Thứ 2, 08/07/2024 12:54:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tài nguyên và môi trường 07:11, 03/12/2020 GMT+7

Tài nguyên và môi trường

Tranh chấp lĩnh vực môi trường: Triển vọng giải quyết ngoài tố tụng

Thu Thảo
Thứ 5, 03/12/2020 | 07:11:00 795 lượt xem
BPO - Tranh chấp môi trường là vấn đề không thể tránh khỏi trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ địa phương nào. Mức độ vi phạm khác nhau sẽ có những hình thức giải quyết tranh chấp khác nhau. Trong đó, những hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng được cho là sẽ tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính bảo mật thông tin cho các bên liên quan.

Người dân tự lấy mẫu nước thải để phản ánh với cơ quan chức năng

Không có đơn thư khiếu nại, tố cáo

Năm 2018, trong quá trình vận hành thử nghiệm, Công ty cổ phần Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM (Công ty CEM) tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú đã sử dụng phế liệu là các bo mạch điện tử làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất. Hành vi này không đúng so với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được phê duyệt, gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng cuộc sống của người dân xung quanh khu vực. 

Khi nhận được đơn phản ánh, kiến nghị của người dân về việc gây ô nhiễm môi trường của cá nhân, tổ chức sản xuất - kinh doanh, Sở Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra, xác minh ngay, sau đó có văn bản trả lời cho người phản ánh, kiến nghị được rõ. Thời gian hoàn thành kiểm tra, xác minh đến khi có văn bản trả lời việc giải quyết phản ánh, kiến nghị trong khoảng 5 ngày đối với trường hợp không tiến hành thu mẫu môi trường và khoảng 15 ngày đối với trường hợp phải tiến hành thu mẫu môi trường.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Lê Hoàng Lâm


Nhận được phản ánh của người dân, Ban Quản lý khu kinh tế đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan nhiều lần kiểm tra và yêu cầu Công ty CEM chấm dứt việc sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời yêu cầu Công ty CEM thực hiện nghiêm túc các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

Đây là một vụ điển hình trong 52 vụ tranh chấp về môi trường giữa doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp và người dân sống xung quanh được hòa giải thành công ngoài tố tụng trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2014 đến nay, sở không nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về môi trường mà chỉ nhận được đơn phản ánh, kiến nghị. Trong đó, sở đã tiếp nhận 50 đơn kiến nghị, phản ánh về môi trường. Tòa án nhân dân tỉnh cũng chưa từng thụ lý bất kỳ vụ án nào liên quan đến lĩnh vực môi trường. Điều này cho thấy việc giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng trong lĩnh vực môi trường có rất nhiều triển vọng thực hiện.

Tạo vị thế cân bằng giữa các bên tranh chấp

Trong các tranh chấp về môi trường trên địa bàn tỉnh thì hiện có trên 90% là tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp. Đặc trưng cơ bản nhất của tranh chấp môi trường là tranh chấp môi trường sống, thể hiện qua lợi ích chung là chất lượng môi trường sống như: không khí, đất, nước… bị ảnh hưởng. Tranh chấp môi trường xảy ra thường có quy mô lớn, liên quan tới nhiều chủ thể khác nhau. Sự đa dạng về chủ thể dẫn đến việc khó xác định số lượng cụ thể các đương sự trong một vụ tranh chấp môi trường.

Luật sư Hoàng Minh Quang, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh cho biết, mặc dù việc giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng trong lĩnh vực môi trường có rất nhiều triển vọng, nhưng dưới góc độ luật sư, ông cho rằng vị thế của các bên trong thương lượng hòa giải là không cân bằng. Cụ thể, đối với những vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân, người dân thường là bên chịu nhiều thiệt thòi. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ quan chuyên môn thẩm tra, xác định thiệt hại của người dân theo cơ sở khoa học, trong khi giá trị thiệt hại của môi trường đặc biệt lớn. Do đó, việc hòa giải sẽ khó thành công nếu trách nhiệm bồi thường không hợp lý giữa các bên liên quan.

Quan trọng nhất vẫn là hiệu quả sau hòa giải. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh. Nếu xử lý không nghiêm, doanh nghiệp sẽ “lờn”, không tham gia hòa giải.

Luật sư Bùi Gia Nên,
Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước

Thực tế cho thấy, việc giải quyết tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bằng con đường tòa án của người dân hầu như không đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân chính là do khi đã khởi kiện ra tòa án thì đương sự phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh thiệt hại tài sản, cung cấp chứng cứ đúng trình tự, thủ tục tố tụng theo luật định. Trong một số vụ việc, người dân không biết kiện ai khi không thể xác định được nguyên nhân, thủ phạm chính gây ra, hoặc việc tìm nguyên nhân mất khá nhiều thời gian. Do đó, chọn phương thức hòa giải, trọng tài để giải quyết tranh chấp là giải pháp hiệu quả, thiết thực, giá trị cao cả về công sức, thời gian lẫn tiền bạc cho các bên khi xảy ra tranh chấp trong hầu hết các tranh chấp dân sự.

Luật sư Bùi Gia Nên, Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước cho rằng: Để hòa giải thành công, pháp luật phải trao quyền nhiều hơn cho cơ quan giải quyết hòa giải cơ sở. Trong đó, việc bồi thường sau hòa giải phải có chế tài và ràng buộc nhiều hơn. Nếu không sẽ xuất hiện tình trạng chây ỳ, không chấp hành các hình thức khắc phục hậu quả sau hòa giải.

  • Từ khóa
112777

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu