Thứ 5, 09/05/2024 12:46:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:57, 28/07/2018 GMT+7

Mong cha mẹ đừng quá áp đặt!

Thứ 7, 28/07/2018 | 15:57:00 231 lượt xem

BP - Cô Ngọc Mai thân mến!

Năm nay, cháu chuẩn bị lên lớp 11. Không hiểu sao gần đây cháu hay buồn bực vô cớ, không muốn nói chuyện nhiều với mọi người, kể cả đám bạn cháu vẫn thường chơi. Cháu còn hay cáu giận với những ai làm mình phật ý. Cháu biết mình hơi quá đáng nhưng mỗi khi đụng chuyện, cháu vẫn cư xử như thế.

Cuối năm lớp 10 cháu thích một bạn gái. Bạn ấy không xinh, không học giỏi nhưng rất dịu dàng và có cái nhìn rất ấm áp. Nhưng khi cháu nói ra tình cảm của mình với bạn ấy thì bị từ chối ngay. Sau này, cháu phát hiện bạn ấy thích lớp trưởng. Cháu bỗng ghét cả hai bạn ấy.

Còn về gia đình, ba mẹ lúc nào cũng muốn cháu học giỏi. Trong lớp, cháu học thuộc top đầu nên ba mẹ và thầy cô luôn kỳ vọng nhưng lại ép buộc phải dành tối đa thời gian học tập nên cháu thấy nản. Nếu cháu xem tivi hay máy tính một chút là liền bị quát nạt nói không học chỉ đi bán vé số, xin ăn... khiến cháu rất tự ái. Cháu đã có những phản ứng thô lỗ, trả lời cộc cằn chứ không còn răm rắp nghe lời như trước. Cháu thường buồn bực, tự nghĩ về cuộc đời mình chỉ toàn gặp chuyện xui xẻo. Bạn bè, cha mẹ, thầy cô đều không ưa, dù cháu đã nỗ lực hết sức suốt thời gian dài.

Phi Hùng (Hớn Quản)

***

Phi Hùng thân mến!

Cháu đang ở giai đoạn dậy thì nên sẽ xuất hiện những thay đổi nhất định về tâm lý. Lúc này, hầu hết các cháu chưa làm chủ được cảm xúc, hay buồn, vui vô cớ, dễ nổi nóng, thậm chí cộc cằn thô lỗ hơn; có bạn lại trở nên sống khép kín. Chính vì thế, nhiều người vẫn thường gọi độ tuổi này của các cháu là “tuổi nổi loạn”.

Căn nguyên là do nội tiết tố thay đổi dẫn tới tâm lý, cảm xúc cũng bị kéo theo. Có những người đang hướng ngoại, hay nói cười, vô tư bỗng hướng nội, trầm tư, ít chia sẻ tâm sự. Nhiều bạn còn trở nên dễ cáu bẳn, khó chịu với mọi người xung quanh và tự cảm thấy không thoải mái với cảm xúc đó. Một số đang trầm tính lại nói nhiều, ngang bướng hơn, chẳng muốn nghe lời ai và muốn thể hiện bản thân. Ở lứa tuổi này, cháu rung động với bạn khác phái là rất bình thường. Bởi hầu hết cuộc đời mỗi người đều trải qua những cung bậc cảm giác như thế. Tuy nhiên, hầu hết cũng không bền vững và thường được gọi là “mối tình học trò”. Vì thế, trước hết cháu hãy xây dựng một tình bạn thân thiết, cùng giúp đỡ nhau trong học tập và chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, để các cháu nhận ra niềm vui, tươi đẹp thời học sinh.

Cô rất cảm thông với áp lực học hành mà ba mẹ vô tình tạo ra khiến cháu thấy khó chịu, nhiều khi còn tự ái, muốn nổi quạu. Có lẽ, ba mẹ nghĩ cấp 3 là quãng thời gian cần thiết nhất để cháu bổ sung kiến thức, quyết định việc lựa chọn tương lai của mình. Nhưng cách nhắc nhở chưa phù hợp khiến cháu nhạy cảm cho rằng, cha mẹ chưa tin tưởng, thừa nhận sự cố gắng của mình. Cháu chỉ muốn có chút thời gian thư giãn mà cha mẹ lại nghĩ cháu lơ là, chưa nỗ lực hết mình trong học tập. Thật ra, cháu hãy nghĩ theo hướng tích cực hơn: cha mẹ cũng vì lo lắng cho cháu thôi! Cô muốn hỏi: Đã bao giờ cháu nghĩ đến việc tâm sự để cha mẹ thấu hiểu tâm tư, tình cảm của mình chưa? Hãy lựa thời điểm, có thể cuối tuần, lúc mẹ đang nấu cơm, cha xem tivi để thì thầm to nhỏ, bày tỏ mong muốn. Nếu cảm thấy khó khăn, cháu có thể viết nhật ký rồi giả bộ để “hớ hênh” nơi cha mẹ dễ thấy nhất...

Cô tin rằng, một chàng trai suy nghĩ sâu sắc về bản thân, gia đình, cuộc sống như cháu sẽ có cách nhìn nhận chín chắn và biết hoàn thiện bản thân tốt hơn. Chúc cháu sớm tìm lại niềm vui từ bạn bè, người thân và thành công trong cuộc sống!

Ngọc Mai

  • Từ khóa
107911

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu