Thứ 5, 09/05/2024 17:16:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời sự 15:48, 06/12/2023 GMT+7

Đảng viên là “Người có Đạo” - bằng chứng thép phản bác những luận điệu xuyên tạc về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam

Thùy Linh - Thanh Phong - Thu Hiền
Thứ 4, 06/12/2023 | 15:48:20 1,804 lượt xem

BPO - Lời tòa soạn: Sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng công nghệ trên thế giới đã đưa nhân loại ngày càng xích lại gần nhau hơn trong mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực, tiến bộ ấy thì một số thế lực thù địch cũng lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội để thực hiện những mưu đồ chính trị cá nhân của mình, một trong số đó là tổ chức của “cái được gọi là” Hội anh em dân chủ (HAEDC) - một tổ chức người Việt lưu vong ở hải ngoại. Trong những ngày qua, chúng đã sử dụng nhiều luận điệu xuyên tạc, cắt dán, bóp méo sự thật nhằm chống phá chủ trương, chính sách về tôn giáo, tự do tôn giáo của Việt Nam với mục đích bôi nhọ, kích động hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, đi ngược lại lợi ích lớn lao của toàn Đảng và dân tộc Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước. Trong bài viết này, với luận cứ Đảng viên là “Người có Đạo” tác giả thêm một minh chứng nhằm phản bác, vạch trần những luận điệu sai trái, thù địch của HAEDC về vấn đề tôn giáo, tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Ngay từ khi Đảng ra đời đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam giải quyết mối quan hệ giai cấp và dân tộc, mà trong đó dân tộc và tôn giáo có mối quan hệ biện chứng mật thiết với nhau. Ngay trong Sắc lệnh số 234/SL ngày 14-6-1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đã xác định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”. Như vậy có thể thấy, việc thực hiện tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được đảm bảo trên thực tiễn và cụ thể bằng văn bản pháp luật, được cụ thể hóa tại Điều 24, Hiến pháp năm 2013. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo đã từng bước giải quyết và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và được bạn bè thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Ấy vậy mà HAEDC với cái nhìn lệch lạc, phiến diện một chiều, thiếu tính xây dựng, vì mục đích chính trị đã và đang bóp méo, xuyên tạc một cách trắng trợn về nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Trước thực tế và yêu cầu đó chúng tôi thấy cần kiên quyết đấu tranh với những luận điệu của HAEDC trong việc lợi dụng tôn giáo để mưu cầu chính trị cũng như chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay. 

Nhận diện thủ đoạn xuyên tạc về tự do tôn giáo và tự do không theo tôn giáo của Hội anh em dân chủ ở Việt Nam hiện nay

Ngay từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam mang bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ở nhà nước ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn thực hiện nhất quán tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, lấy việc tôn trọng, bảo đảm cũng như thúc đẩy các quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của người dân là một nguyên tắc hoạt động, được ghi nhận trong Hiến pháp của đất nước. Tuy nhiên, cái được gọi là HAEDC đã lợi dụng tự do về tôn giáo ở Việt Nam cùng với vụ việc một số đối tượng khủng bố ở tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra những thông tin sai sự thật, thậm chí vu cáo về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Chúng vu cáo Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam với luận điểm: Việt Nam tổ chức đàn áp tôn giáo, sự việc ở Đắk Lắk là sự nổi dậy, mâu thuẫn về tôn giáo, “đàn áp tôn giáo”, “vi phạm quyền con người trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo” hướng tới mục tiêu “chính trị hóa vấn đề tôn giáo” “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, khống chế không gian phát triển của tôn giáo, kích động tín đồ đòi “tự do tôn giáo” và “quyền tự trị dân tộc”, “kiểm soát tôn giáo”… để từ đó nhìn nhận vấn đề tôn giáo là cách thức để tập hợp tín đồ chống phá đất nước, kêu gọi các lực lượng bên ngoài can thiệp vào tình hình nội bộ của Việt Nam. Chúng lập luận và nêu ra những yêu sách như đặt tôn giáo đứng ngoài pháp luật, thậm chí trên pháp luật, không chịu sự quản lý của Nhà nước để bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, từ đó mục đích của chúng là coi Việt Nam là quốc gia vi phạm về tôn giáo, “đàn áp tôn giáo” vi phạm nhân quyền… Điều này gây khó khăn cho Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Hoạt động của HAEDC là câu kết với một số phần tử cơ hội chính trị trong nước, trực tiếp hoặc gián tiếp câu kết với nhau chống phá vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Chúng lợi dụng mạng xã hội, sự tha hóa của một số ít cán bộ trong tổ chức nhà nước, lồng ghép các vấn đề một cách khiên cưỡng, hay lợi dụng sự khó khăn về địa hình, kinh tế ở một số vùng nông thôn, miền núi, sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số có trình độ dân trí chưa cao để phát tán tài liệu thông tin sai sự thật trên không gian mạng, nhận tài trợ tiền để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo hòng gây bất ổn về an ninh trật tự tại địa phương...

Những minh chứng phản bác cái được gọi là “chân lý” của Hội anh em dân chủ về vấn đề tôn giáo của Việt Nam

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách về tôn giáo gắn liền với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay trong Nghị quyết số 25-NQ/TW (năm 2003, khóa IX) về công tác tôn giáo, Đảng ta đã xác định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia” và “đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”. Và trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta cũng xác định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước” [6, tr.51], “Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc” [6, tr.171]. 

Còn theo quy định tại Điều 24 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mọi người dân không giới hạn về tuổi tác, giới tính, thành phần dân tộc đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng tôn giáo, Nhà nước đảm bảo cho hoạt động của người dân và các tổ chức tôn giáo bằng các quy định của pháp luật, Nhà nước cũng nghiêm cấm việc lợi dụng các vấn đề tôn giáo để vi phạm pháp luật. Còn trên bình diện hợp tác quốc tế về tôn giáo, Việt Nam chủ động tham gia ký kết và phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế, nghị định thư, đối thoại quốc tế liên quan đến quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như: cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo với các đối tác Hoa Kỳ, EU, bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Cùng với đó, Việt Nam tích cực cung cấp và minh bạch thông tin về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.   

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2022, chính quyền các cấp đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với hơn 27,2 triệu người có đạo, hơn 53 ngàn chức sắc, khoảng 148 ngàn chức việc, 29.718 cơ sở thờ tự; cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 486 cơ sở thờ tự tôn giáo, tăng 60 cơ sở so với năm 2021; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm trong các lĩnh vực về tôn giáo, với hơn 684,2 ngàn bản in [7].

(còn nữa)

Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tôn giáo Chính phủ (2023), Sách Trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
2. Ban Tổ chức Trung ương (2021), Số liệu thống kê cơ bản về tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và cán bộ năm 2021 (lưu hành nội bộ).
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 12-3-2003 về công tác tôn giáo, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Điều lệ Đảng, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Quy định số 06-QĐi/TW ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị “một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo”.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
7. Nguyễn Văn Long (2023), Nỗ lực đảm bảo quyền tự do tôn giáo, phản bác luận điệu xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, https://baotintuc.vn

  • Từ khóa
183504

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu