Thứ 5, 09/05/2024 07:20:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 09:53, 03/06/2020 GMT+7

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao

Thu Huyền
Thứ 4, 03/06/2020 | 09:53:00 618 lượt xem
BPO - Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Bình Phước được triển khai thực hiện từ tháng 7-2019 đến tháng 5-2022. Đây là một trong những dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi của Bộ KH&CN, Trung tâm KH&CN tỉnh Bình Phước là đơn vị chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia súc lớn (thuộc Phân viện chăn nuôi Nam bộ) là đơn vị hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Tổng kinh phí dự án 8 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương 3,86 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia dự án.

Dự án triển khai đúng tiến độ

Ông Đàm Văn Toàn, Phó giám đốc Trung tâm KH&CN tỉnh cho biết: Dự án Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại tỉnh Bình Phước được triển khai gồm 5 bước. Cụ thể: Xây dựng mô hình nuôi bò Brahman tập trung quy mô 60 con, Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị con giống; xây dựng mô hình nuôi bò laisind phân tán, quy mô 100 con, Nhà nước hỗ trợ 50%; xây dựng mô hình bò hướng thịt quy mô 500 con, Nhà nước hỗ trợ thụ tinh nhân tạo; mô hình trồng cỏ nuôi bò với diện tích 7,5 ha; tập huấn, đào tạo 8 kỹ thuật viên tham gia dự án và chuyển giao 9 quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò giống, bò thịt, thụ tinh nhân tạo và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.

Trung tâm KH&CN tỉnh kiểm tra bò giống tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia súc lớn trước khi bàn giao

Để dự án triển khai đúng tiến độ, Trung tâm KH&CN tỉnh vừa tổ chức bàn giao 30 con bò giống Brahman của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia súc lớn cho Hợp tác xã bưởi da xanh, huyện Bù Đốp. Để việc cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, trước khi bàn giao, Trung tâm KH&CN tỉnh đã trực tiếp đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia súc lớn trực tiếp tuyển chọn con giống trước khi bàn giao.

 Bà Hoàng Thị Ngân, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia súc lớn cho biết: Toàn bộ giống bò cung cấp cho Bình Phước đợt này là giống bò Brahman được lai tạo thành công tại trung tâm. đây là giống bò có khả năng tăng trọng cao và thích nghi tốt với điều kiện của Bình Phước và vùng Đông Nam bộ.

Ngoài mô hình chăn nuôi tập trung, trong thời gian tới, Trung tâm KH&CN tỉnh tiếp tục bàn giao 100 con bò Brahman cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Bù Đốp. Cấp ủy, chính quyền các xã trong dự án đã và đang hoàn thành các bước điều tra, khảo sát các đối tượng đảm bảo yêu cầu về mặt chuồng trại, nguyên liệu phục vụ chăn nuôi trước khi dự án bàn giao bò được triển khai.

Ông Đàm Văn Toàn, Phó giám đốc Trung tâm KH&CN tỉnh cho biết: Mục tiêu của dự án là chuyển giao các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi bò giống, bò thịt; quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản cỏ cho bò đến với các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh; cung cấp giống bò Brahman, bò Zebu, có chất lượng, sử dụng tinh các giống bò ngoại nhập như: Redangus, Dromaster để nâng cao tỷ lệ lai, cải thiện tầm vóc và thể trọng đàn bò lai được sinh ra, nâng cao hiệu quả chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Mở thêm hướng mới cho chăn nuôi bò

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm KH&CN tỉnh cho biết: Từ 60 bò cái Brahman ban đầu, giá trị 33,75 triệu đồng/con, sau khi kết thúc dự án, giá trị 60 bò cái Brahman tăng lên, với 43,9 triệu đồng/con. 81 bê sinh ra từ 60 bò cái ban đầu, khi kết thúc dự án bê khoảng 12 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 200kg, giá trị bê đạt 29,8 triệu đồng/con. Như vậy, tổng giá trị tăng lên từ 60 bò cái Brahman ban đầu và 81 bê sinh ra là 5.057 triệu đồng. Nếu so với nuôi bò laisind tăng 4.206 triệu đồng, thì nuôi bò Brahman tăng cao hơn 19%. Nếu so với nuôi bò vàng địa phương theo truyền thống chỉ tăng 1.900,4 triệu đồng thì nuôi bò Brahman tăng cao hơn 47,7%.

“Về mặt xã hội, thành công của dự án sẽ mở thêm hướng đầu tư vào sản xuất thịt bò hàng hóa chất lượng cao, thích hợp với những điều kiện chăn nuôi của tỉnh Bình Phước. Kết quả dự án và các mô hình sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của người chăn nuôi. - ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

  • Từ khóa
99269

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu