Thứ 2, 20/05/2024 05:50:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 12/01/2012 GMT+7

Những ẩn khuất trong vụ vỡ tín dụng đen ở Chơn Thành

Thứ 5, 12/01/2012 | 00:00:00 667 lượt xem

Báo Bình Phước số 1733, ra ngày 28-2-2011 có đăng bài “Lại một chiêu quá cũ nhưng có tới 34 người mất tiền tỷ”. Nội dung bài báo phản ánh việc bà Nguyễn Thị Sạnh (1960) trú tại thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành) đã đứng ra huy động vốn với lãi suất cao. Sau khi huy động được hàng chục tỷ đồng của 34 hộ dân, bà Sạnh tuyên bố hết khả năng chi trả nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của mình. Tuy nhiên, đi sâu vào tìm hiểu vụ việc cho thấy vụ vỡ nợ mang nhiều uẩn khúc.

“THÁO DẠ ĐỔ VẠ CHO CHÈ”

Cuối tháng 9-2011, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Phước đã ra hai quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố bị can Nguyễn Thị Sạnh đã có hành vi lợi dụng lòng tin của người khác để huy động vay tiền với lãi suất cao, sử dụng vào mục đích cá nhân rồi tuyên bố mất khả năng chi trả. Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh cũng đã có giấy báo tin tới bà Nguyễn Thị Liên, người đại diện cho 8 người bị hại khác đứng ra tố cáo bà Sạnh là hồ sơ của vụ việc đã được Viện chuyển cho cơ quan Công an tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền.

Hai chủ nợ của bà Sạnh đang lâm vào cảnh khốn đốn vì cả tin

Bà Nguyễn Thị Liên, một bị hại trong vụ án cho biết, do quen biết với gia đình bà Sạnh nên khi bị tỉ tê vay tiền là để giúp đồng nghiệp của chồng, anh em bạn bè đáo hạn ngân hàng làm ăn; người đi vay tuyệt nhiên không đề cập đến việc làm ăn của mình nên những người cho vay thấy hành động “cao thượng” của bà Sạnh đã sẵn sàng giúp đỡ. Sau khi huy động được khoản tiền khoảng 22 tỷ đồng, bà Sạnh tuyên bố vỡ nợ và hết khả năng chi trả. Những nạn nhân của bà Sạnh vay tiền, người thì bị nhồi máu cơ tim, người thì đột quỵ, không ít gia đình ly tán vì bỗng chốc mất tiền tỷ do bị quỵt nợ. Bà Ngô Thị Thanh, một nạn nhân khác tố cáo: khi chúng tôi đến đòi nợ thì bị ông Trần Hoàng Sơn - chồng bà Sạnh đã dùng lời lẽ thô tục xua đuổi. Tìm hiểu chúng tôi được biết, bà Sạnh không hề giúp đỡ ai mà dùng số tiền vay đó để mua đất, xây nhà, mua xe hơi, mua rẫy, tổ chức sinh nhật cho con gái...

Điều bất ngờ là sau khi tuyên bố mất khả năng chi trả vào tháng 4-2010 và để đối phó với các chủ nợ trong việc quỵt tiền, ngày 19-5-2010, bà Sạnh đã viết đơn cầu cứu đến UBND thị trấn Chơn Thành. Đơn bà Sạnh viết: “Từ năm 2005, do việc buôn bán có nhiều người nợ, bị thâm hụt vốn nên tôi đã tự ý vay nợ lãi suất từ 3, 6 đến 9% tháng để bù vào khoản thiếu hụt. Trong khi đó, tôi không tính lãi cho những ai thiếu nợ mình nên thâm hụt ngày một nặng. Bị các chủ nợ đòi gay gắt, hù dọa, thậm chí đến nhà đập phá làm cho tôi hoảng sợ, bế tắc và thấy có lỗi với gia đình nên đã tìm đến cái chết... Vì vậy, tôi viết đơn này xin chính quyền giúp đỡ tôi trong việc thỏa thuận giải quyết nợ”. Nhận được đơn của bà Sạnh, UBND thị trấn Chơn Thành đã giao cho cán bộ thị trấn tham gia giải quyết giúp bà Sạnh từ ngày 24-5 đến ngày 11-6-2010 (Công văn số 52/UBND ngày 24-5-2010). Khi có được giấy giao việc từ UBND thị trấn, bà Sạnh lấy đó làm phao cứu sinh để đối phó với các chủ nợ. Các chủ nợ cho rằng mục đích trong giấy ghi nợ của bà Sạnh là giúp đỡ đồng nghiệp và bạn bè của chồng và nay lật lọng là kinh doanh thua lỗ để xù nợ. Đúng là trò “tháo dạ đổ vạ cho chè” hòng chạy nợ.

AI ĐÃ TRỢ GIÚP BÀ SẠNH?

Những chủ nợ của bà Sạnh cho rằng: “Vì là chỗ quen biết, hơn nữa chồng bà Sạnh là ông Trần Hoàng Sơn khi đó là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Hớn Quản, là cán bộ làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật nên mọi người tin tưởng. Khi vụ việc đổ bể, mọi người cũng sợ “oai” của ông viện trưởng nên chỉ cố gắng tìm đến năn nỉ được đồng nào hay đồng đó. Nhưng ông Sơn và gia đình luôn thể hiện sự thiếu thiện chí nên chúng tôi phải làm cho ra lẽ”.

Bà Thanh cho rằng, từ ngày bị khởi tố niêm phong tài sản, bà Sạnh vẫn ngày ngày lên lô thu tiền bán mủ cao su, xe ôtô con vẫn chạy ngoài đường. Bà Thanh, bà Liên cũng đề nghị các cơ quan chức năng ở huyện Chơn Thành cần làm rõ danh sách (bà Sạnh tự viết ra) gồm 18 người cho gia đình bà Sạnh vay tiền không tính lãi. “Bởi chúng tôi nghi ngờ đó là danh sách ảo vì trong số này có người chạy gạo ăn từng bữa lấy đâu ra tiền hàng trăm triệu đồng để cho vay? Danh sách này nhằm thực hiện hành vi tẩu tán tài sản của gia đình bà Sạnh”.

Sự “làm cho ra lẽ” của các chủ nợ là đã phát hiện ra một chuyện động trời trong vụ án. Đó là chỉ sau khi có Công văn số 52/UBND của UBND thị trấn Chơn Thành mấy ngày, bà Sạnh đã làm đơn xin bán nhà và rẫy cao su để trả nợ ngân hàng. Trước đó, để đối phó với việc trả nợ của bà Sạnh, ông Sơn đã tổ chức họp gia đình và ra một biên bản thỏa thuận về phân chia tài sản. Trong đó, ông Sơn và hai con của mình nắm giữ phần nhiều tài sản của gia đình để “bảo đảm quyền lợi cho ông Sơn cùng các con”. Còn bà Sạnh chỉ được chia 9 thửa đất trồng cao su, tiêu và đất thổ cư với diện tích khoảng 62.000m2. Gia đình ông Sơn cũng thống nhất là bà Sạnh có nghĩa vụ phát mãi phần tài sản được chia để trả nợ ngân hàng. Ông Sơn cùng các con có nhiệm vụ phát mãi để trả nợ các khoản nợ chung nếu có. Dư luận cho rằng, việc phân chia tài sản của ông Sơn là một hành động hết sức khôn ngoan để giữ lại khối tài sản do vợ mình vay mượn mà có. Những khoản nợ của bà Sạnh thì ông Sơn để cho vợ mình tùy ý giải quyết. Một kiểu “đá bóng sang chân” hết sức ngoạn mục trong vụ vỡ nợ này.

Bà Ngô Thị Thanh, bà Liên, bà Thủy... nói: “Chúng tôi khẳng định, nếu không có sự trợ giúp từ ông Sơn, bà Sạnh không thể nào huy động được số tiền lớn đến vậy. Vì có không ít trường hợp ông Sơn đứng ra đặt vấn đề vay và trực tiếp lấy tiền”. Những người dân nói trên đặt câu hỏi, một số tài sản như đất đai, vườn cao su của vợ chồng ông Sơn do con gái đứng tên từ đâu mà có? Trong khi đó, con gái của bà Sạnh (1985) đang là nhân viên hợp đồng cho một đơn vị hành chính ở huyện thì không thể giàu đột biến như vậy được. Các chủ nợ trong vụ án cho biết, trong tháng 4-2010, bà Sạnh đã sang nhượng một lô đất tại đường số 8, thị trấn Chơn Thành với giá 750 triệu đồng, nhưng hợp đồng chỉ ghi 200 triệu đồng. Như vậy, xâu chuỗi toàn bộ sự kiện, những vấn đề trên thì vụ vỡ nợ của bà Sạnh có rất nhiều uẩn khúc rất cần được giải mã.

Tấn Hòa

  • Từ khóa
91940

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu