Thứ 3, 30/04/2024 20:29:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 10:52, 08/04/2024 GMT+7

CHÀO NHÉ YÊU THƯƠNG!

Bạn tâm giao

Ngô Quốc Việt
Thứ 2, 08/04/2024 | 10:52:16 3,151 lượt xem
BPO - Bên ly trà nóng, hai người đàn ông với mái đầu gần như bạc trắng ngồi ôn lại chuyện cũ. Đó chính là cha tôi và bác Quảng.

Bác quê ở Sài Gòn. Cha tôi ở Quảng Nam. Ấy vậy mà trời xui đất khiến cho hai người đàn ông đó đều chọn vùng đất heo hút giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận làm nơi lập nghiệp. Những năm 80 của thế kỷ trước, nơi này toàn rừng rú, lưa thưa vài nóc nhà dọc theo đường ray xe lửa, hàng xóm ở xa tới vài trăm mét. Nhưng dường như khoảng cách không khiến con người ta xa mặt cách lòng. Họ kết thân với nhau, giúp đỡ để cùng vươn lên thoát nghèo khổ. Và cha tôi không biết đã đón nhận bao nhiêu ân tình đến từ bác Quảng.

Lúc cha dựng nhà trên mảnh đất mới, cũng là lúc gia đình tôi đón nhận tin tức không vui. Em gái tôi bị bệnh, căn bệnh “tim lớn” khiến em phải nhập viện thường xuyên. Tiền bạc tích cóp được cũng lần lượt theo mẹ và em vào bệnh viện. Áp lực đè nặng lên vai cha khi vừa phải xoay tiền cho mẹ trong bệnh viện vừa phải lo cho 3 đứa trẻ ở nhà. Và trong cơn bĩ cực đó, bác lại là người kéo lấy tay cha. Khi thì ít tiền để cha đưa vào bệnh viện, lúc lại mấy ký gạo, mớ cá khô. Cha bảo, nếu không có bác Quảng trong những ngày tháng đó thì không biết gia đình mình sẽ như thế nào. 

Rồi khi cha nhận đất của lâm trường để vừa trồng rừng vừa canh tác, chính bác là người đã tặng những cây điều giống, xoài giống đầu tiên để cha trồng, chăm sóc. Cây xoài lớn dần, cây điều cho quả, cuộc sống của gia đình tôi cũng bớt phần cực khổ và tôi cũng quen với hình ảnh bác trên chiếc xe cúp cánh én đến nhà tôi vào mỗi buổi sáng khi màn sương chưa kịp tan hết. Bác lại nhà, uống ngụm trà nóng cha pha, nói dăm ba câu chuyện rồi lại đi làm việc của mình. Tôi cứ tưởng hình ảnh đó sẽ mãi còn như vậy. Nhưng không! Bác lại rời đi, về với Sài Gòn.

Tôi nhớ đêm trước khi chuyển nhà, hai người đàn ông trung niên đó đã nói với nhau rất nhiều, mãi tận giữa khuya. Bác bảo rằng mình cũng không muốn trở về với thị thành đông đúc, bởi quen với nếp sống ở đây, nhưng cha già cần người chăm sóc nên không đặng chẳng đừng cũng phải đi xa. 

Bác về Sài Gòn sinh sống cũng làm đủ nghề: đạp xích lô, chạy xe ba gác, bán tạp hóa... mưu sinh. Nhưng tình bạn của cha tôi và bác vẫn luôn thân thiết. Mỗi bận, cha tôi lên Sài Gòn có việc thể nào cũng ghé sang thăm bác. Còn bác khi về dưới này cũng ngồi lại uống trà cùng cha. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, hai người đàn ông ngày nào giờ đã ở tuổi thất thập, đi lại khó khăn nhưng chưa khi nào thiếu vắng nhau trong những ngày trọng đại của hai gia đình, từ đám cưới, đám giỗ đến thôi nôi đứa cháu đầu lòng. Còn anh em tôi mặc nhiên xem bác như người thân trong gia đình mình. 

Đôi lần tôi tự hỏi, điều gì đã khiến hai người giữ được tình bạn lâu như vậy. Rồi lại tự trả lời theo cách của mình rằng, là do mối nhân duyên để hai người xa lạ gặp nhau, xem nhau như người nhà, gắn kết với nhau gần hết một đời người.

  • Từ khóa
193660

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu