Thứ 5, 09/05/2024 21:22:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 09:09, 13/01/2024 GMT+7

Tây ba lô Tôm và chú Tít xe ôm

Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
Thứ 7, 13/01/2024 | 09:09:48 4,812 lượt xem
BPO - Tên khai sinh của gã là Tom Heideger Colombo dài dặc. Trẻ con hàng xóm, bạn bè gọi gã là Tom. Sang Việt Nam, chàng trai Mỹ này đang là sinh viên Khoa Việt Nam học ở Đại học bang Ohaio có mục đích thực tập tiếng Việt kiêm du lịch một tháng, được mang tên là Tây ba lô. Tây ba lô Tôm mười chín tuổi, cao một mét chín, lênh khênh như cây sào chọc bưởi. Mắt xanh lơ. Cổ gà chọi. Tính tình còn con trẻ, vừa thật thà vừa láu tôm láu cá.

Sáng nay, Tây ba lô mò đến hàng cháo lòng của chị Bánh ở trước cửa khách sạn Phương Lâm, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Chị Bánh hỏi: Ăn bát mấy? Tây ba lô đáp: Chị cho bát 25. Chị Bánh đáp: Ở đây chỉ có bát 30 hay bát 35 ngàn. Không có loại bát 25 ngàn. Tây ba lô Tôm búng tay, tươi tỉnh nói: Thế thì bà chị giữ nguyên tiêu chuẩn gan, dồi, còn thì bớt lòng non đi. Chị Bánh cười ngặt nghẽo: Ông con giời ai dạy mà khôn thế!  

Đang ăn ở đó, chú Tít xe ôm, phục phịch bảy mươi ký lô, ria con kiến, vừa ăn xong bát cháo 30 ngàn, đưa khăn lau miệng, nhìn Tây ba lô, tủm tỉm: Nè, thằng Mẽo con, thế mi có biết câu: Tây lai ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột không? Răng mà mi khôn lọt vành tạo hóa thế, hỉ!

Tây ba lô Tôm cười tít mắt, reo: Ôi, chú tên gì mà nói hay quá! Chú cho tôi theo để học tập thêm tiếng Việt được không?

Từ hôm ấy, Tây ba lô Tôm theo chú Tít xe ôm đây đó trong hành trình du lịch tỉnh Bình Phước, vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ. Và thế là nhờ chú Tít mà suốt ba mươi ngày trời kiến thức nhân văn, địa lý, lịch sử của Tây ba lô Tôm được bổ sung thêm bao điều bổ ích về một vùng địa lý nhân văn có diện tích lớn nhất Nam Bộ này. Đó là vì chú Tít vốn xuất thân nhân viên công ty du lịch ở Bình Phước. Nay vì vợ đau con yếu nên xin nghỉ hưu non, về cầm lái xe ôm để dưỡng vợ nuôi con. Đã là dân thổ công mảnh đất này nên thông thạo đường đi lối lại, chú Tít lại là người tận tụy với công việc và rất chiều khách.

Minh họa: Sỹ Hòa

Suốt một tháng trời, chú Tít dẫn Tây ba lô đi thăm thú không còn thiếu một danh thắng, di tích nào ở tỉnh Đông Nam Bộ này. Hiển nhiên Tây ba lô đã vô cùng ngạc nhiên, thích thú với danh thắng núi Bà Rá, hồ Suối Cam, thác Đứng, thác Voi, hồ thủy điện Thác Mơ, chùa Phật Quốc Vạn Thành… Ấn tượng sâu sắc không kém với tình cảm và hiểu biết của chàng trai trẻ Hoa Kỳ này có lẽ còn là thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, nhất là trảng cỏ Bù Lạch rộng 500 ha với vẻ đẹp mê hoặc của các bãi cỏ kim xen lẫn những loài hoa đủ sắc màu, cùng khu rừng nguyên sinh hoang sơ xanh thẳm. Rồi nữa là Bảo tàng tỉnh với các hiện vật vô cùng phong phú một thời kháng chiến anh hùng và sóc Bom Bo với nhịp chày giã gạo cùng tiếng hát nhịp nhàng của đồng bào S’tiêng, M’nông đã in sâu vào tiềm thức con người Bình Phước và lịch sử dân tộc. Coi như được dự một khóa học sâu sắc kỹ lưỡng về Việt Nam học, Tây ba lô Tôm vô cùng mãn nguyện và rất biết ơn chú Tít.

- Sao chú đối với tôi tốt thế, chú Tít?

- Đối với ai, tao cũng vậy mà.

- Chú nói thế làm tôi buồn. Chẳng lẽ, tôi không gây cho chú một ấn tượng tốt đẹp riêng biệt nào à?

Nghe Tây ba lô Tôm hỏi gặng có ý khoe mình, chú Tít nhăn nhăn trán rồi gật gật:

- Có chớ! 

- Ấn tượng gì vậy? 

Tôm săn đón. Chú Tít thủng thỉnh đáp: 

- Tao rất thích ngó mi ăn phở với lại xem mi ăn bún chả!

 Tây ba lô vỡ òa:

- Phở à! Tuyệt rồi. Ông Richard Sterling, nhà văn Mỹ chuyên viết về ẩm thực và du lịch, ca ngợi hết lời món phở Việt Nam. Ông bảo, phở Việt Nam rồi phải vào Từ điển thế giới như món hamburger ấy chứ. Ông nói một câu xanh rờn: Việt Nam, gói gọn trong một tô, ấy là tô phở. Còn bún chả. Tôi nhớ bài học về Việt Nam học khi nói về ẩm thực, có câu: Ôi, ngàn năm bửu vật đất Thăng Long. Bún chả là đây có phải không? Nhà văn Thạch Lam đã từng ca ngợi món bún chả như thế đấy. Nhưng mà, chú nhìn tôi ăn phở, ăn bún chả thấy thích ở điểm nào?

- Ở điểm nào hỉ?

- Vâng.

Chú Tít đà đận rồi nhoẻn cười, phô hàm răng trắng lóa:

- Ở điểm, với bát phở mi vét đến cùng từng sợi hành, sợi bánh. Mi bê cả cái tô to tổ bố lên húp sùm sụp đến không còn một giọt nước dùng. Còn bún chả thì mi xơi hết sạch cả một rổ rau sống to đùng!

- Ha ha... Chú nói đúng! Đó là vì phở Việt Nam ngon quá! Bún chả Việt Nam khoái khẩu quá!

- Nói mi đừng hiểu lầm. Người dân nước tao bảo, thế là uống nước uống cả cặn đó.

- Sao thế?

- Thôi, để hiểu, nếu có dịp thì mi hãy quan sát người Việt xem họ ăn phở, ăn bún chả ra răng há. 

Tây ba lô Tôm khim khíp mắt, cắn môi, không nói gì.

Thấm thoắt một tháng trôi qua đánh vèo. Còn ba ngày nữa thì về nước. Tây ba lô yêu cầu chú Tít đưa đi mua đồ lưu niệm. Nơi đến đầu tiên là cửa hàng bán búp bê. Tây ba lô Tôm hỏi mua một búp bê thiếu nữ Việt mặc áo dài, đội nón. Mặc cả một thôi một hồi, giá búp bê từ 10 đô xuống còn 8 đô, Tây ba lô Tôm mới móc ví. Nhưng tưởng là lấy tiền trả chủ hàng, thì chú Tít nhận ra chàng trai Mỹ lại dài mặt ra vì chần chừ.

- Sao thế?

- Chú Tít à. Chú nói với bà chủ hàng hộ tôi. Bớt cho tôi 1 đô vì tôi không lấy bao bì cô búp bê đó.

- Ok! Thôi, 7 đô cũng được. Tôi tặng chú chiếc hộp đó đem về Mỹ!

Chú Tít chưa kịp nói, bà chủ hàng đã kêu to trong tiếng cười như vỡ ra: Mẹ cha thằng Mỹ con, tính toán sao chi li vậy.

Khoái trá vì thắng lợi đầu tiên, hai thầy trò liền đi đến cửa hàng bán đàn. Tây ba lô rất thích có một cây đàn nguyệt. Chủ hàng nói giá 200 đô. Tôm hỏi: Có cho mặc cả không? Chủ hàng gật: Thuận mua vừa bán. Cứ vô tư thoải mái đi! Tây ba lô cười phớ lớ: Tôi thích Việt Nam ở cả việc này. Ghét nhất ở Mỹ là các siêu thị đề giá rồi là không có mặc cả gì hết. Mà nó còn có thói đánh lừa người mua: Cái gì cũng có số cuối cùng là 9. Chiếc áo sơmi 49 đô. Đôi giày 99 đô. Rồi quay về phía chủ hàng, Tây ba lô choảnh hoảnh: Tôi giả 100 đô nhé! Chủ hàng cười nhã nhặn: Chú trả thêm đi. Cây đàn đẹp thế mà. “Trăm một chục vậy” - Tôm nói. Chú Tít xe ôm hích vai Tôm, đính chính: Phải nói là trăm mốt. Chủ hàng gật: Chú Mỹ con à. Thêm chút chút nữa đi. Trăm hai vậy... “Cố tí nữa nào” - chủ hàng lại khích lệ. Cuối cùng ngã giá 180 đô.

Thấy Tây ba lô rút ví mà còn tần ngần, chú Tít liền hất hàm: Còn phân vân gì nữa đây? Thì Tây ba lô Tôm đã nhìn thẳng chủ hàng, rành rọt: Thế này nhé: Ngã giá 180 rồi. Nhưng mà chủ hàng phải bớt cho tôi một giá, cụ thể là bớt cho tôi 10 đô. Vì sao? Vì tôi còn phải có tiền để trả cho chú Tít đây hoặc thuê taxi chở cây đàn đó ra bến xe để về Thành phố Hồ Chí Minh, rồi từ đó đi máy bay về Mỹ nữa.

Kha kha... Lần này thì bắt đầu là chú Tít và sau đó là người chủ hàng cùng bật cười thật to. Ôi, cái thằng Mỹ con này, ai biểu mi mà mi tính toán khéo vầy! Và chú Tít thì vừa cười vừa lấy tay kéo Tôm lại gần rồi ghé tai Tôm, khe khẽ: Được rồi, nếu mi thiếu tiền đi taxi ra bến xe thì tao cho. Tao cho! Yên tâm đi, thằng nhóc! 

- Chú Tít à. Tôi nhận thấy chú có cái cười vừa như giễu cợt tôi, vừa như bao dung tôi trong suốt những ngày tôi được chú đưa đi các nơi. Đặc biệt là khi ở cửa hàng búp bê, nhất là khi tôi kỳ kèo giảm bớt 10 đô với chủ hàng bán đàn nguyệt.

Đứng ở cửa bến xe đi Thành phố Hồ Chí Minh, trong giờ phút chia tay, Tây ba lô Tôm nói. Chú Tít chớp chớp mắt:

- Tôm! Mi nhận thấy như thế à?

- Vâng. Chắc là chú chê tôi keo sỉ, ki bo, bần tiện. Kể từ cái lúc chú quan sát tôi ăn phở, ăn bún chả. Nhưng chú phải hiểu cho. Người Mỹ chúng tôi rất thực dụng. Vả lại, phải tiết kiệm chi li thì mới giàu mạnh được.

Chú Tít gật đầu:

- Đúng! Phải tính toán chi li. Chín xu đổi lấy một hào. Phải biết giật gấu vá vai. Phải biết ăn chắt để dành. Buôn tàu bán bè, không bằng ăn dè hà tiện. Tôm à, mi có biết những câu thành ngữ ấy của người Việt không?

- Ối, những câu thành ngữ của người Việt hay quá. Chú nói lại để tôi nhập tâm nhé.   

- Hà hà... Tao sẽ nói lại. Mà Tôm nè, về mặt này thì mi cũng giống em gái tao. Kể mi nghe: Một hôm nó hỏi vay tao 200 ngàn đồng. Tao biết là nó không thiếu tiền. Nhưng mi có biết tại sao nó lại hỏi vay tao không? Là bởi vì nó đang có 800 ngàn. Nó cần 200 nữa để có tròn 1 triệu, đặng nó đem đi gửi ngân hàng, lấy lãi tiết kiệm. Hầy, xem ra nó cũng khôn chẳng kém mi chút xíu nào đâu há, Tôm! 

- Ok! Nhưng mà tôi có thắc mắc: Nghèo thế sao có lúc chú còn cho tôi tiền?

- Ôi thằng ngốc này. Nghèo cũng có ba bảy đường nghèo. Nghèo kiểu người Việt tao là nghèo: Đói cho sạch, rách cho thơm. Nghèo mà cốt cách vẫn phong lưu, đàng hoàng. Giấy có rách vẫn phải giữ lấy lề. Bát phở ăn xong vẫn còn để lại chút nước dùng, vài sợi bánh ở đáy bát. Có thể là không hay với mi và mi sẵn sàng biểu đó là sĩ diện hão. Nhưng mà người Việt tao coi đó là văn hóa, lịch sự. Đang bữa, có khách thình lình đến chơi, dù không nấu cơm khách cũng vẫn dọn thêm bát đũa mời khách ăn cùng.

- Chà chà…

- Người Việt tao là vậy. Không khác được. Nếu không chúng tao thành người Mỹ, người Đức à? Người Việt tao biết là mình nghèo nên phải cần, kiệm và nỗ lực để giàu có. Nhưng dẫu còn đang nghèo, người Việt cũng biết nhường cơm sẻ áo cho nhau. Biết nhịn miệng đãi khách. Thế đó, mi đã biết câu thành ngữ nữa đó chưa? Cả câu này nữa: Xởi lởi trời cởi cho. Ki bo trời co lại. Nhập tâm đi, Tôm! 

Đến đấy thì không thể đừng được nữa, Tây ba lô Tôm, chàng trai Mỹ có cái tên dài dằng dặc Tom Heideger Colombo liền ôm choàng lấy chút Tít xe ôm và rưng rưng: Tôi hiểu rồi. Chà chú Tít, học cách nói của ông Richard Sterling, tôi xin phép nói: Cả một nền văn hóa Việt tốt đẹp nhất thế giới gói gọn trong một con người, ấy là chú Tít yêu kính của tôi. Tôi sẽ còn trở lại thăm chú. Tôi sẽ còn trở lại Việt Nam nhiều nhiều nữa, để học thêm nhiều điều hay lẽ phải cao quý, chú Tít à! Tôi yêu chú Tít! Tôi yêu Việt Nam!

12-1-2024.

  • Từ khóa
186818

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu