Thứ 2, 20/05/2024 05:40:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 17:01, 11/08/2014 GMT+7

Đường về…

Thứ 2, 11/08/2014 | 17:01:00 508 lượt xem
BPO - Mấy hôm nay chị không ra khỏi nhà, chỉ đóng cửa xem phim một mình trong bóng tối. Nhà vắng vẻ đến mức nếu tắt ti vi là có thể nghe thấy tiếng mọt đang đục trên giá sách.

Như thể chúng muốn xóa hết những dấu tay của chồng con chị từng chạm vào gáy sách. Ngày nào chị cũng tìm cách xua đuổi chúng, nhưng chúng chẳng những không sợ mà còn như đang chế nhạo sự đơn độc của chị. Chúng đang muốn hỏi chồng con chị đâu, sao lâu không thấy về? Chị ở mãi một mình sao không thấy chán?

Chán chứ, nhưng chị còn biết làm gì hơn ngoài chờ đợi? Chồng chị công tác ở Hải Phòng, đã nhiều lần chị nói anh xin về gần nhà, nhưng nghề kỹ sư hàng hải của anh chuyển công tác đâu dễ. Chị một mình ở lại Hà Nội chăm sóc bố mẹ chồng và nuôi nấng các con, làm hậu phương vững chắc cho anh, thật chẳng đơn giản chút nào.

Hơn 20 năm làm tròn bổn phận, bố mẹ chồng giờ đã khuất núi, con cái đã lớn khôn, chị mới có thời gian ngồi xót thương phận mình. Hải Phòng và Hà Nội đâu có bao xa, vài tiếng ngồi ô tô là anh có thể về nhà, vậy mà một năm nhiều lắm anh chỉ về được đôi ba bận. Lúc nào anh cũng bảo công việc nhiều quá, không thoát ra được. Hết chồng rồi đến con đi xa, đứa kêu bận học, đứa bảo bận làm, thành ra chị cứ vò võ ngóng trông. Như những cuốn sách nằm thiêm thiếp một giấc ngủ dài, thoảng mùi ẩm mốc. Những mùa vui đã xa quá thành xưa…

Có tuổi rồi, chị đâm ra hay nghĩ quẩn. Thấy anh không điện về, chị nghĩ anh có nhiều mối quan tâm khác, nên vợ con chẳng là gì. Đêm nghe gió lùa, chị rơm rớm nước mắt hình dung anh đang chăn ấm đệm êm cùng ai đó. Thấy nhà bên vọng tiếng cải lương da diết khúc chia ly, chị cũng rưng rức như bị phụ tình. Ngày lễ anh bận không về, chị ở nhà thui thủi một mình, không dám ra đường, sợ người ta hỏi han chuyện chồng con. Đối diện nhà chị có quán cà phê nửa sáng nửa tối. Tầng một trẻ trung ầm ĩ, tầng hai, tầng ba toàn những đôi tình nhân công sở, tranh thủ giờ nghỉ trưa đến ôm ấp nhau. Chị nghĩ chồng mình chắc cũng vậy thôi, xa vợ suốt năm dài tháng rộng, làm sao tránh khỏi chuyện bồ bịch. Mà biết đâu anh lại có cả vợ bé, con thơ và những bữa cơm đầm ấm ở vùng đất ấy. Không biết bao nhiêu ý nghĩ dày vò chị mỗi ngày đến héo hon. Chị sống trong sự giằng co của nhiều trạng thái cảm xúc. Lúc mong ngóng, khi lại bất cần. Hạnh phúc và hờn giận. Tin tưởng và hoài nghi. Có hôm, chị ngồi cả buổi chỉ chờ một cuộc điện thoại, nhưng đến lúc anh gọi, chị lại dằn dỗi nói những câu khó nghe. Thành ra lâu lắm rồi anh chị chẳng tâm sự, chia sẻ được với nhau điều gì. Ngày xưa con cái còn nhỏ, chúng kéo bố mẹ lại gần nhau bằng những mối quan tâm chung. Bao nhiêu giận hờn chỉ cần nghe tiếng con cười là quên. Có lỡ chấp nhặt nhau điều gì cũng tự nhủ “chín bỏ làm mười” để cơm lành canh ngọt (dù chẳng mấy khi anh về để cả nhà được quây quần đông đủ bên mâm cơm chị nấu).

Hôm qua chị tình cờ xem phim Đường về nhà của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Xem xong chị cứ ngồi im trong bóng tối mà khóc. Chị gặp lại mình của những năm tháng thanh xuân nồng nhiệt trong hình ảnh cô thiếu nữ tên Di. Chị cảm mến anh ngay từ lần đầu gặp mặt. Khi ấy chị còn làm trong ngành y tế, trong một chuyến công tác về khám chữa bệnh miễn phí cho ngư dân, chị đã gặp anh. Nhìn làn da cháy nắng, những giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo và nụ cười ngượng nghịu của anh, chị bỗng thấy gần gũi, thân thuộc. Suốt bao nhiêu năm, chị kiên trì, nhẫn nại chăm chút cho tình yêu của mình, dù khoảng cách xa xôi hơn bây giờ nhiều. Hồi ấy, anh hay theo tàu viễn dương nay đây mai đó. Không có phương tiện liên lạc với nhau, có khi anh đi sáu tháng, cả năm mới về. Vậy mà chị không nản lòng, họ vẫn thương yêu và cùng nhau vượt mọi khó khăn, chờ đến khi anh xin về đất liền làm ổn định. Tuy mỗi người một thành phố, nhưng sợi dây gắn kết yêu thương đã nối gần khoảng cách. Chị thức thâu đêm cố đan cho xong chiếc khăn để gửi anh trước mùa gió lạnh. Họ ngồi viết cho nhau những lá thư chứa chan nhớ nhung, cùng chia sẻ và chăm chút cho đời sống của nhau.

Mỗi lần anh về Hà Nội, chị cũng giống nhân vật Di, đứng chờ anh ngoài bến xe từ sớm. Hồi ấy, cũng vì yêu anh và tự hào về công việc của anh nên khi lấy nhau chị tự nguyện chịu thiệt thòi vất vả, xin nghỉ làm để ở nhà mở quán bán hàng, vừa lo kinh tế, vừa chu toàn phận làm vợ, làm dâu, làm mẹ để anh yên tâm công tác…

Hôm nay là ngày nghỉ, đứa con gái cả du học bên Nhật chắc tranh thủ đi làm thêm. Thằng út học trong Sài Gòn thì ngày nghỉ nào cũng tham gia câu lạc bộ kinh doanh của hội sinh viên. Thằng bé rất giống anh, sống say mê và không ngại khó. Tuổi trẻ bận bịu với những đam mê, càng đi xa càng thích, thành ra không có thời gian dành cho mẹ. Hồi các con mới đi xa, anh cứ giục chị chuyển đến Hải Phòng sống với anh vài năm cho đỡ buồn. Chờ đến lúc anh nghỉ hưu cả hai cùng sẽ về Hà Nội sống yên ổn tuổi già. Nhưng chị nói muốn ở lại coi sóc cửa nhà, khói hương nguội lạnh những ngày rằm, mùng Một cũng thấy có lỗi với ông bà, tổ tiên. Các con đi cũng được gần hai năm. Đứa lớn về thăm nhà một lần dịp hè năm ngoái. Thằng út thì chỉ về nhà khi chị kêu đau ốm.

Sáng nay, tự nhiên chị thấy bất an. Gọi cho các con, chị thấy mừng vì đứa nào cũng ổn. Đến lúc bấm máy gọi anh thì chuông đổ dài mà không người nghe, khiến lòng dạ chị nóng như lửa đốt. Nửa tiếng sau, đồng nghiệp anh gọi, báo anh bị tai nạn, đang nằm cấp cứu trong bệnh viện. Không kịp chuẩn bị gì, chị hấp tấp bắt taxi ra bến xe. Suốt chặng đường, chị tự hỏi đã bao lâu rồi mình mới đi qua con đường này? Chắc cũng ngót nghét 20 năm, kể từ khi mang bầu đứa lớn. Từng ấy năm chị không tới thăm anh lấy một lần, không biết cuộc sống hàng ngày, rồi nơi ăn chốn ở của anh ra sao, càng không hiểu được những khó khăn trong công việc của anh. Ba tiếng ngồi xe thực ra cũng không gần như chị từng nghĩ. Nếu như lòng người nguội lạnh sẽ càng thấy xa xôi. Giờ này, không biết sức khỏe anh thế nào? Lúc đau đớn, không biết chị và mái nhà có đủ ấm áp để anh nghĩ đến không? Khẽ gạt những giọt nước mắt, chị nhủ thầm nhất định là anh sẽ ổn. Chị đón anh về nhà nghỉ ngơi. Có hai người thì đường về nhà chắc sẽ ngắn lại thôi. Giống như lần chị đón anh về Hà Nội làm đám cưới…

Nguồn PNO

  • Từ khóa
107510

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu