Thứ 2, 20/05/2024 06:05:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 07:02, 13/05/2020 GMT+7

Bình Phước đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

Duy Khiêm
Thứ 4, 13/05/2020 | 07:02:00 416 lượt xem
BPO - Ngay sau khi có Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4-3-2005 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và đánh giá cao mô hình trồng rau thủy canh của Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh

Trên cơ sở đó, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để cụ thể hóa các chỉ thị, kế hoạch nêu trên và tổ chức quán triệt đến các chi, đảng bộ trực thuộc với trên 98% đảng viên tham gia; thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, đời sống. Theo đó, đã đạt những kết quả nhất định và mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong lĩnh vực nông nghiệp: Những năm qua, Hội đồng khoa học tỉnh đã chủ động tư vấn, tuyển chọn nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều đề tài về ứng dụng công nghệ sinh học trong nông - lâm nghiệp, tiêu biểu như đề tài: “Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát triển sản xuất các loài lan rừng có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Bình Phước”; các dự án như: “Xây dựng mô hình hầm khí biogas theo hướng thu hồi năng lượng” của Ban CHQS huyện Chơn Thành,“Ứng dụng vi sinh ủ phân hữu cơ”, “Bảo dưỡng chế phẩm vi sinh” trên địa bàn tỉnh; thực hiện dịch vụ cấy tạo trầm trên cây dó bầu bằng các chủng vi sinh cho nhiều hộ gia đình ở các huyện, thị xã; tư vấn xây dựng hệ thống hầm khí biogas và sử dụng máy phát điện từ khí biogas cho các trang trại nuôi heo; xây dựng 10 hầm khí biogas cho các hộ gia đình chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh bằng bồn composite...

Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã triển khai nhiều đề tài, mô hình nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất, trong đó có một số đề tài, mô hình nổi bật như: “Ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào kết hợp trồng rau sạch với xử lý rác thải quy mô hộ gia đình” của thị xã Phước Long; ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP của thị xã Bình Long; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật xây dựng mô hình trồng rau theo hướng an toàn trong nhà lưới trên địa bàn huyện Bù Đốp; thành lập nhóm điều hữu cơ được chứng nhận Organic và 1 tổ hợp tác ca cao được chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certifled tại huyện Bù Gia Mập... Ở huyện Chơn Thành có hộ ông Mai Văn Cúc đã sáng chế thuốc trừ sâu sinh học phòng trị ruồi vàng và hộ ông Nguyễn Tấn Lực đã ủ thành công phân hữu cơ sinh học (phân cá) sử dụng trong trồng trọt... 

Trong lĩnh vực y - dược: Bước đầu ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào phòng chống các loại dịch bệnh như: sử dụng các loại vắc-xin, huyết thanh, các loại dược phẩm có nguồn gốc sinh học, nhờ đó, các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh lao, bướu cổ, bại liệt ở trẻ em ngày càng giảm, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng; sử dụng hiệu quả trên 21 loại vắc-xin để phòng bệnh, trong đó có 10 loại vắc-xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống bệnh ở trẻ em...; tiếp cận chuyển đổi một số loại vắc-xin thế hệ mới như: viêm não Nhật Bản, viêm gan siêu vi B, bệnh dại; ứng dụng các bộ test chẩn đoán nhanh bệnh viêm gan, HIV; sử dụng công nghệ vi sinh trong xử lý nước và rác thải y tế...

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Ngành khoa học và công nghệ đang phối hợp thử nghiệm ứng dụng thực vật thủy sinh để xử lý nước thải sau biogas của cơ sở chăn nuôi tại các địa phương bằng công nghệ sinh thái, thân thiện với môi trường. Một số doanh nghiệp trên địa bàn các huyện đã ứng dụng công nghệ khí biogas và chế phẩm E.M để xử lý chất thải, nước thải trong quá trình sản xuất ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh; ứng dụng công nghệ biogas kết hợp với hệ thống hồ sinh học để xử lý nước thải chế biến hạt điều; nhà máy tinh bột mì đã sử dụng hệ enzime biologycal và chế phẩm E.M trong xử lý nước thải và hệ thống thu hồi khí CH4 dùng làm khí đốt cho lò sấy. Nhà máy chế biến mủ cao su, nhà máy chế biến gỗ MDF sử dụng phương pháp hồ sinh học... vào sản xuất, kinh doanh tại cơ sở sản xuất và xử lý nước thải sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; ứng dụng công nghệ vi sinh vật bám để xử lý nước thải các bệnh viện, nước thải chế biến gỗ, nước thải chế biến cà phê, hạt điều... Nhìn chung, việc triển khai công nghệ khí sinh học bằng các mô hình hầm khí biogas ngoài bảo vệ môi trường còn sử dụng năng lượng tái tạo từ khí đốt từ biogas phục vụ sinh hoạt.

Phát triển nông nghiệp công nghệ sinh học: Toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp và hợp tác xã đã đăng ký thực hiện các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh với tổng quy mô hơn 590 ha.

Về trồng trọt, diện tích nhà lưới, nhà màng trên 100 ha để phát triển rau, hoa, quả, trong đó có gần 50 ha nhà màng ứng dụng các phương pháp canh tác tiên tiến để trồng dưa lưới cho thu nhập từ 4-5 tỷ đồng/ha/năm.

Về chăn nuôi, toàn tỉnh có 299 trang trại heo, gà, trong đó 56 trang trại chăn nuôi heo có hệ thống làm lạnh, tự điều chỉnh nhiệt độ, sử dụng máng ăn bằng silo và hệ thống nước uống tự động, quy mô chuồng nuôi từ 1.000-12.000 con; 36 trang trại chăn nuôi gia cầm có hệ thống làm lạnh, tự điều chỉnh nhiệt độ, 100% trang trại có hệ thống nước uống tự động, quy mô chăn nuôi từ 16.000-400.000 con. Đối với mô hình chăn nuôi quy mô hộ gia đình, tại một số huyện đã thực hiện thử nghiệm nuôi gà bán chăn thả trên đệm lót sinh học, bước đầu đã mang lại hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh có 68/107 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng công nghệ cao; 44 cơ sở được chứng nhận VietGAP, trong đó có 14 cơ sở trồng trọt, 40 cơ sở chăn nuôi. Các trang trại đã áp dụng cơ giới hóa và tự động hóa, công nghệ tưới và áp dụng giống mới, quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.

Trong những năm qua, mặc dù việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả nhất định nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu thực tế. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như bố trí kinh phí nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học còn hạn chế; một số nội dung theo Kế hoạch số 53-KH/TU và Quyết định số 1032/QĐ-UBND ngày 14-6-2006 của UBND tỉnh về việc ban hành chương trình hành động về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học còn thiếu, chưa đồng bộ, đa số thiết bị phòng thí nghiệm đều chưa đáp ứng yêu cầu hoặc phân tán ở nhiều đơn vị; hạ tầng kết nối và hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn còn thiếu; việc đầu tư cho ứng dụng, thử nghiệm công nghệ sinh học còn thấp so với nhu cầu thực tế, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ...  

  • Từ khóa
97050

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu