Thứ 2, 20/05/2024 09:38:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:52, 26/02/2014 GMT+7

Không có ngày mai

Thứ 4, 26/02/2014 | 15:52:00 212 lượt xem

Chồng tôi là tài xế đường dài. Không như định kiến của nhiều người về cái nghề ấy, anh sống đàng hoàng, coi trọng gia đình. Anh bảo, ráng vài năm nữa, gom được một ít vốn sẽ ở nhà hẳn, mở cửa hàng buôn bán bên cạnh vợ con.

Tôi làm nhân viên văn phòng, thu nhập tàm tạm, hài lòng với cuộc sống êm ả của mình. Chúng tôi đã có một đứa con lên bốn. Những dịp về nhà, anh luôn dành hết thời gian và tâm trí cho vợ con. Anh chơi đùa với con, chăm chút nhà cửa và nồng nhiệt, gần gũi vợ. Sở hữu vẻ bề ngoài dễ coi, lại hiền lành chăm chỉ, chắc hẳn anh cũng lọt vào tầm ngắm của nhiều cô gái dọc đường. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi nghi ngờ hay xét nét chồng.

Sau một chuyến đi dài ngày hơn dự kiến, anh về nhà với thái độ hơi khác… Bằng linh cảm của một người vợ, tôi nhanh chóng nhận ra chồng chỉ dám ẵm bồng con, chứ không hôn hít, âu yếm như thường lệ. Kinh khủng hơn, anh bảo rằng dạo này hơi mệt, sức khỏe kém, để lảng tránh chuyện gối chăn, một việc mà từ ngày cưới nhau đến giờ, anh luôn chủ động vồ vập.

Tôi buồn khổ và giận dữ hỏi rõ. Anh sau nhiều lần lòng vòng thề thốt, đã đau đớn quỳ dưới chân tôi, thú nhận. Anh bị vướng căn bệnh thế kỷ, do một lần lầm lỡ mà gây nên hệ lụy, có ân hận thì cũng đã muộn.

Tôi như rơi vào ác mộng. Từ nào giờ tôi cứ nghĩ, những chuyện khủng khiếp đó làm sao liên quan đến chúng tôi được. Những ngày đó, tôi tưởng như đất trời vừa sập xuống. Thế nhưng, tôi đã gắng gượng cùng con đi xét nghiệm. May mắn thay, mẹ con tôi chưa bị lây nhiễm. Anh mừng đến mức khóc òa ngay tại bệnh viện. Giây phút đó, tôi bỗng thấy mình như hết căm giận chồng, chỉ có nỗi xót thương ngập tràn.

Thế nhưng, từ hôm ấy, mọi bi kịch như thể mới bắt đầu. Để chữa trị cho chồng, chúng tôi phải chuyển nhà đi nơi khác, tránh để thiên hạ dòm ngó, đồn thổi. Kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn vì phải thuốc thang, xoay xở. Anh hụt hẫng, chán nản, nên chẳng còn tha thiết làm việc. Những lúc buồn phiền, anh lại mượn rượu làm vui. Rượu vào lời ra, anh đay nghiến, chửi đời, nguyền rủa ông trời bất công, độc ác. Đáng sợ hơn, anh hằn học như thể việc hai mẹ con tôi thoát nạn là lỗi của chúng tôi. Thấy tôi vẫn im lặng chăm sóc chồng, anh nặng nhẹ cho rằng, tôi đạo đức giả, chứ thâm tâm tôi chỉ muốn anh mau chết để cho thoát nợ, lấy chồng khác… Tỉnh lại, anh xin lỗi, nhưng hôm sau vẫn thế.

Sự dồn nén về tâm sinh lý thật khủng khiếp. Một người đàn ông khỏe mạnh, sống bên cạnh vợ con, nín nhịn chuyện ái ân, quả là khổ sở vô cùng. Chúng tôi còn rất trẻ, những năm tháng mặn nồng như còn mới nguyên, giờ lặng lẽ bên nhau, quả là không phải dễ dàng gì. Tôi chông chênh, đơn độc bên cạnh người chồng lúc nào cũng cho rằng mình đang chờ chết, chẳng còn hy vọng gì ở phía trước. Mọi động viên, an ủi của tôi đều vô ích. Những nỗ lực của tôi để anh lạc quan vui sống, chống chọi với căn bệnh hầu như chẳng mang lại chút kết quả nào. Không ít lần anh ghì chặt lấy tôi, mắt long lên vì đau khổ chịu đựng, những lời miệt thị cay nghiệt như bị ma quỷ xúi giục, cứ tuôn ra không ngớt.

Căn bệnh chưa kịp giết chết anh, nhưng nó đã giết hết cả hạnh phúc, tương lai của một gia đình…

Nguồn PNO

  • Từ khóa
107414

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu