Thứ 2, 20/05/2024 00:19:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:52, 30/05/2019 GMT+7

Hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ 5, 30/05/2019 | 06:52:00 318 lượt xem
BP - Nhiều năm trở lại đây, người chăn nuôi trong tỉnh đã quan tâm đầu tư theo hướng công nghệ cao, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 341 trang trại gia súc, gia cầm,  trong đó có 251 trại heo, còn lại là trại bò và gà. Cơ cấu giống cũng có bước tiến vượt bậc, đàn heo giống cụ kỵ, ông bà, cung cấp con giống có năng suất, chất lượng cao cho sản xuất đã có trên địa bàn tỉnh thay vì phải nhập từ các viện giống hoặc tỉnh bạn. Đây chính là nền tảng quan trọng để hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh, đồng thời hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.

Bước tiến nhiều triển vọng

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện có trên 665 ngàn con (không bao gồm số heo con theo mẹ). Trong đó, chăn nuôi trang trại gần 542 ngàn con/251 trang trại, chiếm 81,3% tổng đàn, còn lại là chăn nuôi nông hộ. Trước những bước tiến như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành chăn nuôi cũng được cải tiến rõ nét và có sự đầu tư mạnh mẽ. Theo đó, chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 90,43%, trong đó trên 40% áp dụng công nghệ cao; chăn nuôi theo chuỗi bước đầu được các nhà đầu tư chú trọng và dấu ấn quan trọng nhất là năm 2017 có lô thịt gà đầu tiên đạt điều kiện xuất khẩu sang Nhật.

Anh Lê Hải Văn ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long sắp xếp thời gian khoa học để tự chăm sóc đàn gà 3.000 con phát triển tốt

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi thành lập mới đã chú trọng chất lượng, công nghệ lên hàng đầu. Sản xuất chăn nuôi đã tạo ra khối lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và khoảng 70% tiêu thụ ngoài tỉnh. Chăn nuôi phát triển đã tác động tới việc đầu tư, mở rộng đường giao thông; xây dựng, nâng cấp hệ thống điện nông thôn; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống dân cư nông thôn; nâng cao đời sống người dân và góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Xác định phát triển chăn nuôi luôn gắn với thách thức về môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục cơ cấu lại theo chuỗi sản phẩm, áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ cao theo hướng sản xuất chăn nuôi bền vững. Sản phẩm chăn nuôi không chỉ an toàn cho tiêu dùng trong nước mà còn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, chăn nuôi có quy mô phù hợp biến đổi khí hậu, dịch bệnh, rủi ro thiên tai và đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường. “Trong năm 2018, tỉnh đầu tư 36 dự án chăn nuôi và hiện còn một số dự án đang hoàn thiện. Đây là cơ sở để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như khắc phục những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực chăn nuôi. Từ đó đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững ngành chăn nuôi” - bà Lê Thị Ánh Tuyết nói.

Thí điểm thành công nhiều mô hình

Bình Phước đang thí điểm phát triển 2 vùng chăn nuôi heo tập trung ứng dụng công nghệ cao tại Lộc Ninh và Hớn Quản. Trong đó, Lộc Ninh có 63 trại heo (46 trại kín, 17 trại hở) với 244.150 con. Huyện Lộc Ninh cũng đã xây dựng vùng chăn nuôi với 50 trang trại ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện đồng bộ đường giao thông, điện lưới đến các trang trại. Tại Hớn Quản có 43 trại heo (15 trại kín và 28 trại hở) với 82.950 con, huyện còn đầu tư 10 dự án ứng dụng công nghệ cao, hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm và tái sử dụng nước trong chăn nuôi phục vụ sản xuất. Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục mở rộng thí điểm xây dựng vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại Hớn Quản và Chơn Thành với mục tiêu đạt điều kiện xuất khẩu sản phẩm thịt heo. Nếu thành công, đây sẽ là cơ sở để nhân rộng ra các huyện trong tỉnh vào năm 2020.

Nuôi 16 heo nái và đàn heo thịt 150 con, mỗi năm anh Lê Hải Văn ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long thu lãi 240 triệu đồng

Về gia cầm, tỉnh thí điểm tại huyện Đồng Phú với 12 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao, quy mô 1,504 triệu con, tập trung tại 5 xã: Thuận Phú, Tân Hưng, Tân Phước, Đồng Tâm và Tân Lợi. Khi các mô hình thành công sẽ xây dựng vùng chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao. Huyện Đồng Phú đang hoàn thiện hệ thống đường, điện và hỗ trợ kỹ thuật trong chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao đến các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn. “Năm 2018, ngành thí điểm xây dựng thành công vùng chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh tại huyện Đồng Phú, đảm bảo kiểm soát, giám sát dịch bệnh đạt vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh có thể xuất khẩu. Đến năm 2020, làm cơ sở nhân rộng ra địa bàn các huyện trên địa bàn tỉnh”- bà Lê Thị Ánh Tuyết thông tin thêm.

Những nỗ lực của ngành chăn nuôi trong tỉnh thời gian qua đang từng bước cụ thể hóa Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp; Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020... Đặc  biệt, kết quả này còn ghi nhận hiệu quả thực hiện Quyết định số 67/QĐ-UBND, ngày 10-1-2017 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.

chưa hết khó khăn, thách thức

Thực tế, so với điều kiện hiện có, thực trạng phát triển chăn nuôi trong tỉnh vẫn chưa phát huy hết thế mạnh. “Tỷ lệ chăn nuôi gia công cao với 200 trại, trong đó 162 trại heo và 38 trại gà, chiếm 58,65% tổng trang trại chăn nuôi. Trong khi đó, thu nhập của người chăn nuôi gia công chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào các công ty thuê gia công; sản xuất chăn nuôi chưa đồng bộ, chưa có đầu tư sản xuất thức ăn, nhà máy giết mổ, chế biến; tỷ lệ công ty nước ngoài thuê chuồng nuôi cao, chăn nuôi nông hộ hiệu quả kinh tế còn thấp; sản xuất theo chuỗi liên kết còn ít và chưa bền vững, một số nơi chăn nuôi đang phát triển “nóng”, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dịch bệnh và ô nhiễm môi trường... đang là những rào cản lớn” - bà Lê Thị Ánh Tuyết trăn trở.

Bên cạnh xuất hiện bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh ở một số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thì thời gian gần đây, dịch tả heo châu Phi cũng đã lây lan ra nhiều huyện, thị, thành phố trong tỉnh, gây thiệt hại lớn cho người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 chăn nuôi tập trung an toàn đạt 98% tổng đàn, tỷ lệ nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao và cơ sở chăn nuôi quy mô công nghiệp thực hiện chăn nuôi theo chuỗi ngành hàng khép kín đạt 75% là yêu cầu đòi hỏi sự tập trung nỗ lực lớn. Do đó, tỉnh đã đề ra chính sách khuyến khích 100% dự án đầu tư mới làm ứng dụng công nghệ chuồng kín; duy trì đàn trâu, bò 45 ngàn con và đàn dê 50 ngàn con; quan tâm phát triển chăn nuôi đại gia súc dưới tán rừng và khu vực dự án vùng sinh thái Bù Gia Mập. Cũng đến năm 2020, sản phẩm chế biến từ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh 100% được kiểm soát chất lượng. Tại vùng chăn nuôi tập trung có nhà máy chế biến, giết mổ công nghiệp để tiêu thụ và xuất khẩu.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ: “Hiện mô hình chuồng kín có 98/251 trang trại heo, chiếm khoảng 39% và 40/83 trang trại gà, chiếm khoảng 49,15% là còn thấp, chưa đạt yêu cầu. Vì thế, bên cạnh quản lý tốt 251 trang trại chăn nuôi heo tập trung và 83 trang trại gà hiện có, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nâng cao tỷ lệ trang trại mô hình chuồng kín, ứng dụng công nghệ cao, hệ thống làm lạnh, tự động, bán tự động, khuyến khích đầu tư, nâng cấp chuyển đổi trang trại. Chỉ tiêu cụ thể, mỗi năm khoảng 10% số trang trại chuồng hở chuyển thành mô hình khép kín. Đối với dự án đầu tư mới đều phải ứng dụng công nghệ chuồng kín để tỷ lệ chuồng kín đạt 75% vào năm 2020”.

Mai Ly

  • Từ khóa
94552

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu