Thứ 5, 09/05/2024 11:37:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời sự 15:15, 23/11/2023 GMT+7

Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Thứ 5, 23/11/2023 | 15:15:40 3,511 lượt xem
BPO - LTS: Ngày 20-11-2023, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập; vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Báo Bình Phước trân trọng giới thiệu toàn văn nghị quyết.

I. TÌNH HÌNH

Bình Phước - vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”, là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Là tỉnh có 41 thành phần dân tộc và có nhiều người dân từ khắp mọi miền của Tổ quốc đến sinh sống, lập nghiệp, văn hóa Bình Phước hội tụ, giao thoa, thống nhất trong sự đa dạng; có sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc từ nhiều vùng, miền trong cả nước.

Trong những năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đạt nhiều kết quả quan trọng. Môi trường, nếp sống văn hóa chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” mang lại kết quả thiết thực. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương và các di sản văn hóa của tỉnh được kế thừa, bảo tồn và phát huy; các thiết chế văn hóa đã từng bước được quan tâm đầu tư. Ý thức tự cường, trách nhiệm công dân, tinh thần đoàn kết của người Bình Phước được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trên nhiều mặt làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân. Ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, địa bàn là những nhân tố quan trọng góp phần hình thành và phát triển các giá trị văn hóa mới.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước còn một số hạn chế: Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế. Hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ, phương thức hoạt động chậm đổi mới. Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học nghệ thuật còn thiếu các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Điều kiện hưởng thụ văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Việc chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp có nơi còn chưa được triển khai mạnh mẽ.

Nguyên nhân của những hạn chế chủ yếu là do: Việc triển khai thực hiện đường lối văn hóa của Đảng có lúc, có nơi còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt. Trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc triển khai xây dựng và phát triển văn hóa chưa cao. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa thật sự tác động làm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động về văn hóa trong tỉnh.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; cần phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức giữ vai trò quan trọng.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập; vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo.

2.2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2030: trên 94% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Trên 95% thôn, ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 90% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. 100% thanh, thiếu nhi trong các trường học, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh được trải nghiệm thực tế, tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tìm hiểu về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. 100% các lễ hội trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh được tổ chức định kỳ và có chất lượng. Các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị. Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa cấp tỉnh: Bảo tàng, Thư viện, Nhà hát. Các thị xã, thành phố có công viên văn hóa, rạp chiếu phim. 100% cấp huyện có Hội Văn học Nghệ thuật, mỗi năm tăng 15% số lượng tác phẩm Văn học nghệ thuật, trong đó có ít nhất 5% số lượng tác phẩm có giá trị, có sức lan tỏa về tư tưởng nghệ thuật. Quy hoạch, đầu tư xây dựng Quảng trường tỉnh và Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Bình Phước nằm trong nhóm từ 25 đến 30 các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Bình Phước đạt chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam.

Định hướng phấn đấu đến 2045: 100% khu phố, thôn, ấp có nhà văn hóa - thể thao đạt chuẩn. 100% cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn quốc gia; 100% cấp huyện có trung tâm văn hóa, công viên văn hóa. 100% các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. 100% khu công nghiệp thành lập mới có quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó tối thiểu 50% khu công nghiệp xây dựng mới có Trung tâm Văn hóa - Thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Phấn đấu đưa chỉ số HDI của Bình Phước nằm trong nhóm từ 20 đến 25 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

1.1. Xây dựng con người Bình Phước

Chăm lo xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, chú trọng tới các đặc tính: hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Hòa hợp là thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp lại thành một khối thống nhất và sự hài hòa trong quan hệ xã hội. Nghĩa tình là thể hiện tinh thần nhân ái, thành thật, yêu thương, chia sẻ và sống tốt với nhau. Tự cường là thể hiện ý chí vươn lên, có khát vọng và niềm tin để phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, gia đình và bản thân. Kỷ cương là thể hiện nhận thức sống và làm việc theo Hiến pháp và phát luật, chấp hành tốt các quy định của Đảng và của tổ chức; sống trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực và không tiếp tay, tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực. Sáng tạo là thể hiện tư duy, phong cách và năng lực làm việc hướng tới tạo ra những giá trị mới về chất, tạo động lực cho sự phát triển hiệu quả của địa phương, đơn vị và cá nhân trên các lĩnh vực.

Quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong Nhân dân. Đổi mới và mở rộng các hoạt động hướng đến giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho Nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Bình Phước. Xây dựng và đưa vào thực hiện bộ chỉ số hạnh phúc của người Bình Phước.

1.2. Xây dựng môi trường văn hóa

Xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước vừa đậm đà giá trị văn hóa dân tộc, vừa giàu có bản sắc địa phương, chú trọng tới các đặc tính: đa dạng, bản sắc và hội nhập. Tôn trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt những giá trị văn hóa đa dạng của các dân tộc và các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và phát triển các nét văn hóa đặc trưng có tính bản sắc của Bình Phước. Tích cực tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các vùng miền trong cả nước và các nước trên thế giới để làm cho văn hóa Bình Phước luôn phát triển, tiến bộ và có tính hội nhập cao.

Tập trung xây dựng môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh, địa bàn khu dân cư không có tệ nạn xã hội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”. Tiến hành đồng bộ và sâu rộng cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; chú trọng phát hiện, biểu dương những điển hình tiên tiến.

Xây dựng trường học thực sự trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống. Xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân văn, tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo”.

Xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với chuyển đổi số; xây dựng và phát triển nền tảng cho chính quyền số và kinh tế số trong lĩnh vực văn hóa. Xây dựng hệ thống quản lý, khai thác và tích hợp cơ sở dữ liệu ngành văn hóa.

1.3. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa

Chú trọng gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển du lịch. Tiếp tục huy động các nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo, số hóa di sản để phát huy giá trị di tích. Có kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa của địa phương, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, xã hội. Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và các vùng miền khác để làm giàu văn hóa địa phương. Tạo dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Bình Phước.

Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức để tổ chức các sự kiện văn hóa quy mô quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa.

1.4. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế

Đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, xây dựng văn hóa liêm chính đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội.

Xây dựng văn hóa trong kinh tế. Động viên nhân dân, trước hết là doanh nghiệp, doanh nhân, tích cực khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, có ý thức xây dựng thương hiệu sản phẩm, trọng chữ tín, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đề cao tinh thần chấp hành pháp luật trong kinh doanh. Tăng cường hoạt động văn hóa gắn với du lịch.

1.5. Nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật

Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách và lối sống của con người. Tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo, có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Đẩy mạnh quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, văn hóa dân tộc, công cuộc đổi mới của tỉnh. Coi trọng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Đổi mới phương thức hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả. Khuyến khích Nhân dân sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

2. Một số giải pháp trọng tâm

2.1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước

Nâng cao nhận thức trong đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của cấp ủy các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trong quán triệt và triển khai thực hiện.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết phải kiên trì và quyết tâm cao; có chương trình, kế hoạch cụ thể; phải coi trọng xây dựng văn hóa từ trong đảng, trong bộ máy nhà nước, mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu cho mọi người noi theo.

2.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân

Xây dựng các đề án, bài viết chuyên sâu từng lĩnh vực văn hóa và con người để tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm sáng tạo, để nhân rộng và tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên có ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách, định hướng thẩm mỹ cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ quan báo chí, truyền thông và đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội của tỉnh. Nâng cao chất lượng các ấn phẩm, tạp chí, bản tin của các cấp, các ngành; định hướng tư tưởng, đấu tranh phản bác có hiệu quả với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và thông tin độc hại trên mạng xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, hoạt động bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa. Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, tâm huyết của những nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong cộng đồng, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và những tài năng trẻ làm hạt nhân tiên phong, định hướng cho sự phát triển văn hóa.

2.3. Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực

Tăng cường huy động và sử dụng có trọng tâm, trọng điểm để nâng cao hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước; chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, duy trì và nhân rộng các câu lạc bộ văn hóa truyền thống. Bổ sung quy hoạch, cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực phát triển đô thị, văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi, giải trí quy mô lớn, mang đậm bản sắc văn hóa Bình Phước.

Bố trí ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển văn hóa, con người tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 chi cho văn hóa đạt 01%, đến năm 2030 chi cho văn hóa đạt 02% trong tổng chi ngân sách Nhà nước của tỉnh.

2.4. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa

Tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí cán bộ có năng lực, sở trường làm công tác quản lý văn hóa các cấp. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; bồi dưỡng, hướng dẫn tổ chức lực lượng sáng tác, quảng bá, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, phát huy năng lực sáng tạo của các văn nghệ sĩ, nghệ nhân trong các loại hình nghệ thuật.

Xây dựng chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ, nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị quyết này đến các chi bộ, đảng bộ trực thuộc và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị.

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, quán triệt nghị quyết.

3. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết; định kỳ tham mưu cho Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết.

4. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của nghị quyết này vào các nghị quyết liên quan của Hội đồng nhân dân tỉnh; tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết.

5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát việc thực hiện nghị quyết; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hội viên, đoàn viên và nhân dân đối với các chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

6. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai nghị quyết; kịp thời tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

  • Từ khóa
182588

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu