Thứ 2, 08/07/2024 13:37:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tài nguyên và môi trường 15:00, 27/10/2021 GMT+7

Hệ lụy từ biến đổi khí hậu

Thứ 4, 27/10/2021 | 15:00:00 5,034 lượt xem
BPO - Thời tiết cực đoan, nắng hạn, mưa dông, lốc xoáy đã gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Ngay trong tháng 10 này, nhất là 2 tuần gần đây, mưa nhiều và liên tục làm cho sông suối, ao hồ tại nhiều địa phương trong tỉnh ngập nước, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân. Điều này minh chứng: Biến đổi khí hậu không chỉ xảy ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng thấp trũng, hay ven biển mà ngay cả những nơi có địa hình tương đối cao như Bình Phước cũng đã chịu ảnh hưởng rõ rệt.

3 điểm sạt lở liên tiếp ở dốc thôn 5, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng diễn ra cách đây chưa đến một tuần

Nhiều người cho rằng những hiện tượng thời tiết này không có gì đáng lo ngại, không phải là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhưng theo phân tích của các chuyên gia, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu phải được nhìn nhận ngay từ những biểu hiện bất thường như vậy.          

Tái diễn sạt lở đồi núi, bờ sông

Dọc tuyến ĐT755B hay còn gọi là đường cứu hộ, cứu nạn Sao Bọng - Đăng Hà ngang qua 2 xã Thống Nhất và Đăng Hà, huyện Bù Đăng, vào mùa mưa rất dễ bắt gặp hiện tượng sạt lở đất, cuốn theo nhiều cây ăn trái, điều, cao su của người dân. Tình trạng này không chỉ gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, mà còn gây nguy hiểm cho người dân khi đi làm rẫy trên đồi cao đã bị sạt lở.

“Ở xã Đăng Hà, hầu như năm nào vào mùa mưa cũng xảy ra tình trạng sạt lở đoạn dốc thôn 5, nhưng năm nay thì nặng hơn vì mưa lớn kéo dài. Đất mỡ gà trên các ngọn đồi cao ngấm nước và nhanh chóng đổ xuống vùi lấp mặt đường, đe dọa tính mạng con người, cản trở giao thông” - ông Vũ Ngọc Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đăng Hà lo ngại.

Ngày 15-10, ngay sau khi sự cố sạt lở này xảy ra, Khu Quản lý, bảo trì đường bộ tỉnh đã huy động lực lượng, phối hợp chính quyền địa phương khắc phục, đảm bảo lưu thông thông suốt. “Trên cơ sở khảo sát, chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh, Sở Giao thông vận tải cho hạ độ cao, bạt mái taluy, làm hệ thống mương kiên cố như đoạn Km16+20 (dốc 5 cây), nơi đã từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng vào năm 2020, nhưng năm nay không còn tái diễn nữa” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Khu Quản lý, bảo trì đường bộ tỉnh cho biết.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến thực trạng này là do thời tiết thay đổi, mưa nhiều, gây sạt lở nhanh, thế nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân sâu xa và chủ quan là do chính con người gây ra. Thời gian trước, các ngọn đồi này là những cánh rừng bạt ngàn, nhưng con người đã khai thác lấy đất sản xuất dẫn đến cây rừng và thảm thực vật tự nhiên đã bị phá bỏ nên không còn sức chống chịu. Và con người đang phải trả giá cho hành vi tàn phá môi trường của chính mình.

Ngày 23-10, tại thôn An Lương, xã Long Giang, TX. Phước Long xảy ra hiện tượng ngập úng. Nước dâng cao, cây cầu sắt An Lương bị ngập hoàn toàn. Lũ xảy ra bất ngờ, tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm 4 hộ dân sinh sống quanh khu vực trở tay không kịp. Nhiều diện tích hoa màu, phương tiện sinh hoạt trong gia đình bị hư hại. Nguyên nhân được xác định do ảnh hưởng mưa lớn, mực nước ở các nhánh, đoạn suối dâng lên bất ngờ, cộng với việc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ tiến hành xả điều tiết nước qua đập tràn hồ chứa thủy điện Thác Mơ.


Ngoài ra, xã Đăng Hà từng là một trong những địa bàn trọng điểm về cung cấp cát xây dựng của tỉnh. Trước tình trạng khai thác cát lậu hoành hành, hủy hoại môi trường và những hệ lụy khác, Bình Phước đã ngưng cấp phép khai thác. Thế nhưng, hậu quả thì vẫn còn đó. Hiện tượng xâm thực, sạt lở bờ sông trong mùa mưa vẫn tiếp diễn. Theo ước tính sơ bộ của chính quyền địa phương, đã có khoảng 5 ha đất ven sông, chủ yếu thuộc thôn 4 đã bị sạt lở. Phần đất này mất đi, đồng nghĩa nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp của địa phương bị thu hẹp. Sinh kế của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng theo.

Ngập úng cục bộ ở vùng trũng, thấp

Hễ có mưa xuống là ngập nước kéo dài gần ½ km, có nơi ngập sâu đến gần 1m, tình trạng này đã diễn ra 3 năm nay trên tuyến đường liên Khu công nghiệp Đồng Xoài 1, thuộc địa bàn ấp 4, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài. “Tuyến đường này dẫn vào các nhà máy, xí nghiệp, thuộc Khu công nghiệp Đồng Xoài 1 và khu dân cư ấp 4 nên lượng người và phương tiện tham gia lưu thông luôn đông đúc. Tình trạng ngập nước tồn tại đã nhiều năm, do hệ thống thoát nước có vấn đề, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đơn vị nào khắc phục” - ông Phan Văn Khang ở ấp 4, xã Tân Thành bức xúc.

Hơn 100 ha cây trồng, đoạn qua phường Tân Xuân và xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài bị ngập nước
sau những trận mưa lớn vừa qua

Ngoài sự phiền toái, bức xúc của người dân địa phương và người lưu thông trên tuyến đường này, đáng lo ngại hơn là khi đường giao thông đọng nước triền miên, chắc chắn tuổi thọ sẽ bị rút ngắn. Một khi tuyến đường bị hư hỏng nặng, phải sửa chữa, nâng cấp sẽ tiêu tốn thêm tài sản, tiền của Nhà nước và nhân dân.

Trung tuần tháng 10 vừa qua, do mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về đã làm mực nước tại nhiều ao hồ và dòng suối ở thành phố Đồng Xoài dâng cao. Thống kê ban đầu, với mực nước ngập sâu từ 0,5-4m, tại nhiều khu vực giáp ranh giữa phường Tân Xuân và xã Tiến Hưng đã có khoảng trên 100 ha cây trồng của người dân đang thời kỳ khai thác, chủ yếu là hoa màu, cao su và cây ăn trái bị ngập nước. Thiệt hại kinh tế không nhỏ cả về trước mắt và lâu dài.

Theo nhiều người dân địa phương, chưa năm nào xảy ra hiện tượng nước ứ đọng, dâng cao và kéo dài như lần này. Đây lại là nơi hợp lưu giữa các dòng suối: Đồng Tiền, Tầm Vông và suối Đá nên khi mưa lớn dồn dập, rác từ các nhánh suối và khu dân cư đổ dồn về làm tắc nghẽn cống rãnh, gây đọng nước kéo dài. Do đó, ngoài sự quan tâm, động viên, chia sẻ kịp thời từ phía địa phương đối với những thiệt hại ban đầu của người dân, thì chuyện tiêu úng, chống ngập tại khu vực này cũng là vấn đề đặt ra cấp bách đối với các cơ quan chức năng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm sẽ còn từ 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Cộng với nhiều hình thái thời tiết cực đoan, chuyển biến khó lường, nguy cơ mưa lớn kéo dài, gây ngập úng cục bộ, sạt lở bờ sông, đồi núi tại nhiều địa phương trong tỉnh như vừa xảy ra là điều có thể dự báo trước. Sự chủ động phòng ngừa để ứng phó vẫn luôn là bài học mang tính thời sự đối với các cấp, ngành cũng như người dân trước thiên tai, địch họa diễn biến khó lường như hiện nay.


Biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn ra phức tạp và sẽ tiếp tục khó dự báo do tính bất thường, cực đoan, nhất là những tác động ngắn hạn. Đặc biệt, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các ngành, lĩnh vực, nhất là sản xuất nông nghiệp đang báo hiệu một thách thức lớn cho Việt Nam, trong đó địa bàn tỉnh Bình Phước cũng không ngoại lệ. Các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu là sự nghiệp của toàn xã hội.

Quốc Phong

  • Từ khóa
131806

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu