Thứ 5, 09/05/2024 06:42:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhịp cầu nhân ái 16:36, 13/06/2023 GMT+7

Ngậm ngùi trước cánh cửa ước mơ làm cô giáo

Thu Hiền
Thứ 3, 13/06/2023 | 16:36:22 1,952 lượt xem
BPO - Chương trình Chắp cánh ước mơ kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay trao cơ hội đến trường cho em Phạm Thị Yến Chi, lớp 12A3, Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Yến Chi là học sinh giỏi suốt 12 năm. Ước mơ của em là thi đậu vào trường đại học sư phạm, ngành ngôn ngữ Anh. “Bom Bo quê em phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Em muốn trở thành giáo viên để về quê hương dạy học, giúp các em nhỏ đỡ vất vả trên hành trình học ngoại ngữ” - Yến Chi bày tỏ.

Ước mơ cao đẹp là vậy, nhưng khi cánh cửa đại học vừa hé mở cũng là lúc cô học trò nghèo nhận ra ước mơ có thể chỉ là mơ ước. Bởi gia cảnh nhà em vốn nghèo, nay lại chất chồng nợ nần theo bệnh tật của ba.

Gia đình em Phạm Thị Yến Chi sinh sống trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp tại thôn 5, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng

Nghe con gái bày tỏ, anh Phạm Văn Duy (SN 1982) càng thêm chua xót. Trước đây, anh là lao động chính trong gia đình, hết làm vườn rẫy lại đi phụ hồ thuê. Anh còn là tổ trưởng tổ an ninh của thôn suốt 12 năm. Tai ương ập xuống 4 năm trước. Từ những cơn đau tê dại đôi chân, lần lữa mãi anh mới dám đi khám. Kết quả chẩn đoán anh bị thoái hóa khớp háng và thoái hóa chỏm xương đùi; chi phí mổ lên tới 200 triệu đồng. Vì không có tiền nên anh đành trở về nhà, uống thuốc nam cầm cự cơn đau. Đôi chân cũng vì thế ngày càng teo nhỏ, anh không thể tự đi đứng được. Anh Duy cho biết, nhiều đêm không chợp mắt nổi, bất lực trước số phận.

Ngoài giờ lên lớp, Yến Chi luôn bận rộn với công việc phụ giúp gia đình và đi tìm việc làm thuê để trang trải chi phí học tập cho 2 chị em

Gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai gầy của chị Hoàng Thị Ánh Thuận (SN 1985) - vợ anh Duy. Không từ bất kỳ công việc gì, hết mùa điều lại đến mùa mì, mùa bắp và cả đi phụ hồ. Thế nhưng ở miền quê nghèo nên công việc bấp bênh. Bữa ăn gia đình cũng vì thế thiếu thốn. “Nhà có 3 sào đất cằn cỗi, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên chắc chẳng có ai cầm cố hoặc nhận thế chấp cho vay để trang trải cuộc sống và điều trị bệnh cho chồng” - chị Thuận buồn bã nói.

Trước áp lực kinh tế khó khăn, tranh thủ ngày hè, ngày lễ hay những giờ không lên lớp, Yến Chi đều tìm việc làm thêm để tự trang trải chi phí học tập cho mình và em trai đang học lớp 7. “Học THPT, em còn tạm thời xoay xở được, lên đại học chi phí cao quá. Có những lúc em cảm thấy mệt nhoài và đuối sức, mong có ai đó giúp em có cơ hội để tiếp tục đến trường” - Yến Chi bật khóc.

Yến Chi không chỉ chăm ngoan, học giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động ở lớp, giúp đỡ các bạn học yếu hơn. Nay chứng kiến cảnh học sinh của mình phải từ bỏ ước mơ giữa chừng vì cái nghèo, chúng tôi ai cũng xót xa. Tôi đã hướng dẫn em viết đơn và gửi đến chương trình Chắp cánh ước mơ. Đây là niềm hy vọng giúp em tiếp tục được đến trường, thắp lên một tương lai tươi sáng.

Thầy PHẠM PHÚ HOÀNH, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh


Mọi đóng góp xin gửi về địa chỉ: Chương trình Chắp cánh ước mơ, Phòng Bạn đọc - Tư liệu - Công tác xã hội, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV). Tài khoản tiếp nhận: 100004420423, Nguyễn Thị Thu Hiền, VietinBank chi nhánh Bình Phước. Nội dung chuyển khoản vui lòng ghi rõ: Ủng hộ chắp cánh ước mơ cho em Phạm Thị Yến Chi.

  • Từ khóa
170207

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu