Thứ 5, 09/05/2024 16:33:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhịp cầu nhân ái 10:47, 15/06/2023 GMT+7

Chắp cánh ước mơ cho trẻ mồ côi

Thanh Tuyền - Văn Hùng
Thứ 5, 15/06/2023 | 10:47:04 1,808 lượt xem
BPO - Cuộc sống trọn vẹn khi chúng ta có đầy đủ cha mẹ, được yêu thương, chăm sóc. Tuy nhiên, có những đứa trẻ lớn lên không biết mặt cha mẹ, sống côi cút, bơ vơ trong cảnh mồ côi. Và ở huyện biên giới Lộc Ninh, có hàng chục trẻ không biết mặt mẹ cha hoặc vừa kịp nhớ gương mặt đấng sinh thành thì đã mãi mãi chỉ còn là ký ức...

SỐNG CÙNG ÔNG BÀ

Cậu bé Nguyễn Phạm Thế Lộc, học sinh lớp lá 1, Trường mẫu giáo Lộc Quang, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh sinh ra trong gia đình có 2 anh em. Là anh lớn nhưng Lộc chỉ mới 5 tuổi. Sau thời gian đến trường, Lộc chỉ biết quấn quýt bên em gái Nguyễn Phạm Thu Thảo mới hơn 3 tuổi.

Khi Lộc mới 2 tuổi rưỡi, còn Thảo được 2 tháng 5 ngày tuổi, mẹ các em bị đột quỵ đã trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà trọ tại Đồng Nai. 2 đứa bé khóc thét vì đói không ai lo. Đến khi người cha trở về nhìn thấy cảnh tượng ấy chỉ còn biết nghẹn ngào xót xa.

3 năm qua, anh em Nguyễn Phạm Thế Lộc sống trong sự bao bọc của ông bà nội đã già yếu

Sau sự ra đi đột ngột của mẹ, 2 đứa trẻ được cha đưa về sống cùng ông bà nội Nguyễn Thị Hương tại ấp Tam Nguyên, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh. Cách đây mấy tháng, sau vụ tai nạn ngã xe, người cha cũng đã bỏ 2 anh em Lộc, Thảo ra đi mãi mãi. Ở độ tuổi đang cần sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ nhất thì 2 em lại phải chịu mất mát quá lớn này. Các em còn quá nhỏ không thể cảm nhận hết sự mất mát người thân, nên khi hỏi về cha mẹ, 2 em chẳng thể nhớ mặt, chỉ biết nhìn vào tấm hình rồi thỏ thẻ: “Con nhớ lắm!”.

Gia cảnh ông bà cũng nghèo, thường xuyên đau ốm, nay có thêm cháu nhỏ, biết lấy gì lo toan. Trong căn nhà cũ, ông bà và 2 cháu nội chỉ biết nương tựa, chăm lo cho nhau. Gia cảnh nghèo khó nhưng khi nhiều người đến xin cháu làm con nuôi, ông bà nhất quyết không đồng ý. Để có tiền trang trải cuộc sống, hằng ngày ông bà nuôi thêm mấy con dê, heo để có thời gian chăm sóc các cháu. 

Thuộc hộ cận nghèo, Lộc, Thảo chỉ có vài bộ quần áo để thay đổi. Những bộ quần áo 2 em mặc thường là của bà con lối xóm, các nhà hảo tâm quyên tặng. Đến bữa cơm quen thuộc mỗi ngày cũng chỉ có rau luộc với đậu phụ nhưng 2 em lại ăn uống ngon lành.

3 năm trôi qua, 2 anh em Lộc sống nhờ sự bao bọc của ông bà nội. Hiện ông bà đã 70 tuổi - ở tuổi như chiếc lá vàng có thể rụng xuống bất cứ khi nào. Bà Hương nghẹn ngào: “Tôi chỉ mong có sức khỏe để lo cho các cháu. Vợ chồng tôi mất thì các cháu biết dựa vào ai...”.

Hiện cuộc sống của ông bà và 2 em hết sức khó khăn khi mọi sinh hoạt, chi tiêu chỉ gói gọn trong hơn 1 triệu đồng từ tiền trợ cấp. Chính quyền địa phương, họ hàng tuy có hỗ trợ đôi chút nhưng tương lai của các em chẳng ai dám hứa hẹn điều gì…

Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Quang Lê Thị Hương cho biết: “Hoàn cảnh gia đình 2 cháu Lộc, Thảo rất khó khăn. Ông bà già yếu, hết tuổi lao động nên không có khả năng làm ra tiền để chi tiêu cuộc sống. Chính quyền cũng đã quan tâm đưa vào hộ cận nghèo để ông bà có thẻ bảo hiểm y tế và các cháu được hỗ trợ chính sách xã hội. Mong thời gian tới, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm hơn nữa để các cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

CHỈ BIẾT CÓ MẸ

Rời gia đình 2 em Lộc, Thảo, chúng tôi ghé thăm một hoàn cảnh “chỉ biết có mẹ” từ khi lọt lòng là em Lâm Thị Ngọc Huyền, dân tộc Khmer ở ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh. Hơn 10 năm qua, mỗi ngày mẹ của Huyền là chị Thị Khất phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con ăn học.

Căn nhà gỗ rộng vài chục mét vuông tạm bợ, phải quây thêm mấy tấm bạt để che chắn, được dựng bên bờ tường nhà người dì là nơi trú ngụ của mẹ con Huyền bao năm nay. Trong nhà không có gì đáng giá, ngoài 2 chiếc giường, vài ba cái xoong, chảo, mấy cái bát, đũa… để nấu ăn hằng ngày. 14 năm qua, Huyền chỉ quen với hình ảnh 2 mẹ con sớm tối bên nhau. “Đối với con, cuộc sống mỗi ngày bên mẹ là hạnh phúc. Nếu không có mẹ, con sẽ mất đi chỗ dựa to lớn” - Huyền chia sẻ.

Năm học nào em Lâm Thị Ngọc Huyền cũng được nhận giấy khen, là đại diện trường dự thi giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh dân tộc thiểu số

Hiện nay, Huyền là học sinh lớp 8 của Trường THCS Lộc Quang. Dù không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa nhưng Huyền rất thương mẹ và luôn cố gắng, nỗ lực hết mình trong cuộc sống cũng như học tập. Hằng ngày, Huyền tự đi xe đạp đến trường. Em luôn phấn đấu học giỏi tất cả các môn, đặc biệt là môn năng khiếu. Năm học nào em cũng được nhận giấy khen, được đại diện trường dự thi giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh dân tộc thiểu số. Ngoài giờ lên lớp, Huyền còn phụ mẹ việc nhà, có khi vào rừng tìm măng, hái rau dại để cải thiện bữa ăn.

Thế nhưng sự nghiệt ngã của số phận một lần nữa ập đến với em. Mẹ Huyền phát hiện bị ung thư buồng trứng và đã làm hóa trị 6 lần. Nhớ về hình ảnh mẹ lúc khỏe khoắn, nay suy kiệt vì căn bệnh quái ác, Huyền khóc nghẹn xót xa. Lau vội giọt nước mắt lăn dài trên má, Huyền nói: Em ước mơ được học đại học, sau này có công việc ổn định để phụng dưỡng mẹ. Hiện bệnh mẹ khó qua khỏi, nhà nghèo nên em muốn nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền lo cho mẹ.

Hay tin hoàn cảnh gia đình Huyền, nhà trường, bà con lối xóm đã nhiều lần đến động viên, chia sẻ và giúp đỡ. Cô Lê Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết, Huyền không chỉ học giỏi, chăm ngoan mà còn tích cực tham gia sôi nổi các hoạt động của trường. Tập thể Ban Giám hiệu Trường THCS Lộc Quang dành sự quan tâm đặc biệt để em tiếp tục được đến trường.

Hy vọng với sự chung tay của các mạnh thường quân, cộng đồng xã hội, gia đình Huyền sẽ được hỗ trợ nhiều hơn và em được viết tiếp ước mơ, hướng đến tương lai tươi sáng…

  • Từ khóa
170300

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu