Thứ 5, 09/05/2024 12:00:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:07, 26/05/2018 GMT+7

Biết quan tâm sẽ xua tan cảm giác cô đơn của mẹ

Thứ 7, 26/05/2018 | 15:07:00 253 lượt xem

Chị Ngọc Mai thân mến!

BP - Em rất khâm phục sự hy sinh, tần tảo của mẹ chồng. Bởi vì chồng chết từ khi bà mới 28 tuổi mà không đi bước nữa, chấp nhận ở vậy nuôi con. Bà đã dồn hết tình yêu thương cho con là chồng em hiện nay. Bà không quản khó khăn vất vả miễn chồng em được ăn học đầy đủ và có công việc ổn định như hiện nay. Chính vì thế mà em đã phân vân rất nhiều khi yêu và về làm dâu nhà anh. Em yêu chồng và rất hiểu, thông cảm với mẹ chồng nên cũng chuẩn bị tâm lý để về làm “người một nhà”. Vậy mà giờ em rất buồn, không thể chịu nổi tính xét nét, hay để ý của mẹ chồng.

Lấy nhau về, vợ chồng trẻ quấn quýt một chút là bà cau có, ủ dột. Bà luôn kiếm chuyện chửi chó, mắng mèo và rầy la chồng em những điều rất vô lý. Chúng em luôn quan tâm chăm sóc mẹ chồng nhưng chỉ cần hơi khác ý bà một chút là bà cũng hậm hực. Nhiều hôm chào bà không thèm trả lời làm không khí trong gia đình rất nặng nề, em thấy áp lực, bức xúc quá chị ạ!

 Khi em có bầu, hay nghén nên mẹ chồng thường quan tâm, tìm các loại thức ăn tốt cho người mang thai ăn, chống ói. Nhưng nếu chồng em quan tâm em thì bà lại khó chịu, ghẻ lạnh. Nhìn cảnh đó em thấy mệt mỏi, chán nản. Chẳng lẽ em lại không thể có tình yêu thương cùng một lúc của hai người và cũng không thể cùng quan tâm tới hai người mình yêu thương trong một mái nhà? Khi có con, chúng em lo toan mà bớt quan tâm tới mẹ chồng thì sẽ ra sao?

Xuân Thu (Bình Long)

***

Xuân Thu thân mến!

Đến tuổi già, mọi người đều có quá trình biến đổi tâm lý sâu sắc. Tuy nhiên, mức độ biểu hiện ra ngoài tùy vào trình độ học vấn, kinh tế, tùy giới, hoàn cảnh sống, cách kiềm chế cảm xúc... mà diễn biến khác nhau. Trong hoàn cảnh riêng của mình, em phải nên quan tâm, tìm hiểu tâm lý người già, nhất là người phụ nữ đã hy sinh một đời cho đứa con trai duy nhất của mình để có cách cân bằng cuộc sống phù hợp.

Ở người già thường mang tâm lý cô đơn. Khi trẻ thì được giao tiếp nhiều nhưng về già thường chỉ quanh quẩn trong “bốn bức tường” khiến tâm trạng càng trống trải, hay suy nghĩ, cảm thấy bị bỏ rơi. Gặp trường hợp con cái không quan tâm lại càng khiến người già thấy lạnh lẽo. Vì vậy, nếu được con cháu hiếu thuận, hàng xóm qua lại, được giúp đỡ lẫn nhau thì người già sẽ thấy vui vẻ, có ích mà từ đó sẽ ít biểu lộ sự cô đơn. Cũng vì thế, người già hay hoài niệm quá khứ, để gây lại sự chú ý của mọi người tới mình thì người già thường nói nhiều, thậm chí tìm cách gây khó khăn cho con cái, tạo xung đột trong gia đình để buộc chúng phải “để mắt” tới mình. Biểu hiện đó đã khiến vợ chồng em có ấn tượng “cây già nhiều rễ, người già nhiều lời” đó thôi.

Ngoài ra, khi chưa có em xuất hiện, bao nhiêu tình yêu thương, quan tâm chỉ có mẹ con họ dành cho nhau. Nay em về làm xáo trộn nhiều. Bà mang tâm trạng em đã “lấy” anh ấy ra khỏi vòng tay bà, làm bà hụt hẫng như mất đi một thứ quý giá mà đang nắm giữ. Nếu các em không khéo léo sẽ làm bà phiền muộn, bi quan, suy sụp.

Các em có không gian riêng và cả không gian bên ngoài, theo chị, hai vợ chồng thống nhất không quan tâm đến nhau trước mặt mẹ chồng mà chỉ cùng chăm sóc bà thôi. Một người mẹ suốt đời dồn hết cho con trai, em đừng tạo cho bà cảm giác bị mất con mà em hãy cho bà nhận thấy, bà có thêm một người con gái cùng cháu nội sum vầy. Em cũng có thể dành sự quan tâm nho nhỏ như mua cho bà chiếc áo mới vào dịp lễ, hay chiếc khăn khi trời chuyển mùa... và hướng bà tới những hoạt động xã hội ở phường, xã... dành cho người già sẽ giúp bà lạc quan, yêu đời hơn.

Ngọc Mai

  • Từ khóa
107900

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu