Thứ 2, 08/07/2024 13:37:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tài nguyên và môi trường 10:31, 24/12/2020 GMT+7

Tài nguyên và môi trường

"Phép màu" công nghệ trong quản lý đất đai

Thu Thảo
Thứ 5, 24/12/2020 | 10:31:00 684 lượt xem
BPO - Công nghệ thông tin vừa có vai trò là hạ tầng mềm vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của tất cả ngành và lĩnh vực trong đời sống xã hội, giúp các tổ chức, cá nhân khai thác thông tin, dữ liệu thuận lợi, khắc phục khó khăn, ách tắc trong quản lý, hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Riềng giải quyết thủ tục về đất đai trên phần mềm máy tính

Rút ngắn thời gian làm việc 

Thay vì lưu trữ dữ liệu trên giấy, hiện nay 11/11 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh đang sử dụng phần mềm Southlid - phần mềm cho phép quản lý cơ sở dữ liệu đất đai dựa trên mạng lưới internet. Phần mềm này tích hợp được cơ sở dữ liệu đất đai của các xã, thôn trên địa bàn tỉnh, kết hợp với phần mềm ứng dụng của Trung tâm Phục vụ hành chính công, giúp công tác quản lý đất đai chặt chẽ hơn, đồng thời rút ngắn thời gian làm việc cho cả cán bộ địa chính và người dân đến thực hiện thủ tục đất đai.

Phú Riềng là một trong những huyện được chọn làm điểm xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai và đang trong quá trình xây dựng nền tảng về cơ sở dữ liệu bao gồm các thuộc tính và không gian đất đai. Trải qua quá trình tách địa giới hành chính từ xã đến huyện, việc số hóa cơ sở dữ liệu đất đai là vô cùng cần thiết. Với kho dữ liệu cơ sở đất đai đang được xây dựng, tới đây, người sử dụng có thể truy cập và tra cứu thêm nhiều thông tin như: chủ sử dụng, nguồn gốc cũng như loại đất, diện tích, công trình, tài sản trên đất… “Với đặc thù như ngành quản lý đất đai, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hạn chế những tiêu cực, sai sót phát sinh trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đặc biệt là việc cấp chồng lấn sổ đất, một thửa đất cấp cho nhiều người” - ông Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Riềng nói.

Ngoài phần mềm Southlid, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang triển khai vận hành thử nghiệm phần mềm quản lý đất đai VNPT - iLIS (gọi tắt là phần mềm iLis) trên hệ thống hạ tầng công nghệ và cơ sở dữ liệu đất đai tại 2 xã Đức Liễu và Đường 10 của huyện Bù Đăng.

Tăng cường chia sẻ dữ liệu

Ngày 7-3-2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, nhiệm vụ đặt ra cho ngành TN&MT là “…Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT, kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2019-2020, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025…”. Như vậy, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành TN&MT nhằm tạo tính công khai, minh bạch, kết nối giữa các ngành và người dùng, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp có nhu cầu.

Tiến tới sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý tất cả lĩnh vực của ngành, Sở TN&MT đang xây dựng phần mềm TN&MT tỉnh Bình Phước. Phần mềm này bao gồm 8 phân hệ phần mềm chính: phân hệ phần mềm kết nối với dịch vụ công một cửa; cổng thông tin trao đổi chia sẻ dữ liệu; phần mềm quản trị hệ thống, quản lý phân quyền; phần mềm quản lý địa chính; phần mềm quản lý hồ sơ giao dịch; phần mềm quản lý hồ sơ quét; phần mềm quản lý quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; phần mềm quản lý giá đất. 

Cơ sở dữ liệu đất đai là dữ liệu động, sẽ có nhiều thay đổi nên nếu chỉ quản lý bằng văn bản sẽ khó cập nhật hết được. Nhờ có công nghệ, việc tiếp nhận hồ sơ đất đai thuận tiện, khoa học hơn. Giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai cũng đơn giản hơn, rút ngắn từ 3-10 ngày so với quy định và so với trước đây.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn,
Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Riềng

Ông Bùi Đức Giang, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mới trắc địa bản đồ, Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, đơn vị tư vấn xây dựng phần mềm cho biết: Những phân hệ phần mềm này sẽ giúp ngành TN&MT Bình Phước xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai trên môi trường số hóa, nâng cao năng lực quản lý, đồng thời trao đổi, chia sẻ dữ liệu cho các sở, ngành liên quan. Khi bàn giao ứng dụng cho các cơ quan quản lý đất đai, đơn vị tư vấn sẽ tổ chức các lớp tập huấn bàn giao sản phẩm và vận hành hệ thống trơn tru. Sau này cần nâng cấp bảo trì hệ thống, đơn vị tư vấn sẵn sàng đáp ứng cho cơ quan quản lý.

Thông qua phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai, Sở TN&MT sẽ đẩy mạnh việc nâng cấp, mở rộng phần mềm áp dụng cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trong toàn tỉnh để các đơn vị có thể tiếp nhận, cập nhật, luân chuyển và xử lý hồ sơ đất đai của hộ gia đình, cá nhân trên nền tảng công nghệ. 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai rõ ràng là rất cấp bách và vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy trình, quy định kỹ thuật của các phần mềm ứng dụng, tạo nên sự đồng bộ xuyên suốt giữa các ngành, lĩnh vực liên quan. Ngoài ra, tính pháp lý của cơ sở dữ liệu đất đai và chính sách cập nhật, chia sẻ, sử dụng thông tin cũng phải được kiểm soát, tránh tình trạng đánh cắp thông tin, đồng thời tăng cường năng lực cho các cơ quan xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai.

  • Từ khóa
118164

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu