Thứ 7, 27/04/2024 19:43:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời sự 17:49, 18/03/2024 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Ngọc Huyền - Hoàng Vũ
Thứ 2, 18/03/2024 | 17:49:19 1,794 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 18-3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đăng đàn trả lời chất vấn.

Tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bình Phước có Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điểu Huỳnh Sang, đại biểu Quốc hội Vũ Ngọc Long cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bình Phước

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, qua đó đem lại những kết quả toàn diện, quan trọng, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Các nhóm vấn đề Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn gồm: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

Trả lời câu hỏi về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, xung đột xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Khi xung đột xảy ra, Bộ Ngoại giao đã phối hợp để triển khai sơ tán ngay công dân về nơi an toàn. Thời gian tới, bộ sẽ tập trung vào dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xung đột để kịp thời sơ tán công dân, tiếp tục thông tin cảnh báo cho các địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn

Đối với vấn đề miễn thị thực và việc xin thị thực cho công dân Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, hiện nay Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương cho 13 nước, đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương nhằm tạo điều kiện hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Bộ cũng đang đàm phán miễn thị thực song phương đối với nhiều nước, trước hết về thị thực ngoại giao, công vụ.

Liên quan đến chiến lược ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung vào các nội dung như: đóng góp tích cực xây dựng các thương hiệu sản phẩm hàng hóa để tham gia quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu; kết hợp giữa ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế để tiếp tục quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới...

Liên quan đến ngoại giao kinh tế, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) đặt câu hỏi: “Công tác ngoại giao kinh tế còn nhiều dư địa để hỗ trợ cho các địa phương nói riêng, cả nước nói chung trong phát triển kinh tế, đối ngoại, văn hóa xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của đất nước. Các giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới là gì để nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất?”.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về công tác ngoại giao kinh tế

Trả lời đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: Năm 2022, các bộ, ngành đã tham mưu Ban Bí thư ban hành chỉ thị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động của Chính phủ; các bộ, ngành, các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch riêng về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng chủ trì, chỉ đạo 3 hội nghị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển. “Tôi cho rằng đó là những lợi thế bám sát những nội dung, yêu cầu mà chúng ta sẽ triển khai trong thời gian tới. Qua đó sẽ khai thác được tiềm năng hợp tác với các đối tác mà chúng ta nâng tầm, nâng cấp quan hệ, đồng thời tạo ra những nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ.

  • Từ khóa
192122

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu