Thứ 7, 18/05/2024 13:30:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 30/09/2022 GMT+7

Chơn Thành - điểm hẹn tương lai

Tấn Hòa
Thứ 6, 30/09/2022 | 04:45:00 1,446 lượt xem
BPO - Những ngày này, tỉnh Bình Phước và huyện Chơn Thành nói riêng đang hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ công bố thành lập thị xã Chơn Thành vào ngày 1-10-2022. Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa to lớn về mặt xã hội mà còn là động lực, cơ hội để Chơn Thành vươn lên trở thành trung tâm phát triển kinh tế và đô thị của tỉnh trong tương lai gần.

Sau ngày tái lập tỉnh (1997), vùng đất huyện Chơn Thành ngày nay thuộc địa bàn huyện Bình Long. Đến năm 2003, huyện Chơn Thành được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ huyện Bình Long. Trong gần 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, nhân dân huyện Chơn Thành đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó để khai thác các tiềm năng, thế mạnh đưa huyện nhà ngày càng phát triển về mọi mặt. Vào thời điểm năm 1997, ở vùng đất Chơn Thành chỉ có 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động chế biến tinh bột mì và 1 doanh nghiệp cao su nhà nước. Cơ cấu kinh tế của Chơn Thành chủ yếu là nông nghiệp nên đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, năm 2003, tổng thu ngân sách của huyện Chơn Thành chỉ được 6 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ở mức 5,5 triệu đồng...

Thế nhưng, sau gần 20 năm kể từ ngày thành lập huyện, Chơn Thành đã có những bứt phá hết sức ngoạn mục trên tất cả lĩnh vực. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 5 khu công nghiệp, thu hút hàng chục ngàn doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động. Bên cạnh đó, ngoài Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex Bình Phước rộng hơn 4.600 ha đang hiện hữu, thì các khu đô thị, dân cư trên toàn địa bàn được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, công viên, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, trường học... đã tạo thế và lực mới; là điểm hẹn tương lai cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân hội tụ về sinh cơ lập nghiệp trên đất Chơn Thành. Sự cố gắng không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, nhân dân huyện Chơn Thành đã mang lại những thành tích rất đáng tự hào trong công cuộc xây dựng quê hương. Riêng năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Chơn Thành tăng 16,8%. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt 31.160 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng đạt 23.087 tỷ đồng, chiếm 74,1%; thương mại dịch vụ chiếm 13,5% với giá trị đạt 4.194 đồng; lĩnh vực nông nghiệp đạt 3.879 tỷ đồng, chiếm 12,4%. Thu ngân sách đạt 1.367,33 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 81 triệu đồng. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất ngành công nghiệp của huyện thực hiện được 12.294 tỷ đồng, tăng 19,22% so cùng kỳ năm 2021. Những thành tựu trên không chỉ thể hiện sự quyết tâm của Chơn Thành vươn lên trong quá trình hội nhập mà còn khẳng định sự đúng đắn của Bình Phước khi chọn vùng đất này là trung tâm công nghiệp tập trung, đô thị và vùng “kinh tế trọng điểm” của tỉnh.

Sau khi lên thị xã, nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền, dân và quân  Chơn Thành thời gian tới sẽ nặng nề hơn. Đó là, tăng cường giải quyết các bài toán về công tác quản lý chính quyền đô thị, chính quyền số, đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện tốt an sinh xã hội... Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh. Nhanh chóng xây dựng Chơn Thành trở thành đô thị thông minh, an toàn về xã hội, mạnh về kinh tế; khang trang, hiện đại về hạ tầng, đẹp về cảnh quan; là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Đặc biệt, sớm rút ngắn được khoảng cách về cơ sở vật chất, đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu