Thứ 5, 09/05/2024 20:46:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 09:03, 22/07/2018 GMT+7

Vỡ mộng sau ngày cưới

Chủ nhật, 22/07/2018 | 09:03:00 350 lượt xem

Chị Ngọc Mai thân mến!

BP - Em 25 tuổi, là nhân viên kế toán trong doanh nghiệp tư nhân. Chúng em từng rất yêu và phải vượt qua nhiều khó khăn mới đến được với nhau. Anh rất chu đáo, quan tâm em từng sở thích nhỏ. Làm đám cưới xong, em xin việc gần nhà chồng. Nhưng từ đây, mâu thuẫn vụn vặt bắt đầu nảy sinh.

Từ khi về làm dâu, anh không còn yêu và quan tâm em như trước mà dành nhiều thời gian đi nhậu, tiếp khách. Anh hay gắt gỏng mỗi khi em trách móc đi nhậu về muộn hay nghe người nhà nói nàng dâu mới không mấy quan tâm gia đình chồng. Hai đứa cãi nhau từ chuyện nhỏ như ai là người buông mùng ngủ tới việc đối xử với gia đình hai bên... Mới cưới nhau hơn 2 tháng mà chúng em cãi nhau hơn chục lần. Tính em vui vẻ, ôn hòa, khi nào cũng muốn vợ chồng yêu thương, nhỏ nhẹ với nhau nhưng mỗi lần làm gì không vừa ý anh lại cộc cằn, nói năng khó nghe. Em không chịu được mà lớn tiếng theo thì mẹ chồng lại nói em không biết cư xử. Em chỉ còn biết ôm gối khóc cả đêm. Nhưng chưa bao giờ anh làm lành trước, kể cả lúc anh sai. Biết ba mẹ rất sĩ diện với bên ngoài, họ luôn tự hào về em là con gái biết sống ôn hòa nên em cố gắng giữ hạnh phúc để ba mẹ không buồn. Nhưng áp lực thế này em sống làm sao? Em rất mệt mỏi và đã nghĩ đến ly hôn.

M.H (Bình Long)

M.H thân mến!

Có lẽ bao trùm trong em bây giờ là cảm giác ngột ngạt, khó chịu khi cứ phải sống với cái vỏ hạnh phúc nhưng thực tế lại rất nhiều áp lực, khiến tâm lý bất an và bi quan với cuộc hôn nhân này.

Khi yêu người ta thường thiên về cảm xúc lãng mạn, dễ ảo tưởng về hôn nhân nên cũng dễ “vỡ mộng” khi vấp vào những vấn đề thực tế lúc sống chung. Có 3 cái “thiếu” quan trọng khiến các đôi mới cưới dễ chán nhau và nảy sinh mâu thuẫn khó giải quyết: Thứ nhất, “vốn” kiến thức giới tính, tâm lý, những khác biệt giữa hai giới... Nếu không hiểu sẽ dễ xung đột và khó hòa hợp. Thứ hai là thiếu kỹ năng sống chung, đó là kỹ năng nhường nhịn, lắng nghe, bày tỏ, kể cả kỹ năng cãi nhau... Có những bạn rất giỏi kỹ năng thuyết trình, đàm phán trong công việc... nhưng lại áp dụng sai trong cuộc sống gia đình. Họ không hiểu khi vợ chồng cãi nhau dù ai thắng thì cũng đều trở thành thua... Nếu chỉ khăng khăng giữ ý mình, chỉ trích người khác thì chỉ làm tình cảm sứt mẻ, gây tổn thương cho nhau. Thứ ba chính là tài chính. Khi kết hôn, hai người trẻ thường mới gây dựng sự nghiệp, kinh tế còn khó khăn hoặc một số quen dựa vào ba mẹ... dẫn đến những thất vọng, chán nản khi đối mặt với sự thiếu thốn lúc có gia đình riêng.

“Chìa khóa” cho hôn nhân hạnh phúc ở chỗ mỗi người phải biết tôn trọng sự khác biệt. Điều này còn đúng với nhiều mối quan hệ khác. Trên đời không ai giống ai, nếu luôn cho mình là đúng và phủ nhận những cái không giống bản thân thì khó thiết lập được mối quan hệ hòa hợp, bền vững. Hai người đến từ hai gia đình, hoàn cảnh, cách giáo dục, nếp sống... khác nhau nên để dung hòa chỉ có thể mỗi người phải biết chấp nhận cái khác đó.

Nếu vợ chồng không có tiếng nói chung thường dễ xảy ra xung đột, rạn nứt, thậm chí ly hôn. Ngược lại, biết nhường nhịn, tha thứ cho nhau sẽ giúp vợ chồng gắn kết. Theo những gì tâm sự thì chuyện của em chưa đến mức phải ly hôn. Em nên lựa thời điểm hai vợ chồng gần gũi ngọt ngào bên nhau để bộc lộ tâm tư, cùng góp ý, lắng nghe và trao đổi để tăng thêm sự gắn bó, hiểu nhau hơn. Mặt khác, hãy tạo cho nhau không gian thư giãn bên ngoài, điều đó sẽ giúp cả hai cảm thấy yêu thương nhau hơn. Cũng nên nhìn những cuộc hôn nhân xung quanh để rút kinh nghiệm cho mình.

Ngọc Mai

  • Từ khóa
107909

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu