Thứ 3, 02/07/2024 06:22:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 05:06, 30/06/2024 GMT+7

Khơi nguồn sáng tạo trong học sinh

Ngọc Quế
Chủ nhật, 30/06/2024 | 05:06:26 510 lượt xem
BPO - Các cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng được tổ chức xuyên suốt nhiều năm qua đã góp phần khơi dậy tiềm năng, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Tại tỉnh Bình Phước, các cuộc thi đã lan tỏa rộng rãi, thu hút đông học sinh các cấp tham gia nghiên cứu, sáng tạo. Từ đó, góp phần khích lệ các em đam mê nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

THIẾT THỰC PHỤC VỤ CUỘC SỐNG

Các mô hình, sản phẩm sáng tạo của học sinh Trường THPT thị xã Bình Long đoạt giải cao trong Cuộc thi KHKT dành cho học sinh THPT, năm học 2023-2024, do Sở GD&ĐT tổ chức đã minh chứng khả năng nghiên cứu, sáng tạo của các em trong thời đại KHKT lên ngôi.

Sản phẩm “Dung dịch nước dưỡng hoa, giữ hoa tươi lâu, nở to, không gây hôi nước” của nhóm tác giả Phạm Văn Tiến, học sinh lớp 10A2 và Lê Ngọc Mỹ Linh, lớp 11A1, Trường THPT thị xã Bình Long đoạt giải nhì Cuộc thi KHKT dành cho học sinh THPT, năm học 2023-2024, là sản phẩm thuộc lĩnh vực khoa học thực vật.

Nhóm tác giả Phạm Văn Tiến và Lê Ngọc Mỹ Linh chuẩn bị nguyên liệu để điều chế nước dưỡng hoa

Theo nhóm tác giả, nguyên liệu làm dung dịch nước dưỡng hoa rất đơn giản, dễ tìm như glucose, axit salicylic, axit citric, cồn, nước. Các nguyên liệu được chọn theo tỷ lệ nhất định và qua các bước điều chế sẽ cho ra dung dịch nước dưỡng hoa. 

Em Tiến chia sẻ: Bên cạnh giữ hoa tươi lâu, nở to, chúng em còn chú trọng vấn đề môi trường để nước cắm hoa không có mùi hôi. Bởi, cánh hoa dễ bị héo, rụng nhanh chóng và không nở hết, tạo ra mùi hôi trong nước cắm hoa. Nguyên nhân là do tác động của ethylen và sự thiếu hụt dinh dưỡng khi cành hoa tách rời khỏi cây.

Đồng hành và hướng dẫn nhóm tác giả trong suốt thời gian nghiên cứu nước dưỡng hoa, thầy Đỗ Vĩnh Lộc, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT thị xã Bình Long cho biết: Dựa trên ý tưởng của học sinh, giáo viên hỗ trợ các em phát triển ý tưởng thành đề tài. Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu sẽ hỗ trợ các em giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên cơ sở khoa học để các em tự nghiên cứu và tìm ra vấn đề.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀO THỰC TIỄN

Mô hình nhà kỹ thuật số (nhà thông minh) của nhóm tác giả Trịnh Đăng Linh, học sinh lớp 10A5 và Nguyễn Phạm Mai Phương, lớp 10A1, Trường THPT thị xã Bình Long đoạt giải ba Cuộc thi KHKT dành cho học sinh THPT, năm học 2023-2024, thuộc lĩnh vực năng lượng vật lý.

Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống hằng ngày, nhóm tác giả đã lên ý tưởng mô hình nhà thông minh. Đăng Linh chia sẻ: Trước khi ngủ, em rất lười đi tắt điện nên nghĩ cách nghiên cứu thiết bị điều khiển từ xa để tắt/mở điện. Sau đó, em lên mạng tìm hiểu thì thấy ngôi nhà thông minh có thể giải quyết được vấn đề này.

Nhóm tác giả Trịnh Đăng Linh và Nguyễn Phạm Mai Phương gắn các thiết bị để hoàn thiện ý tưởng mô hình ngôi nhà kỹ thuật số

Với các linh kiện, thiết bị sẵn có và phần mềm miễn phí như: hệ thống điều khiển thiết bị bằng smartphone, hệ thống trễ đóng/mở thiết bị, cảm ứng nhiệt, bộ phận đóng/mở cửa tự động… con người sẽ bớt các thao tác thủ công trong ngôi nhà của mình, từ đó hướng đến công nghệ tự động nhiều hơn.

Mô hình ngôi nhà kỹ thuật số còn được nhóm tác giả chú trọng tới việc tưới cây theo độ ẩm của đất. Cụ thể, hệ thống cảm ứng theo độ ẩm của đất khi nhiệt độ tăng cao, cần tưới nước thì hệ thống tự động tưới và tự động ngưng khi đất đủ độ ẩm.

“Trong quá trình Đăng Linh và Mai Phương triển khai thực hiện ý tưởng ngôi nhà kỹ thuật số, tôi luôn quan sát, hỗ trợ. Nếu chưa hợp lý sẽ tư vấn các em giải pháp để tự nghiên cứu và sau đó tôi sẽ kiểm tra lại” - cô Phạm Quốc Quỳnh Trang, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT thị xã Bình Long cho hay.

Thông qua các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, KHKT đã phát huy tính sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các em. Các em biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Qua đó, không chỉ giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập mà còn là động lực để các em tham gia nghiên cứu, sáng tạo, góp phần phát triển khoa học - công nghệ, ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày.

Cô HUỲNH THỊ HỒNG YẾN, Phó Hiệu trưởng Trường THPT thị xã Bình Long

“Đây là lần thứ 3 em tham gia các cuộc thi nghiên cứu và sáng tạo. Em thấy đây là sân chơi rất thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, chúng em được cọ xát, học hỏi nhiều mô hình, sáng kiến hay của các bạn đồng trang lứa. Quan trọng là em cảm thấy bản thân tự tin hơn vì những ý tưởng của mình được bạn bè và giáo viên ủng hộ” - Đăng Linh chia sẻ.

Từ các cuộc thi sáng tạo, các em có cơ sở để phát huy ý tưởng và năng khiếu của mình. “Tham khảo và tìm hiểu các trường về những sáng kiến của học sinh qua cuộc thi KHKT, tôi thấy các em rất năng động và sáng tạo. Đây là cơ sở để giúp học sinh phát huy tiềm năng sáng tạo, tư duy trong học tập, cũng như cuộc sống” - thầy Lộc khẳng định.

  • Từ khóa
200118

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu