Thứ 2, 08/07/2024 14:03:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tài nguyên và môi trường 09:13, 10/07/2021 GMT+7

Chống ô nhiễm môi trường - phải thượng tôn pháp luật

Quốc Phong
Thứ 7, 10/07/2021 | 09:13:15 919 lượt xem
BPO - Theo suy nghĩ của nhiều người, những địa bàn vùng sâu, xa, cách xa trung tâm đô thị là nơi có môi trường sống trong lành. Thế nhưng, điều trái ngược hiện nay là tại nhiều xã vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh, tình trạng ô nhiễm môi trường sống do rác thải sinh hoạt và hoạt động chăn nuôi gây ra đang gây nhức nhối, bức xúc dư luận. Đây là vấn đề đòi hỏi các cấp, ngành liên quan sớm vào cuộc giải quyết.

“Nhà tôi chỉ cách đây hơn nửa cây số, ngày nào cũng đi qua, đi lại, mùi hôi chịu không nổi. Vài tháng trước thì đốt, khói mù mịt, nay chuyển qua chôn lấp, nhưng ô nhiễm thì đâu có giảm” - chị Nguyễn Thị Nga, ngụ tổ 4, ấp Hưng Phát bức xúc khi nói về bãi rác của xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản. 

Nỗi khổ ô nhiễm từ rác thải

Bãi rác của xã Tân Hưng được tập kết tại đội 4, ấp Hưng Phát từ 20 năm nay.  Với những người tham gia thu gom, tập kết rác thải về thì đây là nơi hợp lý nhất, vì xa khu dân cư. Thế nhưng, về phía người dân, những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm do bãi rác này gây ra thì hoàn toàn ngược lại. Do rác đổ lộ thiên, nắng bốc mùi hôi thối nồng nặc, mưa ngấm nước chảy xuống vùng thấp trũng nằm phía dưới bãi rác. 

Bãi rác thải ở đội 4, ấp Hưng Phát ngày một mở rộng, gây ô nhiễm nặng nề môi trường sống của người dân địa phương

Ông Trần Văn Lượng, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Hưng Phát lo ngại: Thực trạng này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người dân và để lại nhiều hệ lụy khó lường. Tôi kiến nghị xã cùng với huyện và các ngành chức năng của tỉnh có giải pháp xử lý bãi rác này. Một là di dời đi nơi khác, hai là đưa một nhà máy xử lý rác thải, chế biến thành phân bón về đây, chứ chuyển đổi từ đốt sang chôn lấp là không ổn. 

Biết ô nhiễm nhưng địa phương không còn lựa chọn nào khác. Vì đây là khu vực vùng sâu, xa, ít dân cư. Trong tương lai, nơi đây sẽ là bãi rác của huyện Hớn Quản. Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ lớn hơn nhiều so với hiện tại, ông Võ Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng đề xuất: Các cấp, ngành sớm tính toán phương án phù hợp. Đó là đầu tư một nhà máy xử lý rác thải hiện đại, tạo ra nguồn phân bón phục vụ trở lại cho sản xuất nông nghiệp chứ vẫn tiếp tục hình thức chôn lấp là không đảm bảo vệ sinh môi trường. Những xã vùng sâu, xa, nguồn thu còn hạn hẹp thì chi phí phục vụ cho vấn đề bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải cần được ngành tài nguyên - môi trường sớm quan tâm hỗ trợ. 

Chăn nuôi - thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường 

Là xã vùng sâu, xa nên Tân Hưng được cấp phép triển khai, đầu tư nhiều dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện trên địa bàn xã có 6 trang trại chăn nuôi với quy mô rất lớn, lên đến hàng chục hécta, số lượng hàng chục ngàn con heo, gà/trang trại. Trong số đó, trang trại heo giống Tân Hưng do Công ty TNHH chăn nuôi NEW HOPE Bình Phước đầu tư có quy mô nhất tỉnh. Bao bọc chung quanh trang trại rộng hàng chục hécta này là khu vực dân cư Sóc Xoài. Vấn đề bà con nơi đây bức xúc nhất là ô nhiễm môi trường sống do trang trại nuôi heo gây ra. Bà Thị Neo, ở Sóc Xoài có nhà cách trại heo này vài trăm mét lại nằm phía dưới thấp trũng, cùng hướng gió nên luôn phải hứng chịu mùi hôi thối thốc lên, nhất là từ 2 giờ chiều đến đêm khuya.

Ông Điểu Son chỉ đường cống xả thải của Trang trại chăn nuôi heo giống Tân Hưng

Ông Điểu Son là người uy tín ở Sóc Xoài chỉ cho chúng tôi hệ thống xả thải dài hàng trăm mét được đấu nối từ trại heo giống ra bên ngoài. Ông cho biết mỗi khi có mưa, trại heo “té nước theo mưa”, xả nước thải kèm theo nhiều bịch màu đen từ ống cống này tuồn ra, nổi lềnh bềnh trên ruộng lúa và trong vườn nhà dân kèm theo mùi hôi thối nồng nặc. “Họ đến làm ăn, biết cái lợi cho mình thì cũng phải nghĩ cho người khác, chứ để chúng tôi bị ô nhiễm nặng nề, sức khỏe đe dọa nghiêm trọng như thế này thì đâu có được”- ông Điểu Son bức xúc.   

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, Phòng Cảnh sát môi trường và công an các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm tra, phát hiện xử lý 140 vụ với 148 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường. Trong đó, 26 vụ vi phạm quy định về xả thải gây ô nhiễm môi trường; 11 vụ vi phạm các quy định về quản lý chất thải.

Ông Võ Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng khẳng định, những gì người dân địa phương phản ánh là đúng sự thật. Tuy nhiên, mọi thứ vượt quá thẩm quyền giải quyết của chính quyền xã. Ông tâm tư: “Cái khó đối với chính quyền cấp xã là không trực tiếp giải quyết được bức xúc cho người dân. Vì doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn nhưng thẩm quyền kiểm tra, giải quyết các vấn đề liên quan về môi trường do ngành tài nguyên - môi trường phụ trách. Do đó, xã cũng chỉ biết tiếp thu, ghi nhận ý kiến của bà con rồi phản ánh lại với cấp trên và ngành chức năng. Chờ đợi được phản hồi mất nhiều thời gian nên bà con trách cứ chính quyền, cũng rất khó cho chúng tôi”. 

Trên thực tế, không chỉ xã Tân Hưng, tình trạng ô nhiễm môi trường do tác động của chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo quy mô trang trại phổ biến tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Ngoài Hớn Quản còn có các xã thuộc địa bàn huyện biên giới Bù Đốp, Bù Gia Mập, các huyện Phú Riềng, Chơn Thành, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang gây nhiều bức xúc cho người dân. 

Giảm ô nhiễm môi trường: Bắt đầu từ đâu?

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục quán triệt quan điểm: “Môi trường là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững” và “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. 

Chịu không nổi với mùi hôi từ phân heo, tui cứ buồn nôn mãi. Mình già yếu mà ô nhiễm vậy, làm sao sống?”.

Bà Thị Neo, ngụ Sóc Xoài, ấp Hưng Phát

Quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng rất rõ ràng. Khoản 2, Điều 4, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nêu rõ: “Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành”. Chính vì vậy, các cấp, các ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc, xử lý thấu đáo để bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư, tránh tình trạng bức xúc kéo dài dẫn đến nhiều hệ lụy khó giải quyết.

  • Từ khóa
126198

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu