Thứ 5, 09/05/2024 20:01:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:56, 02/11/2019 GMT+7

“Cái bang” Dương Thị Tuyết - Niềm tự hào của những người thiện nguyện

Thứ 7, 02/11/2019 | 16:56:00 1,114 lượt xem

BPO - Đã có nhiều người viết về bà, nhưng vào dịp tất cả mọi sự quan tâm đều hướng tới nữ giới thế này, tôi vẫn muốn lần nữa viết về bà - người phụ nữ tràn đầy năng lượng sống và luôn truyền cảm hứng sống thiện tới nhiều người. Đó là bà Dương Thị Tuyết (Bảy Tuyết), Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo (NKT-TMC&BNN) tỉnh Bình Phước. Những người nghèo, hoạn nạn trong tỉnh hay những người làm việc thiện vẫn quen gọi bà là Má Bảy.

Sống hết mình

Tính theo dương lịch thì năm nay bà Bảy Tuyết 69 tuổi, nhưng theo âm lịch thì đã ngoài bảy mươi. Năm 2004, Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN tỉnh được thành lập khi bà đang giữ chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em tỉnh, nhưng với tấm lòng hướng thiện cùng những việc làm hiệu quả vì người nghèo, hoạn nạn, bà đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN tỉnh.

Bà Bảy Tuyết trong chuyến cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Tây Thanh Hóa, tháng 7-2019

Thời gian phục vụ nhiều nhất của bà là công tác dân số. Những năm mới tái lập tỉnh, tình trạng sinh nhiều trong vùng đồng bào DTTS, sinh con thứ 3 trong cán bộ - công chức khá phổ biến. Bà phải lăn lộn ở cơ sở để vận động đối tượng và người có uy tín tham gia công tác dân số. Có lần hăm bảy tết, bà phải đích thân đi Hớn Quản để đưa một phụ nữ S’tiêng đông con, chồng mới mất đi làm “kế hoạch”. Vì nếu để qua tết, thai lớn quá sẽ không can thiệp được nữa, khi ấy khó khăn với người phụ nữ sẽ càng chất chồng. Việc tỉnh Bình Phước hoàn thành các chỉ tiêu về dân số như: mức sinh thay thế, số con bình quân của một phụ nữ độ tuổi sinh đẻ hay kế hoạch hóa gia đình… sớm hơn lộ trình Trung ương đưa ra 4 năm, có phần đóng góp không nhỏ của bà.

Năm 2007, bà nghỉ hưu. Nói là hưu nhưng bà chưa được nghỉ ngày nào đúng nghĩa, bởi trách nhiệm với công việc đầy khó khăn, vất vả của Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN khiến bà không thể dứt ra được. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để bà được toàn tâm toàn ý giúp đỡ những người nghèo, yếu thế.

Ở tuổi 70, hằng ngày bà vẫn phải dậy từ rất sớm để dẫn dắt CLB dưỡng sinh và có khi tới khuya vẫn chưa kết thúc công việc. Những cuộc điện thoại lúc thì của người hoạn nạn, lúc của các mạnh thường quân báo về một hoàn cảnh khó khăn nào đó. Nhiều năm qua, CLB dưỡng sinh phường Tân Bình do bà làm chủ nhiệm là niềm tự hào của Hội Người cao tuổi tỉnh. Là tổ chức tự nguyện của những người cao tuổi cấp phường, nhưng ngoài các bài tập dưỡng sinh, bà đã mời thầy về dạy khiêu vũ cho các thành viên. Đã nhiều lần CLB tham gia các hội diễn của Hội Người cao tuổi khu vực và “đánh đâu thắng đó”. Tôi đã vài lần xem CLB biểu diễn tại các sự kiện trong tỉnh. Ở bất cứ sự kiện nào, tôi cũng thấy bà hát, cho dù giọng bà không hay lắm. Nhìn bà trong trang phục nam, dìu bạn nhảy bằng những bước chân uyển chuyển, điêu luyện và khi nghe bà nói “phải sống hết mình để mỗi ngày qua đi không thấy hối tiếc”, tôi càng thêm nể phục.

…Và cống hiến hết mình

Đã vài lần theo bà làm công tác thiện nguyện hoặc tiếp xúc với những mạnh thường quân - những thường nhờ bà chuyển tấm lòng của họ tới người nghèo, hoạn nạn, tôi càng thấm thía triết lý sống của bà, rằng: không phải cứ giàu, có điều kiện về kinh tế thì mới làm được việc thiện. Lương hưu của bà cũng chỉ 7 triệu đồng/tháng, nhưng bà có thể kêu gọi được hàng tỷ đồng để hỗ trợ những người hoạn nạn, khó khăn. Ấy là bởi bà có cái tâm, có lòng kiên trì theo đuổi những mạnh thường quân tiềm năng để hướng họ đến những việc thiện nguyện; cũng bởi những nhà tài trợ luôn tin tưởng bà. Mà lấy được lòng tin của người đời đâu phải dễ!


Bà Bảy Tuyết trong chuyến cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Tây Thanh Hóa, tháng 7-2019

Trong chuyến thiện nguyện 5 ngày đi cứu trợ vùng lũ Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa), đường đi vô cùng khó khăn, lại bị nước lũ tàn phá nên nhiều khu dân cư bị cô lập. Ai nấy đẫm mồ hôi, áo quần ướt sũng rồi lại khô. Nhiều người trong đoàn lo bà đã lớn tuổi, lại ăn chay trường thì không đủ sức khỏe, khuyên bà ở lại xe nhưng bà không bỏ một địa chỉ nào cho dù phải đi qua những chiếc cầu khỉ chênh vênh, lội qua những dòng suối chảy xiết hoặc leo dốc rất cao. Có người lo quá nói, má không nên ăn chay trường, mỗi tháng chỉ ăn vài ngày để còn có sức mà làm việc thì bà trả lời: tui theo Phật, ăn chay không phải để cầu mong Phật độ mà là để tịnh tâm, an lạc và gieo vào tâm mình hạt giống yêu thương. Cuộc đời còn nhiều người khốn khó và tui muốn được sẻ chia khó khăn với họ một cách tự nguyện.

Là người quyết đoán, quyết liệt trong công việc, nhưng bà rất mau nước mắt. Khi chứng kiến những khó khăn của cô giáo cắm bản cùng các em học sinh ở bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa); khi cầm tay người phụ nữ Lào làm dâu Việt cùng lúc mất cả chồng và con trong cơn lũ dữ đến mức chỉ muốn quyên sinh, nước mắt bà tràn mi khiến cho đôi mắt sụp mí của bà như càng thêm sụp xuống.

Bà ăn chay trường nhưng không chê trách những người ăn mặn. Bà một lòng vì việc thiện, giúp được rất nhiều người hoạn nạn, khó khăn. Có lẽ vì thế mà bà luôn là thủ lĩnh, là người dẫn dắt phong trào thiện nguyện ở Bình Phước. Điều đó cũng lý giải vì sao khi làm nhân sự Đại hội Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN, Tỉnh ủy đã động viên, khuyến khích bà tiếp tục công việc.

Bà đã nhận nhiều phần thưởng của Trung ương, của tỉnh về công tác dân số, thiện nguyện, nhưng phần thưởng lớn nhất với bà là những mảnh đời bất hạnh được hồi sinh nhờ những việc làm thiện nguyện. Bà là “cái bang” đáng tự hào nhất của những tấm lòng thiện nguyện ở Bình Phước.

Thảo Linh

  • Từ khóa
91469

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu