Thứ 4, 08/05/2024 17:10:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 19:25, 03/07/2019 GMT+7

Để gia đình ấm no, hạnh phúc bền vững

Thứ 4, 03/07/2019 | 19:25:00 293 lượt xem
BP - Điều kiện kinh tế là cơ sở để đảm bảo sự bền vững của một gia đình nhưng đó không phải là tất cả. Nhiều gia đình lúc kinh tế còn khó khăn thì vợ chồng hạnh phúc, đến khi khá giả, có của ăn, của để lại “đường ai nấy đi”. Bởi lý do chung chung là không hợp nhau, không còn thương nhau, mà đằng sau đó là vô số những nút thắt của cuộc sống mà trước kia họ cũng đã gặp phải, nhưng giờ không gỡ được vì cả hai không cùng nhìn về một hướng...

Không khó để thấy những cuộc cãi vã trong gia đình, với những lời đay nghiến đại loại: “Tôi đi làm đầu tắt mặt tối, cung phụng đủ đường, muốn gì được đó mà còn dở chứng là sao?”, “Nó hơn gì tôi đâu mà anh (cô) lại theo nó?”... Nhiều người cho rằng mình kiếm được nhiều tiền, lại đẹp, giỏi giang thì sẽ hạnh phúc. Đó là một sai lầm, bởi gia đình không phải là bất động, mà không ngừng vận động, phát triển nên cần chung tay chăm bẵm, nuôi dưỡng, giáo dục (cha mẹ dạy con, anh chị em bảo ban nhau...) và sự tôn trọng thế giới riêng tư của mỗi người là một nguyên tắc, không thể vì lý do đã là vợ chồng để rồi muốn “sở hữu” mọi mặt, dẫn đến cấm làm cái này, cấm làm cái nọ chỉ vì chồng (vợ) không thích một cách vô lý. Tôn trọng và chia sẻ là cơ sở xây dựng gia đình bền vững.

Gia đình công nhân Nguyễn Văn Ga - Lê Thị Tịnh ở ấp 11, xã Minh Hưng (Chơn Thành) có 4 người con đều chăm ngoan, học giỏi

Hạnh phúc của một người là làm cho người mình yêu thương được hạnh phúc. Hạnh phúc gia đình càng yêu cầu cao hơn nữa. Thực tế không ít người đã quên mất điều đó, dễ thấy nhất là kể công lao, so bì sự hy sinh, vất vả của mình là cao nhất. Chính vì tự cho mình cái quyền cao hơn như thế nên tự mình quyết định, chi phối mọi việc lớn nhỏ trong gia đình mà không tôn trọng ý kiến của các thành viên khác. Hoặc có trường hợp sự yêu thương đến độ mù quáng, nuông chiều đến mức thái quá đã vô tình làm cho nhân cách của con em mình bị khiếm khuyết. Dễ thấy nhất là con muốn gì được nấy, mặc cho “sự muốn” của con mình là sai trái như cho tiền vô điều kiện, chưa đủ tuổi nhưng mua xe phân khối lớn cho con chạy... Sự rạn nứt xuất hiện, bởi quan hệ trong gia đình không còn bình đẳng, nếu kéo dài thì nguy cơ tan vỡ là một sớm, một chiều (con hư, ly hôn...)

Con cái ngoan ngoãn, chăm ngoan học hành, chí thú làm ăn là niềm mơ ước của bất cứ gia đình nào. Để có được điều đó, là cả một quá trình nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện nghiêm túc, không ngừng từ lúc đứa trẻ sinh ra cho đến hết cuộc đời. Bên cạnh giáo dục gia đình là cái nôi hình thành nhân cách, thì còn có giáo dục của nhà trường, giáo dục của xã hội mà bản thân mỗi người phải tự ý thức trau dồi, sàng lọc tiếp nhận cái hay, cái đẹp và bài trừ cái xấu. Điều này không đơn giản, nhất là với sự phát triển xã hội hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực mà nó đem lại, thì những mặt trái của thị trường, khiến nhiều bậc cha mẹ lao vào kiếm tiền, xem nhẹ giáo dục con cái, hoặc chiều chuộng con một cách thái quá, rồi những hệ lụy khác của công nghệ thông tin (game, phim bạo lực, phim sex...) đã khiến không ít người (kể cả người lớn) trước kia ngoan ngoãn, mẫu mực, thì nay lêu lổng, hư hỏng.

Quá trình xây dựng, vun đắp gia đình sẽ có nhiều góc khuất, vì vậy mỗi thành viên trong gia đình phải không ngừng vươn lên tự hoàn thiện mình. Để gia đình được ấm no, hạnh phúc bền vững đòi hỏi sự chung tay của mỗi thành viên và sự cộng đồng trách nhiệm của nhà trường, xã hội.

Nhật Hạ

  • Từ khóa
107955

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu