Thứ 5, 09/05/2024 09:45:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:22, 19/06/2011 GMT+7

Những công dân mới trên đất Minh Long

Chủ nhật, 19/06/2011 | 16:22:00 480 lượt xem

Tháng 10-2010, thừa lệnh của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo Sở Tư pháp đã trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho tất cả những người Campuchia đang cư trú tại Trại tị nạn 979C, ấp 3, xã Minh Long (Chơn Thành). Kể từ ngày được nhập quốc tịch Việt Nam, trở thành công dân của nước Việt Nam, những người Campuchia này luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền. Có cuộc sống ổn định, không ít gia đình đã vươn lên làm kinh tế khá.

Ông Trần Sên Phương, 50 tuổi, người gốc Campuchia ở ấp 2, xã Minh Long, huyện Chơn Thành nói, chiến tranh đã lùi xa nhưng với mỗi người Campuchia chúng tôi ký ức về một chế độ diệt chủng đầy máu và nước mắt thì vẫn còn như in. Nhiều người Campuchia khi đó đã vượt biên sang Việt Nam để tìm chốn an thân, số ít thì được người Việt bảo lãnh đưa sang xây dựng cuộc sống mới.

Bà Lai Hiên bên quầy tạp hóa của gia đình

Bà Lai Hiên nói, khi vào đến Việt Nam, chúng tôi được đưa về Châu Đốc (An Giang) và sống trong các trại tập trung với hàng trăm ngôi nhà. Được gọi chung là Trại tị nạn 979C. Có cơm ăn, áo mặc, được sống trên mảnh đất hòa bình, tự do. Cuộc sống của chúng tôi như đã được hồi sinh. Song, long đong lận đận tìm kế sinh nhai trên đất người, mãi đến năm 1988, chúng tôi mới ổn định cuộc sống trên mảnh đất Minh Long cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, hàng chục năm sống không có quốc tịch, không giấy tờ tùy thân. Chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, vất vả. Không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, tụi trẻ cũng không thể đi làm ăn xa hay đứng tên khi mua xe, mua đất. Người già, trẻ nhỏ có muốn mua bảo hiểm cũng khó. Học hành thì chỉ hết phổ thông nên nghề nghiệp cũng chẳng có gì đáng kể. Chỉ là làm thuê làm mướn theo thời vụ. Hộ có điều kiện thì kinh doanh buôn bán...

Gia đình ông Trần Sên Phương thoát nghèo nhờ quán nước giải khát ngay trung tâm xã

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND xã Minh Long (Chơn Thành) cho biết, Trại tị nạn 979C của người Campuchia có từ năm 1988. Ban đầu có hàng trăm hộ sinh sống nhưng sau đó một bộ phận được các nước Australia, Anh, Pháp… bảo lãnh đưa đi và đến nay chỉ còn lại 31 hộ với 115 nhân khẩu sinh sống trên đất Minh Long. Nhằm giúp người Campuchia ổn định cuộc sống, năm 2010, các hộ dân này đều đã được nhập quốc tịch Việt Nam. Có hộ khẩu và chứng minh nhân dân, họ bắt đầu vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Mỗi người mỗi nghề, mỗi người một hướng đi và họ luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền. Được hưởng mọi quyền lợi và thực hiện mọi nghĩa vụ như những người Việt Nam.

Ông Khôi cho biết, ban đầu những người Campuchia này sinh sống trong những căn nhà tranh, vách đất lụp xụp, nhưng đến nay hầu hết đã có nhà xây kiên cố, chỉ còn lại 6 hộ nghèo. Năm 2009, thông qua việc vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, UBND xã Minh Long đã giúp cho 4 hộ nghèo có nhà ở mới. Mỗi hộ được hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng. Có nhà kiên cố, nhiều gia đình đã tập trung đầu tư cho con cái ăn học và mở rộng, phát triển sản xuất. Điển hình như gia đình ông Tri Hông Giang. Từ một hộ nghèo, chật vật lo từng miếng cơm manh áo mỗi ngày, nay được hỗ trợ nhà ở, ông bà yên tâm phát triển sản xuất, vừa làm Stump cao su, vừa chăn nuôi thêm. Những lúc rảnh rỗi bà còn tham gia vào các phong trào đoàn thể ở địa phương và hiện là Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ ấp 3, xã Minh Long. Nhiều hộ có điều kiện chuyển sang kinh doanh buôn bán đem lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm như gia đình Trần Sên Phương, bà Lai Hiên... Ngoài ra, để giúp họ có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn tăng gia sản xuất, ngay sau khi hoàn thành công tác bầu cử, UBND xã đã bắt tay vào việc làm các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân này.

Anh em Trần Quang, Trần Dung bên căn nhà đại đoàn kết vừa được xây tặng

Ngoài việc được hỗ trợ nhà ở, những công dân mới này nếu thuộc diện hộ nghèo cũng được hưởng mọi quyền lợi như những người nghèo khác như được cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí, được thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết… Bà Trần Dung, 54 tuổi nói, gia đình tôi chỉ có 2 anh em, nay đã già yếu, không còn khả năng lao động, phải sống dựa vào mấy cây điều và sự giúp đỡ của bạn bè. Được Nhà nước quan tâm tặng quà, thăm hỏi vào các dịp lễ tết, 2 anh em tôi cũng đỡ được phần nào.

Ông Bùi Ngọc Hải, Trưởng ấp 3 cho biết, trước đây, điều kiện kinh tế của các hộ dân này gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ khi được nhập quốc tịch, cuộc sống của họ đã có nhiều thay đổi. Một số hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng điều chuyển sang trồng cao su, trồng cói, nuôi gà… Những lúc rảnh rỗi thì làm thuê làm mướn để tăng thêm thu nhập. Hiện tại trong ấp 3 chỉ còn 5 hộ nghèo nhưng là những hộ không có khả năng lao động do già yếu, bệnh tật. Còn đa phần làm nghề cạo mủ cao su, số ít thì kinh doanh buôn bán, làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp…

Khi đã là người Việt Nam, những công dân mới này cũng được thực hiện quyền và nghĩa vụ của một cử tri. Tuy nhiên, việc đi bầu cử đối với họ là một điều gì đó còn rất xa lạ. Để tạo điều kiện cho họ được thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, ông Hải cho biết, những ngày qua, ngoài việc tổ chức họp dân, tuyên truyền theo luật định. Ông đã phải đi từng nhà, gặp từng người chỉ cho họ cách bỏ phiếu. Nói cho họ rõ thế nào là bầu cử… và khi đã rõ, 100% các hộ đã đi bỏ phiếu đúng giờ và theo luật định. Ông Hứa Đạo Cường nói, 35 năm lưu lạc, đây là lần đầu tiên tôi được cầm lá phiếu đi bầu cử. Điều này chứng tỏ rằng chúng tôi đã thực sự là những công dân Việt Nam.

Minh Luận

  • Từ khóa
91762

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu