Thứ 6, 10/05/2024 00:39:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:21, 26/05/2018 GMT+7

Hạnh phúc giản đơn

Thứ 7, 26/05/2018 | 15:21:00 234 lượt xem
BP - “Ối ông ơi! Thằng Hiến chạy đi đâu rồi, con lạc rồi ông ơi”, bà Nhâm vừa gọi chồng vừa chạy ra cổng. Ông Hiên nghe lời vợ kêu như muốn ngất lịm cũng chân ướt chân ráo từ sau vườn chạy theo ra cổng. Đi tìm mọi ngóc ngách đến 3 giờ sáng vợ chồng ông gặp nhau tại bãi rác thị xã nhưng vẫn không thấy anh Hiến. Bà Nhâm đi sau ông lếch thếch về nhà, bóng dài phủ lên nhau hòa vào bóng đêm.

5 giờ sáng, bà đang nấu cơm, ông Hiên đã dậy cho heo ăn. Cả ông và bà đều rệu rã. Bỗng trên loa phát thanh của phường, cái giọng quen thuộc của cô Lan Di có dáng người nghiêng hẳn sang một bên do di chứng chất độc da cam/đioxin, rành rọt từng chữ: Hồi 23 giờ đêm qua, trên đường đi tuần tra an ninh về, chiến sĩ Trần Quân đã gặp và dẫn về nhà một người đàn ông nghi bị tâm thần, khoảng 40 tuổi, mặc áo thun màu xanh nước biển, quần cộc màu nâu, đi dép tổ ong trắng và có thói quen đan chặt hai ngón tay cái vào nhau”. Nghe chưa hết lời, bà Nhâm chạy ngay ra chuồng heo tìm ông, đúng lúc ông chạy vào. Hai người không nói không rằng vội dắt xe ra cổng.

Anh Hiến ngồi vô thần trong góc phòng nhà người lạ, trên tay ôm chặt chén cơm có nửa con cá biển kho và mấy miếng thịt ba rọi luộc đã được chấm mắm. Nhìn thấy mẹ, anh òa khóc “mẹ... mẹ”, tay thả chén cơm ôm chặt lấy bà. Bà Nhâm vỗ về con, nước mắt chảy giàn trên mặt. Anh chủ nhà vội nói: “Cháu không biết anh thích ăn gì nên đành cho anh ăn cả cá và thịt. Anh không cho cháu lại gần, cháu cũng không dám ép”. Nghe vậy, bà liền đáp: “Cảm ơn cháu, không sao, con bác ăn gì cũng được... chỉ là thức ăn phải được cắt nhỏ. Cháu không biết, để như vậy anh chưa biết cắn hay dứt ra nên chưa thể ăn”.

Cuối tháng 4, điều vào cuối vụ. Bà chỉ muốn ở nhà với con nhưng đã 3-4 ngày chưa thu, sợ bị thu trộm nên bà theo ông vào rẫy. Đến trưa, bưng chén cơm ngồi ăn dưới tán điều, bà khóc vì thương con ở nhà một mình, rồi “không biết 2 đứa cháu đã đi học về chưa, lấy cơm cho bác ăn chưa. Con ăn có bị rơi rớt quá nhiều không...” Nghĩ đến đây bà lùa vội chén cơm rồi lại tiếp tục công việc để mau về với con. Và hạnh phúc của cựu thanh niên xung phong Trần Thị Nhâm chỉ đơn giản là được dành trọn cuộc đời vì người con không may mang di chứng của chất độc da cam/đioxin.

Cẩm Thơ

  • Từ khóa
107901

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu