Thứ 4, 08/05/2024 13:10:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:39, 10/10/2020 GMT+7

Khát vọng Bom Bo - Bài cuối

Thanh Liêm - Văn Đoàn
Thứ 7, 10/10/2020 | 08:39:00 1,910 lượt xem

VỀ BOM BO NHỚ CƠM LAM, RƯỢU CẦN

>> Bài 1: Tiếng chày huyền thoại

BPO - Đến sóc Bom Bo hôm nay, du khách sẽ có dịp nghe già làng kể chuyện, thưởng thức các điệu múa, tiếng cồng, chiêng của người S’tiêng bên ánh lửa bập bùng. Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức cơm lam, rượu cần, canh thụt, canh bồi, lá nhíp xào đọt mây rừng… do chính người dân bản địa S’tiêng chế biến.

Khát vọng vươn lên

Oai hùng trong cuộc chiến giải phóng dân tộc, thời bình nhân dân Bom Bo cần cù lao động, chí thú làm ăn với khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Anh Điểu Té, 32 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Bom Bo. Hộ anh là một trong những gia đình trẻ tiêu biểu có kinh tế khá tại đây. Năm 2017, gia đình anh Điểu Té làm đơn đề nghị và được cấp 1 căn nhà trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Ngoài cơ ngơi hơn 1,8 ha vườn gồm cao su, điều, cà phê trồng xen, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, vợ chồng anh Điểu Té còn tham gia làng nghề ẩm thực phục vụ du khách để tăng thu nhập. “Cách nay hơn 1 tháng, nhà tôi được hỗ trợ 300 con gà ri giống để nuôi lớn bán cho khách tham quan. Sau hơn 1 tháng nuôi, nay mỗi con đã nặng 6-7 lạng, cho ăn đều thì khoảng 1 tháng nữa là có thể bán được” - anh Điểu Té vui vẻ nói.

Tương tự, vợ chồng chị Điểu Thị Xia (33 tuổi), sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bom Bo oai hùng cũng là một trong những “mẫu” gia đình trẻ siêng năng làm ăn, có khát vọng vươn lên và có cuộc sống ổn định trong khu bảo tồn nhờ gắn bó với nghề truyền thống. Là con của già làng Điểu Lên nên ngay từ nhỏ, chị Thị Xia đã được thừa hưởng từ cha mẹ những nghề truyền thống của đồng bào mình. Với hàng chục năm làm nghề, đến nay chị Thị Xia có thể chế biến đủ loại món ăn theo khẩu vị của đồng bào để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, tận dụng thời gian rảnh rỗi, chị Thị Xia còn dệt thổ cẩm, chế biến rượu cần để bán cho du khách ngay tại căn nhà kiên cố được cấp trong khu bảo tồn.

Những phụ nữ S’tiêng ở Bom Bo làm cơm lam phục vụ du khách

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn giúp Bom Bo “thay da đổi thịt”, tỷ lệ hộ nghèo nay còn rất thấp. Đời sống người dân dần ổn định với điều, cao su, cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt không còn tình trạng phá rừng, bắt thú hoang dã. Trẻ em được đến trường đúng độ tuổi.

Hộ ông Điểu Sa Rưn và bà Điểu Thị Brát sinh ra ở Bom Bo, cả 2 nay đã ngoài 60 tuổi. Nhà ông bà cách khu bảo tồn khoảng 500m cũng thuộc diện khá giả ở Bom Bo. Gia đình ông bà có hơn 3 ha vườn trồng điều xen cà phê. “Trước đây, vườn điều trồng giống kém chất lượng, trồng dày nên năng suất thấp lắm, thu nhập không bao nhiêu. Thấy vậy, các cán bộ ở huyện, xã đã nói gia đình thay đổi giống mới và trồng xen thêm cây cà phê. Nhờ được cán bộ hướng dẫn nên cả điều và cà phê đều sai trái” - ông Điểu Sa Rưn nói.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo cho biết: để nâng cao đời sống người dân Bom Bo, huyện đã hỗ trợ heo, gà giống cho 18 hộ, đồng thời hướng dẫn họ kỹ thuật chăm sóc. Cụ thể, 9 hộ được hỗ trợ heo rừng lai (10 con/hộ) và 9 hộ được hỗ trợ gà ri giống (300 hộ/con). Có 20 hộ được cấp nhà, đất trong khu vực lõi của khu bảo tồn. Tiêu chí để được xét vào khu bảo tồn là gia đình trẻ, am hiểu truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc S’tiêng, có nền kinh tế ổn định.

Ðến Bom Bo thưởng thức cơm lam, rượu cần

Tháng 10-2015 (giai đoạn I) dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo khánh thành. Dự án có tổng diện tích hơn 113 ha. Giai đoạn 1, dự án khu bảo tồn khởi công xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư hơn 85 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục như: Nhà dài truyền thống, điểm Trường tiểu học Xuân Hồng, hệ thống đường giao thông, điện, nước, sân lễ hội, nhà đón tiếp, nhà lưu giữ làng nghề truyền thống… Từ khi bàn giao về huyện Bù Đăng quản lý vào đầu năm 2018, huyện đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để nâng cấp, chỉnh trang, tô điểm cho khu bảo tồn thêm hoàn thiện, khang trang. Các công trình, hiện vật đáng chú ý như: Nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà bán hàng lưu niệm, hệ thống nhà vệ sinh; bộ đàn đá kỷ lục Việt Nam nặng 20 tấn; bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam gồm 6 chiêng, 5 cồng có đường kính 2,15m, nặng 600kg. Ngoài ra, còn xây dựng hệ thống mương thoát nước, bờ kè…

“Đến với sóc Bom Bo hôm nay, du khách sẽ có dịp nghe già làng kể chuyện, thưởng thức các điệu múa, cồng chiêng của người S’tiêng bên ánh lửa bập bùng; tham quan làng nghề truyền thống của người S’tiêng như: dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, làm rượu cần… hay mua sắm quà lưu niệm là những chiếc áo thổ cẩm, túi xách… do phụ nữ S’tiêng tự tay thêu dệt, giúp du khách trải nghiệm những giây phút khó quên cho chuyến đi về miền sơn cước. Để được tiếp đón chu đáo, du khách chỉ cần liên hệ đặt trước để được phục vụ. Khu bảo tồn có thể tổ chức tiệc một lúc cho hơn 200 du khách. Năm 2019, khu bảo tồn đón hơn 17.000 lượt khách, riêng dịp tết đón hơn 3.000 lượt” - ông Phạm Anh Tuấn nói.

  • Từ khóa
94758

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu