Thứ 5, 09/05/2024 23:18:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:13, 10/06/2020 GMT+7

“Đôi cánh” cho ngành điều vươn xa - Bài 1

Ngọc Bích
Thứ 4, 10/06/2020 | 06:13:00 883 lượt xem
BPO - Bình Phước là thủ phủ, trung tâm chế biến hạt điều lớn nhất cả nước, với khoảng 1.400 cơ sở, doanh nghiệp chế biến điều. Cây điều nói riêng và ngành điều nói chung trở thành cây công nghiệp chủ lực và ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Bình Phước. Đến nay, “Hạt điều Bình Phước” cũng là chỉ dẫn địa lý nông sản duy nhất trên địa bàn tỉnh được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp văn bằng chỉ dẫn và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, có hiệu lực vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hạt điều Bình Phước cũng được chọn để xây dựng trở thành thương hiệu quốc gia.

GIÁ TRỊ KHÁC BIỆT CỦA HẠT ĐIỀU BÌNH PHƯỚC

Là nông sản duy nhất trên địa bàn tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý, điều này tạo ra giá trị khác biệt cho hạt điều Bình Phước, đồng thời, tiếp thêm sức mạnh cho ngành kinh tế này. Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” được xem như sứ giả mang văn hóa đặc trưng - “Thương hiệu Hạt điều Bình Phước” đến vùng miền khác trong cả nước và trên thế giới.

Hoàn thiện và khẳng định giá trị

Với 134 ngàn ha, chiếm gần 50% diện tích điều của cả nước, Bình Phước trở thành vùng nguyên liệu điều lớn trong cả nước. Giai đoạn 2015-2018, Bình Phước được Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp Cơ quan Phát triển Pháp hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Phạm vi vùng nguyên liệu điều của Bình Phước được xây dựng chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh gồm các xã thuộc huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Phú Riềng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Chơn Thành, Hớn Quản, thành phố Đồng Xoài và thị xã Phước Long.

Đây là nền tảng quan trọng để Bình Phước trở thành thủ phủ sản xuất chế biến điều lớn nhất của cả nước. Bình Phước cũng là nơi sản xuất ra nhiều công nghệ chế biến điều ở giai đoạn thô với các khâu chẻ hạt điều lấy nhân, sấy khô. Lượng xuất khẩu điều nhân hằng năm trên 100 ngàn tấn. Hiện nay, ngành điều Bình Phước đã hoàn thiện với khoảng 1.400 cơ sở, chế biến điều ở dạng chuyên sâu, sản phẩm đa dạng, phong phú, xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Công ty TNHH sản xuất thương mại Phúc An, thị xã Phước Long sử dụng công nghệ dây chuyền đạt chuẩn trong sản xuất chế biến điều

Năm 2019, ngành điều Bình Phước mang về trị giá xuất khẩu đạt 904 triệu USD, với sản lượng xuất khẩu 130 ngàn tấn; nhập khẩu điều thô 652 ngàn tấn, đạt 826 triệu USD. Trong quý 1/2020, giá trị xuất khẩu của ngành điều đạt 185,49 triệu USD với sản lượng 66,22 ngàn tấn; điều thô nhập khẩu 46,45 ngàn tấn, đạt 107,82 triệu USD.

Để đạt các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thiện mình. Có thâm niên hơn 15 năm trong ngành chế biến điều, Công ty TNHH Vinahe ở thị xã Phước Long sản xuất theo quy trình khép kín. Các khâu chăm sóc vùng nguyên liệu đúng quy định của chỉ dẫn địa lý nên từ nguyên liệu đầu vào đến các khâu sản xuất chuyên sâu đều đạt chuẩn. Năm 2019, Công ty TNHH Vinahe được Sở KH&CN cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.

Đẩy mạnh CNTT để đưa hạt điều vươn xa

Để phát huy giá trị của chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, Sở KH&CN chú trọng công tác truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm hạt điều mang chỉ dẫn Bình Phước thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và các công nghệ tiên tiến khác.

Ứng dụng công nghệ kiểm soát không khí trong chế biến hạt điều, Công ty TNHH sản xuất thương mại Phúc An ở thị xã Phước Long đã cho ra sản phẩm đạt chuẩn quốc tế

Việc ứng dụng CNTT trong chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” giúp doanh nghiệp và người dân có ý thức hơn trong sản xuất - kinh doanh. Đồng thời để đảm bảo chất lượng hạt điều Bình Phước, uy tín của doanh nghiệp các bên đã chủ động kiểm tra chéo lẫn nhau. Anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe cho biết: Từ khi được cấp quyền sử dụng địa lý “Hạt điều Bình Phước” và tem điện tử truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, sản xuất, marketing. Đây là hai điều kiện tốt nhất để đơn vị mở rộng thị trường. Ngoài thị trường với cách bán hàng truyền thống là trực tiếp tại các hệ thống siêu thị lớn trên cả nước, xuất khẩu, thì nay đơn vị còn đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Tiki, Amazon... và các kênh truyền hình chuyên bán hàng. Khi có chỉ dẫn địa lý và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các kênh phân phối, bán lẻ, hệ thống siêu thị lớn ưu tiên sản phẩm của mình, đồng thời người tiêu dùng cũng thoải mái check mã để xem nguồn gốc sản phẩm. Từ đây, doanh số sản phẩm bán ra của đơn vị cũng tăng lên, từ 30 ngàn lon tăng lên 40 ngàn lon mỗi năm. Điều này, giúp doanh nghiệp ý thức cao hơn trong quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào từ những nông hộ đã được đơn vị ký kết bao tiêu sản phẩm.

Thời gian qua, Sở KH&CN đã phối hợp Hội điều Bình Phước cấp giấy chứng nhận cho 7 doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Sơn Thành và Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo ở TP. Đồng Xoài; Công ty cổ phần Hà Mỵ và Công ty TNHH MTV SXTM Đức Tài ở huyện Đồng Phú; Công ty Mỹ Lệ TNHH ở huyện Phú Riềng; Công ty TNHH MTV sản xuất Hoàng Phú ở huyện Lộc Ninh; Công ty TNHH Vinahe ở thị xã Phước Long. Hiện nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu được tư vấn lập hồ sơ để chuẩn bị các thủ tục đăng ký.

Tiến sĩ Đặng Hà Giang,
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo, TP. Đồng Xoài cũng tăng doanh số bán hàng. Anh Trần Văn Sơn, Tổng giám đốc công ty cho biết: Có chỉ dẫn địa lý và tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đơn vị đẩy mạnh bán hàng với các kênh thương mại điện tử. Dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công ty vẫn ký kết được hợp đồng với các doanh nghiệp ở thị trường Đài Loan, Nhật Bản; trong nước đã ký kết được hợp đồng với hệ thống Bách hóa xanh trên cả nước. Doanh số bán hàng tăng lên khoảng 30% so với khi chưa có chỉ dẫn địa lý và tem truy xuất hàng hóa.

Tiến sĩ Đặng Hà Giang, Giám đốc Sở KH&CN Bình Phước cho biết: Tận dụng lợi thế thời kỳ công nghệ 4.0, năm 2020, Sở KH&CN đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”; nghiên cứu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ tiên tiến khác để phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm hạt điều mang chỉ dẫn địa lý Bình Phước.

Tiến sĩ Đặng Hà Giang chia sẻ thêm, để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT nhằm phát huy hiệu quả tốt nhất giá trị của chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, Sở KH&CN đã phối hợp VNPT Bình Phước hỗ trợ trên 100 ngàn tem điện tử và cung cấp miễn phí tài khoản truy cập “Hệ thống phần mềm VNPT Check” để quản lý mã tem. Thông qua ứng dụng này, các doanh nghiệp có thể theo dõi và định vị vị trí nghi ngờ có tem giả; quản lý các lô hàng trong quá trình phân phối ra thị trường; phân tích thông tin sử dụng của khách hàng...

Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” giúp người dân, doanh nghiệp ý thức hơn trong việc bảo vệ những giá trị đặc biệt của hạt điều Bình Phước. Làm được điều này sẽ tạo ra một thương hiệu điều Bình Phước khác biệt với hạt điều của các vùng, quốc gia khác trên thế giới.

  • Từ khóa
94723

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu