Thứ 4, 08/05/2024 15:27:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 06:04, 20/03/2019 GMT+7

CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20-3

Hạnh phúc từ những điều bình dị

Thứ 4, 20/03/2019 | 06:04:00 258 lượt xem
BP - Đa số những cặp vợ chồng trẻ từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào Bình Phước làm công nhân đều có con nhỏ. Họ phải sắp xếp gửi con sao cho không ảnh hưởng tới công việc, nhất là tăng ca, tăng giờ… đôi khi cùng gồng gánh khi con bệnh. Nhưng nhờ sự yêu thương, sẻ chia, cùng vượt qua khó khăn họ tạo được sự hài hòa giữa công việc vốn chiếm hầu hết thời gian, sức lực để vun vén hạnh phúc gia đình. Cuộc sống bộn bề thiếu thốn nhưng hạnh phúc với họ là tổ ấm luôn ngập tràn tiếng cười.

>> Chung tay vun đắp hạnh phúc

Động viên nhau cùng phấn đấu

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lành (1986) và chị Nhữ Thị Minh (1988) từ tỉnh Nghệ An vào Bình Phước làm công nhân đã hơn 3 năm. Vợ chồng chị xác định không có vốn nhưng với sức trẻ, tin cậy làm chỗ dựa cho nhau cùng làm ăn, nuôi con. Vợ chồng chị phải ở trọ, vay mượn người thân mỗi người một ít gom góp mua chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Rồi cả hai xin làm công nhân tại Công ty TNHH Grand Gain (Khu công nghiệp Đồng Xoài II, TP. Đồng Xoài). Được phân về Xưởng in sơn, bằng sự tận tụy, trách nhiệm với công việc từng bước anh Lành được lãnh đạo công ty tin tưởng cử làm nhóm trưởng rồi lên tổ trưởng. Ở đây, chị Minh phụ trách khâu giao - nhận hàng.

Trợ lý chủ quản Xưởng in sơn Nông Thị Hồng Hạnh nhận xét: “Vợ chồng anh Lành không chỉ yêu thương, chịu khó vươn lên trước hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, hỗ trợ nhau làm tốt công việc mà còn giúp đỡ đồng nghiệp trong xưởng rất nhiều. Anh chị xứng đáng là vợ chồng công nhân hạnh phúc tiêu biểu làm gương cho nhiều công nhân khác học tập”.

Vợ chồng anh Lành, chị Minh bên nhau sau giờ làm việcVợ chồng anh Lành, chị Minh bên nhau sau giờ làm việc

Với đặc thù làm ca hoặc phải tăng ca, làm thêm giờ, thời gian chăm sóc con ít ỏi với nhiều cặp vợ chồng công nhân. Nhờ vợ chồng anh Lành làm cùng xưởng nên tiện trong việc động viên, giúp đỡ nhau. Khi tan ca, họ lại cùng nhau san sẻ việc nhà. Chị Minh cho biết: “Vợ chồng em luôn biết hỗ trợ nhau từ việc công ty đến gia đình. Vì thế, em rất vui và cảm nhận được hạnh phúc mà chồng đã dành cho mẹ con em. Khi em chăm con thì chồng nấu cơm hoặc ngược lại. Mỗi người mỗi việc để vừa cơm nước, nhà cửa gọn gàng vừa chăm sóc con chu đáo. Với công nhân, tăng ca là áp lực không nhỏ nhưng biết khéo léo cân đối sắp xếp thì vẫn làm được. Khi chồng bàn chuyện gì, em nhìn nhận thấy tốt thì ủng hộ hết mình, tạo niềm tin để chồng có ý chí vươn lên hơn nữa”.

Anh Lành tiếp lời vợ: “Gia đình công nhân vốn khó khăn, muốn giữ gìn hạnh phúc thì phải cố gắng lao động để cuộc sống đỡ vất vả, có điều kiện chăm lo cho 2 con ăn học. Mỗi nhà có hoàn cảnh khác nhau nhưng trong khó khăn phải dựa vào nhau, động viên nhau cùng vươn lên chứ không được nản lòng. Vợ chồng em lúc đầu phải vay mượn mua xe để đi lại thì giờ đã trả hết nợ. Chúng em đang dành dụm tiền để từng bước mua đất rồi làm nhà, giúp ổn định cuộc sống lâu dài”.

 Hạnh phúc là bằng lòng với những gì mình đang có

Chúng tôi đến khi chị Nguyễn Thị Bích Hằng (1992) vừa đón 2 con trai đi học về, đứa nhỏ học mẫu giáo tư thục, còn con trai lớn học Trường tiểu học Tân Bình B (Đồng Xoài). Anh Lê Xuân An (1992) - chồng chị Hằng về, để vợ tiếp khách, anh xăng xái vào bếp vo gạo cắm cơm điện rồi làm thức ăn. Mọi thao tác anh An khá thuần thục trong sự ngưỡng mộ của chúng tôi.

Trong phòng trọ chừng 15m2 có một gác lửng khá chật hẹp, chị Hằng chia sẻ: “Chồng em làm nghề tự do nhưng công việc ổn định. Biết em tăng ca thì chồng đón con, còn về sớm thì em đón. Về nhà anh nấu cơm cho mẹ con em chơi cùng nhau. Nếu nhìn vào những bạn bè đồng trang lứa, người giàu có đi du lịch nay đây mai đó, người lại nhà cao cửa rộng mà mình so sánh thì sẽ có tư tưởng buồn chán. Nhưng với em, cuộc sống như ngày hôm nay đã là hạnh phúc lắm rồi. Em rất hài lòng với cuộc sống của mình. Hạnh phúc không phải là khao khát cuộc sống giàu có, mà là biết bằng lòng với những gì mình đang có. Cách đây 3 năm, hai vợ chồng đến Đồng Xoài không “tấc đất cắm dùi”, việc làm. Nay chúng em đều có công việc ổn định, biết yêu thương, chia sẻ với nhau, các con chăm ngoan và cũng tích lũy được ít tiền để mua đất, làm nhà nên em thấy mãn nguyện”.

Bữa cơm ấm áp của gia đình chị Hằng, anh AnBữa cơm ấm áp của gia đình chị Hằng, anh An

Với chồng Hằng, sau nhiều sóng gió, anh nhận thấy có vợ luôn bên cạnh quan tâm lo lắng, kể cả khi anh lầm lỡ, bê trễ với gia đình, giúp anh hiểu giá trị của hạnh phúc, của tình cảm vợ chồng, cha con. Vì thế, anh nguyện hết lòng vun đắp cho mái ấm. Anh An cho biết: “Muốn có hạnh phúc gia đình thì người chồng phải biết lo cho vợ con, quan tâm để vợ con vui vẻ. Em luôn chia sẻ công việc nhà với vợ, nhất là việc nặng hoặc khi vợ tăng ca; hạn chế ngồi cà phê, nhậu nhẹt để dành thời gian lo cho vợ con. Với em, hạnh phúc nhất là khi vợ chồng, con cái bình yên. Đây là nền tảng để em tiếp tục phấn đấu, chăm lo cho gia đình có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.

Nếu được chứng kiến một bức tranh gia đình, bên mâm cơm chiều không phải cao lương, mỹ vị mà chỉ là những món ăn đơn giản, thậm chí với nhiều gia đình còn cho là đạm bạc nhưng cảnh vợ chồng Hằng gắp thức ăn cho nhau bằng ánh mắt lấp lánh bên hai cậu con trai kháu khỉnh vừa ăn vừa nói cười vui vẻ thì có lẽ, nhiều người sẽ phải thừa nhận hạnh phúc đang rất gần quanh ta. Với suy nghĩ giản dị, gần gũi về hạnh phúc của những vợ chồng công nhân thật đáng trân trọng và cho ta nhiều cảm xúc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của gia đình. Người từng khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Với những gia đình công nhân tiêu biểu đã được nêu gương, gia đình họ thực sự là tổ ấm, là “bến đỗ” bình yên, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách của mỗi người.

 N.T

  • Từ khóa
107941

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu