam còn khá rộng. Do đó, trong 10-15 năm tới, các kịch bản tăng trưởng kinh tế đều theo hướng nhanh hơn, nhờ các yếu tố khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất kết hợp với bảo tồn hệ sinh thái và duy trì sự đa dạng sinh học vẫn rất thực tế.

Báo cáo KTB xanh do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng với Tổng cục Biển và Hải đảo thực hiện chỉ ra rằng, Việt Nam có thể phát triển 6 lĩnh vực KTB theo hướng biển xanh. Theo đó, điện gió ngoài khơi của Việt Nam hiện còn rất khiêm tốn cả về số lượng lẫn quy mô dự án. Đến năm 2019, công suất lắp đặt chiếm 0,18% công suất nguồn điện và chiếm 0,11% sản lượng điện của hệ thống điện Việt Nam. Do đó, tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam là rất lớn.

Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt Hạ Long tại Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, ngành dầu khí có nhiều tiềm năng và đang có những cơ hội để nâng cao năng lực hoạt động hiệu quả và năng lực cạnh tranh từ cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng. Các chuyên gia của UNDP khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý cho ngành dầu khí, tiếp tục phát triển theo chiều sâu trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số và hoàn thiện hệ thống quản trị.

Đối với ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản, Việt Nam còn tiềm năng tự nhiên rất lớn để phát triển. Trữ lượng hải sản biển của Việt Nam đạt 5,42 triệu tấn, GDP hải sản hiện chiếm 72-89% tổng GDP của cả ngành thủy sản; 15-20% GDP nông, lâm, ngư nghiệp; 2,5-3,2% trong GDP toàn quốc.

Theo các kịch bản được xây dựng, Việt Nam cần tăng diện tích bảo tồn biển, giảm sản lượng khai thác thủy sản xuống mức bền vững tối ưu, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, từ 3,6 triệu tấn năm 2020 xuống 2,65 triệu tấn năm 2030. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, sản xuất hàng hóa, quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghề cá (cảng cá, khu neo đậu, cơ sở hạ tầng nuôi biển mở).

Trong số các ngành KTB, ngành hàng hải (vận tải biển, cảng biển, công nghiệp đóng tàu) còn rất nhiều dư địa để phát triển. Việt Nam hiện có 34 cảng biển, 278 bến cảng với 94km chiều dài cầu bến. Tổng khối lượng hàng hóa thông quan năm 2019 gồm 664 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 9,18%/năm. GDP của ngành hàng hải đạt hơn 43 ngàn tỷ đồng năm 2019, bằng 0,7-1,0% GDP quốc gia.

Tiềm năng phát triển ngành hàng hải là khá lớn, bởi nhu cầu vận tải biển tăng trưởng mạnh mẽ theo tăng trưởng và nhu cầu của nền kinh tế. Để phát triển bền vững ngành hàng hải, UNDP khuyến nghị thúc đẩy phát triển vận tải biển, bao gồm cả vận tải nội địa, chú trọng vận tải container, dầu, dầu khí hóa lỏng. Dự kiến giai đoạn 2020-2030 vận tải biển tăng trưởng 7,4%/năm.

Đặc biệt, để phát triển kinh tế biển, cần xây dựng một quy hoạch sử dụng biển cho toàn quốc mang tính tổng hợp với phương thức tiếp cận sinh thái. Nâng cao nhận thức về kinh tế biển bền vững, giảm thiểu các hành vi gây hại đối với môi trường và tài nguyên biển, cũng như cách ứng xử, đối phó với thiên tai, kiểm soát tốt nguồn thải, làm sạch bãi biển, bảo tồn hệ sinh thái biển nhằm tạo ra môi trường sống phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai.

  • Từ khóa
139087

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu