Thứ 2, 08/07/2024 12:44:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tài nguyên và môi trường 09:38, 29/10/2020 GMT+7

TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Tăng trưởng “nóng” năng lượng mặt trời

Thứ 5, 29/10/2020 | 09:38:34 1,675 lượt xem
Đặc thù khí hậu của Bình Phước có thời gian nắng nhiều trong năm, rất phù hợp để lắp pin mặt trời, đồng thời sẽ cho hiệu suất điện năng cao hơn so với các vùng miền khác. Vì vậy, rất nhiều nhà đầu tư đang tìm đến Bình Phước để phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời.

Dự án điện năng lượng mặt trời áp mái tại xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú

Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất điện của hệ thống phải đạt 96 ngàn MW. Như vậy, giai đoạn 2021-2025, mỗi năm nước ta cần phải bổ sung thêm khoảng 6.000MW. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện… lại đang ngày càng cạn kiệt. Do đó, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời là xu thế tất yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Thuê đất làm điện năng lượng mặt trời

Sức hút của các dự án điện năng lượng mặt trời đã khiến các nhà đầu tư “đổ xô” thuê đất nông nghiệp để phát triển các dự án điện mặt trời áp mái. Chỉ tính riêng địa bàn huyện Đồng Phú đã có khoảng hơn 20 ha đất nông nghiệp được các công ty thuê để đầu tư làm năng lượng mặt trời.

Chỉ sau 1 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, ông Nguyễn Văn Sơn, nông dân trồng tiêu ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú đã dời nhà để bàn giao mặt bằng cho 1 công ty từ TP. Hồ Chí Minh lên thuê đất đầu tư làm dự án điện năng lượng mặt trời áp mái. Có hơn 1 ha hồ tiêu nhưng ông không tiếc khi phá bỏ. “Với giá hồ tiêu như hiện nay thì làm sao bằng được cho thuê đất... Người ta nói sẽ thuê tôi làm bảo vệ cho dự án luôn” - ông Sơn khấp khởi hy vọng. Ngôi nhà mới của ông sẽ được dựng lên gần con suối cách dự án không xa.

Với mức giá cho thuê 90 triệu đồng/ha/năm, không ít nhà nông sẵn sàng từ bỏ canh tác nông nghiệp để chuyển đổi sang cho thuê đất. Bởi trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ngày càng bấp bênh, lợi nhuận thu được sau những ngày vất vả vốn không thể nào bằng so với nguồn lợi từ việc cho thuê đất. “Giá mủ cao su có lên gấp đôi cũng không bằng cho thuê được” - anh Võ Văn Thành ở ấp Tân Hà, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú nói. Anh Thành đang cưa 2 ha cao su ở độ tuổi thứ 7 - thời điểm cao su cho mủ dồi dào nhất. Vườn cao su này rất nhanh sẽ trở thành những khu nhà tiền chế với tấm pin hấp thu năng lượng mặt trời trên mái.

Không ảnh hưởng quy hoạch nông nghiệp

Không chỉ ở Đồng Phú mà nhiều dự án điện năng lượng mặt trời đang được triển khai ở nhiều huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xu thế chuyển đổi sang cho thuê đất của người dân là tất yếu và không ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch diện tích nông nghiệp của tỉnh. 

Tuy nhiên, có không ít người dân tỏ ra lo ngại vì thời gian cho thuê kéo dài, từ 15-20 năm. Bởi hầu hết diện tích đất được sử dụng cho thuê làm dự án điện năng lượng mặt trời là đất nông nghiệp đang canh tác và là tư liệu sản xuất chủ yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. “Người dân phải xem xét, nếu cho thuê thời gian ngắn hạn hơn thì sẽ tốt hơn. Sau đó, bà con có thể cho thuê tiếp hoặc ngưng cho thuê để tận dụng đất của mình làm việc khác” - bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Nhiều cơ chế ưu đãi

Theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, đối với các dự án điện mặt trời nổi, mức giá thu mua sẽ là 1.783 đồng/kWh, dự án điện mặt trời mặt đất là 1.644 đồng/kWh và hệ thống điện mặt trời áp mái là 1.943 đồng/kWh. Đây là mức giá ưu đãi khá hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống điện năng lượng mặt trời, đặc biệt điện năng lượng mặt trời áp mái.

Cả Chính phủ và ngành điện, trong đó có Công ty Điện lực Bình Phước đều rất khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho người dân. Nếu được, người dân nên đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái trên mái nhà của mình để bán cho ngành điện, góp phần nguồn điện quốc gia tăng lên và giảm suất đầu tư cho các nguồn khác như than, nhiệt hoặc khí.
Ông Lê Tấn Quang, 
Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước

Tuy nhiên, ngành điện cũng đưa ra khuyến cáo đối với các cá nhân, đơn vị có ý định đầu tư vào dự án điện năng lượng mặt trời công suất nhỏ, dưới 1MW phải nghiên cứu kỹ vị trí thực hiện dự án và hệ thống cơ sở hạ tầng sau đấu nối.

“Đường dây tải điện và trạm điện 110kV thì có hạn nên chúng tôi chỉ nhận đăng ký theo thứ tự ai đến trước thì làm trước. Như thời điểm này, một số tuyến trên địa bàn tỉnh đã đầy rồi, không thể tiếp nhận được” - ông Lê Tấn Quang, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước cho biết.

Những thông tin về đường dây truyền tải, hệ thống mạng lưới điện đã được Công ty Điện lực Bình Phước công bố công khai trên trang thông tin điện tử và các đơn vị điện lực trực thuộc. “Người dân có thể đến trực tiếp điện lực các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Điện lực Bình Phước tư vấn, nắm tình hình xem có lên lưới được không để có quyết định đúng đắn” - ông Lê Tấn Quang, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước nói. Hiện chỉ có nguồn điện năng lượng mặt trời áp mái từ các hộ dân nhỏ lẻ thì ngành điện bắt buộc phải thu mua, không được từ chối.

Bình Phước đang tích cực phát triển các dự án điện mặt trời. Riêng dự án điện mặt trời Lộc Ninh có quy mô tới 800MW tại xã Lộc Tấn do Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải làm chủ đầu tư. Tiếp đó là dự án Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ, do Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ làm chủ đầu tư, công suất 50MW được xây dựng trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập và phường Thác Mơ, thị xã Phước Long. Đây là những tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện.  

Thu Thảo

  • Từ khóa
112002

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu