Thứ 4, 08/05/2024 07:34:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:20, 12/03/2024 GMT+7

Ðúng đắn và kịp thời

Hồ Ngọc
Thứ 3, 12/03/2024 | 05:20:07 2,570 lượt xem
BPO - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Công văn số 715/BGDĐT-GDTrH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh, thành phố dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 với thí sinh có giải học sinh giỏi tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ IELTS.

Theo nhận xét của Bộ GD&ĐT, xuất phát từ thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước, việc áp dụng chế độ tuyển thẳng hoặc ưu tiên cộng điểm cho học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS trong tuyển sinh vào lớp 10 là không phù hợp, chưa thực hiện đúng quy định chung. Cụ thể, nhiều tỉnh, thành phố ưu tiên học sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10 tạo ra sự bất bình đẳng, bởi không phải ai cũng có điều kiện học và thi chứng chỉ này. Ngay sau khi được công bố trên các phương tiện truyền thông, chủ trương nêu trên của Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo phụ huynh và học sinh trong cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là quyết định đúng đắn, kịp thời của Bộ GD&ĐT. Trước hết, vì trong Quy chế tuyển sinh THPT của Bộ GD&ĐT không dành bất kỳ ưu tiên nào đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS. 

Và mặc dù quy chế tuyển sinh THPT cho phép các sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho một số đối tượng và mức điểm này do địa phương chủ động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các quy định về cộng điểm khuyến khích đã bộc lộ rõ hạn chế và có nguy cơ tạo ra sự mất công bằng giữa học sinh. Hơn nữa, chứng chỉ IELTS để dùng cho xét tuyển đại học thì đúng mục đích hơn, còn với lớp 10 thì có nhiều chứng chỉ uy tín và hợp tuổi hơn đối với các em, như chứng chỉ tiếng Anh Cambridge dành cho thiếu niên. Đồng thời, khi dừng việc cộng điểm ưu tiên hoặc tuyển thẳng bằng chứng chỉ IELTS cũng đồng nghĩa với việc học sinh sẽ tập trung vào việc học để lấy kiến thức chứ không phải chạy theo việc học để lấy bằng cấp, chứng chỉ. 

Hơn nữa, chứng chỉ IELTS chủ yếu là dành cho các học sinh ở thành phố lớn hoặc gia đình có điều kiện cho con đi học thêm. Vì vậy, nếu sử dụng chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng sẽ thiếu công bằng với những học sinh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn không thể học và thi IELTS. Đặc biệt, năng lực của con người cần được đánh giá dựa trên khả năng tư duy, nhưng IELTS không phải là điều kiện duy nhất cần cho sự thành công của một học sinh. Cùng với đó, việc tuyển thẳng bằng chứng chỉ IELTS sẽ dẫn tới việc học sinh đổ xô đi học để lấy chứng chỉ IELTS, điều này vô tình tạo ra sự không công bằng giữa học sinh ở các vùng, miền hay những học sinh có điều kiện học tập khác nhau. 

Điều đáng lo ngại hơn đó là, việc cộng điểm ưu tiên cũng như tuyển thẳng đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS không những vô tình phủ nhận vai trò của chương trình tiếng Anh cơ sở mà còn dẫn đến nguy cơ học sinh sẽ học lệch. Bởi khi đó học sinh sẽ chỉ tập trung thi chứng chỉ tiếng Anh chứ không chú trọng học chương trình phổ thông. Bên cạnh đó, có những em đạt được chứng chỉ IELTS nhưng kỹ năng giao tiếp không tương đương với chứng chỉ đạt được, bởi chứng chỉ đó học theo kiểu luyện thi. Vậy nên, lợi ích lâu dài trong việc học ngoại ngữ của học sinh là trang bị cho các em phương tiện, công cụ học tập để làm việc tốt hơn, không nên chạy đua nhằm trang bị cho mình một chứng chỉ để được ưu tiên cộng điểm khi tuyển sinh. Vấn đề nữa đặt ra ở đây là chủ trương nêu trên cần được thực hiện thống nhất, đồng bộ và nghiêm túc trong cả nước. Để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hoặc “trên nói một đường, dưới làm một nẻo”, Bộ GD&ĐT cần tổ chức kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị cố tình vi phạm.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu