Thứ 2, 20/05/2024 05:49:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:00, 19/12/2019 GMT+7

Về lại vùng “rốn lũ”

Xuân Túc
Thứ 5, 19/12/2019 | 06:00:00 354 lượt xem
BP - Trở lại xã Phú Sơn (Bù Đăng) sau hơn 4 tháng trận lũ lịch sử quét qua, dọc theo những con đường đất đỏ vào “rốn lũ”, tôi thấy những rẫy điều, cao su, cà phê của người dân đang vươn mình đầy sức sống. Xa xa, âm thanh nói chuyện của những nông dân đang thu hoạch cà phê, xen kẽ tiếng kêu è è của chiếc máy phát cỏ trong vườn điều để chuẩn bị cho vụ thu mới như đang báo hiệu một mùa xuân rạo rực, ấm no.

SỨC SỐNG MỚI

Tôi có mặt tại thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn, vùng đất bị tàn phá nặng nề nhất trong trận lũ lịch sử vừa qua. Tàn dư của trận lũ vẫn còn, khi con đường dẫn đến cầu treo Sơn Lang bắc qua sông Lấp bị nước xói mòn hết lớp đất, mặt đường lởm chởm đá. Cây cầu treo Sơn Lang trị giá 3,5 tỷ đồng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng đã bị lũ cuốn trôi, chỉ còn trơ lại bộ khung...

Tuy nhiên, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay của cả cộng đồng xã hội và nỗ lực vượt khó của mỗi người dân, đời sống bà con nơi đây đang dần ổn định. Anh Lý A Sáng (SN 1982), dân tộc Hoa, ở thôn Sơn Lang cho biết, gia đình có 2 ha điều trồng xen cà phê. Đợt lũ vừa qua đã làm đổ một số diện tích điều và cuốn trôi máy tưới cà phê của gia đình. Ngay lúc khó khăn, hoạn nạn, các cấp chính quyền đã kịp thời động viên, chia sẻ, giúp chúng tôi lấy lại tinh thần, niềm tin, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. 2 ha cà phê ghép trồng xen trong vườn điều đang cho thu hoạch với sản lượng 40 tấn tươi. Vườn điều có tín hiệu tích cực, dự kiến dịp tết sẽ bắt đầu cho thu hoạch. “Dù giá còn bấp bênh nhưng vụ cà phê năm nay đã mang về cho  gia đình nguồn thu đáng kể. Vườn điều cũng trong giai đoạn trổ bông, chỉ mong từ nay đến khi thu hoạch thời tiết thuận lợi. Vợ chồng tôi luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón tết ngoài vườn để trong nhà no ấm” - Anh Lý A Sáng nói.

Sau lũ, người dân xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng đã ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Trong ảnh: Anh Lý A Sáng (thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn) thu hoạch cà phê của gia đình

Cách đó không xa, anh Hoàng Văn Quan (SN 1988), có nhà bên bờ sông Lấp đang tập trung phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Với 3 ha cao su, mỗi ngày gia đình anh thu nhập từ 500-600 ngàn đồng. Để tăng gia sản xuất, vợ chồng anh còn chủ động nuôi gà, vịt. Anh Quan nhớ lại: Lập nghiệp tại Phú Sơn từ năm 2007, vừa qua là lần đầu tiên tôi thấy trận lũ lớn như thế. Gia đình chỉ thiệt hại mấy cây điều nhưng chiếc cầu treo kiên cố bắc qua sông Lấp giúp người dân thông thương với bên ngoài đã bị nước cuốn trôi.

Trước diễn biến phức tạp của trận lũ lịch sử, chính quyền địa phương đã sát cánh với người dân, đảm bảo an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Ngay sau khi nước rút, đoàn lãnh đạo tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế một số công trình bị hư hỏng nặng tại huyện Bù Đăng và thăm hỏi, tặng quà các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành sớm có biện pháp hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại; chủ động làm việc với các ngân hàng để giãn nợ, giảm lãi suất, ưu tiên người dân vùng lũ tiếp cận vốn vay ưu đãi nhằm ổn định sản xuất.

NỖI LO CŨ

Trận lũ lịch sử đã đi qua, người dân vùng “rốn lũ” Phú Sơn đã dần ổn định và hăng say lao động sản xuất. Tuy nhiên, đối với người dân thôn Sơn Lang vẫn còn đó nỗi lo cũ. Hiện nay, con đường duy nhất, nơi lưu thông của hàng trăm người dân đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường trơ trọi đá, mùa mưa các loại xe dù được trang bị thêm “áo giáp” bằng xích cũng không thể lưu thông. Chiếc cầu treo bắc qua sông Lấp đã bị nước cuốn trôi nên người dân phải ghép các cây gỗ, lồ ô để làm cầu tạm đi bộ qua sông.

Đầu tháng 8-2019, tại Bù Đăng, đợt mưa lũ lịch sử đã làm 4 căn nhà bị ngập sâu, 3 căn nhà bị sạt lở, 7 chòi canh rẫy của người dân bị lũ cuốn trôi; 24,5 ha cà phê, 23,5 ha điều và cao su, 7,5 ha cây ăn trái, 44,5 ha hoa màu cùng cây trồng khác bị hư hại. Ngoài ra, có 2 cầu dân sinh bắc qua sông Lấp, 1 cống thoát nước, 1 cầu bê tông, 13 máy dầu phục vụ tưới tiêu, 2 xe máy, 1 hệ thống năng lượng mặt trời và 1 diamo điện của các hộ dân bị lũ cuốn trôi... Ước thiệt hại do mưu lũ gây ra trên địa bàn huyện Bù Đăng khoảng 7,5 tỷ đồng. Trong đó, vùng “rốn lũ” Phú Sơn chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Em Điểu Hà, dân tộc S’tiêng, học lớp 7A, Trường THCS Thọ Sơn, cho biết: Nhà em có 2 ha rẫy bên kia sông. Sau một buổi đi học, em lại lên rẫy để phụ giúp cha mẹ. Từ ngày cầu bị lũ cuốn trôi, em phải đi qua rẫy bằng cầu tạm. Anh Lý A Sáng chia sẻ: “Hiện 10 hộ sinh sống lâu năm và hàng trăm hộ có rẫy bên kia sông hằng ngày vẫn phải để lại xe hai bên cầu và đi bộ qua cây cầu tạm. Khi vận chuyển nông sản, chúng tôi phải dùng một sợi dây cáp, cột vào thân cây ở hai bên bờ sông để tời qua. Với 40 tấn cà phê, gia đình phải mất cả tuần mới vận chuyển hết để đi tiêu thụ, rất tốn công và thời gian”. Còn anh Hoàng Văn Quan lo lắng: Gia đình có 2 con, con lớn năm nay đang học lớp 3 tại điểm trường Sơn Lang. Mùa mưa năm nay phải quay lại cảnh mấy năm trước, tức là vợ chồng tôi thay nhau đu dây qua sông để đưa con đến trường. Bởi đây là con đường độc đạo, nếu đi vòng phải vượt qua quãng đường hàng chục kilômét.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Sơn, cho biết: Thôn Sơn Lang có hơn 320 hộ, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây chưa có cây cầu, người dân vẫn thường xuyên qua lại khu vực này vì bên kia sông là hơn 5.000 ha rẫy của người dân. Hiện cầu đã bị lũ cuốn trôi khiến người dân rất lo lắng, nhất là mùa thu hoạch điều đang cận kề. Đó là chưa kể khi gặp mưa lớn, việc đu dây để qua sông nguy cơ mất an toàn rất cao. Đề nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ xây cầu, giúp người dân lưu thông an toàn.

  • Từ khóa
94663

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu