Thứ 5, 09/05/2024 05:54:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:00, 21/06/2022 GMT+7

KỶ NIỆM 97 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2022)

Cảm ơn những nhân vật của tôi…

Nam Phương
Thứ 3, 21/06/2022 | 16:00:00 3,306 lượt xem
BPO - Những ngày này, người làm báo nhận được rất nhiều lời yêu thương của bạn bè, gia đình gửi đến chúc mừng. Trong niềm hạnh phúc bất tận đó, tôi muốn dành lời cảm ơn cho các nhân vật - những người đã giúp phóng viên kể bao câu chuyện trong các tác phẩm của mình. Họ chính là những người góp phần làm tác phẩm thêm chân thật và tươi mới…

Trong những năm tháng làm nghề, các phóng viên, biên tập viên thường đi nhiều nơi, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, ở nhiều lĩnh vực, địa vị công tác khác nhau. Họ là người cung cấp thông tin, là người kết nối và là nhân vật trong câu chuyện của phóng viên. Vậy thì, sẽ như thế nào nếu không có nhân vật? Câu trả lời rất đơn giản: Là không có gì!

Tôi vẫn chưa quên những ngày loay hoay tìm cách tiếp cận nhân chứng lịch sử cho phim tài liệu: “Tàu Ô - Xóm Ruộng: Khúc tráng ca bi tráng” do Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) phối hợp VTV thực hiện. Do dịch Covid-19 bùng phát nên ê-kíp của VTV không thể vào Bình Phước và các tỉnh phía Nam để ghi hình. Vậy là việc ghi hình các cảnh quay ở trong này do ê-kíp BPTV thực hiện.

Phim tài liệu “Tàu Ô - Xóm Ruộng: Khúc tráng ca bi tráng” kể về 150 ngày đêm ròng rã bảo vệ tuyến đường 13 huyết mạch, chặn đứng sự chi viện của quân địch từ Sài Gòn đến thị xã An Lộc (Bình Long) và bảo vệ vùng giải phóng Lộc Ninh của Sư đoàn 7 và quân dân địa phương trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Còn khá nhiều nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch sinh sống tại tỉnh Bình Phước và lân cận, nhưng để kể được trọn vẹn câu chuyện, phải là người ở vị trí chỉ huy chiến dịch hoặc Trung tướng Lê Nam Phong (nguyên Chính ủy Sư đoàn 7) hoặc Trung tướng Nguyễn Văn Thái (lúc đó là Phó chính ủy). Lúc này, sức khỏe của tướng Phong rất yếu, phỏng vấn tướng Thái là phương án khả dĩ nhất.

Tác giả (bên trái) trò chuyện cùng nhạc sĩ Trần Viết Bính, nhân vật rất “hot” của giới truyền thông bởi đã có 2 lần được gặp Bác Hồ và hát cho Bác nghe

Có trong tay số điện thoại của bác Thái do VTV cung cấp, tôi hăm hở gọi, hào hứng sắp xếp ý tứ để trao đổi với bác, nhằm tạo ấn tượng tốt ngay từ lần trao đổi đầu tiên. Nhưng kỳ lạ thay, bao nhiêu lần gọi, thuê bao vẫn không liên lạc được… Thậm chí phía VTV gọi cũng luôn trong tình trạng như vậy.

Ít lâu sau, nhờ cái duyên, ê-kíp chúng tôi cũng hoàn thành buổi phỏng vấn bác Thái với rất nhiều cảm xúc. Chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng thuê bao của bác không liên lạc được trong suốt thời gian đó là do bác gái “đạo diễn”. Bởi bác Thái năm nay đã ngoài 90 tuổi, mỗi khi trả lời phỏng vấn xong ông thường hay mệt do buổi phỏng vấn nào cũng kéo dài, một phần phóng viên “tham công tiếc việc” nên hỏi nhiều, một phần do bác hào hứng với câu chuyện. Bác gái vì sốt ruột, lo ngại cho sức khỏe của ông nên cũng “dè chừng”, thậm chí “cấm cửa” cánh phóng viên.

Phim tài liệu hoàn thành và phát sóng đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã mang lại những cảm xúc đặc biệt. Không quá khi nói rằng, điểm nhấn làm nên giá trị của tập phim chính là phát biểu hùng hồn, chân thực của tướng Nguyễn Văn Thái, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn về những năm tháng hào hùng của Sư đoàn 7 trong 150 ngày đêm chiến đấu giữ đường 13.

Nửa đầu năm 2022 này, chúng tôi có duyên với những nhân vật cao tuổi. Sau tướng Thái, một nhân vật nữa tôi thầm cảm ơn chính là nhạc sĩ Trần Viết Bính. Ông là nhân vật trong chương trình kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do tôi và ê-kíp thực hiện. Chúng tôi khá hài lòng khi chương trình đầy cảm xúc, đặc biệt là khi người nhạc sĩ gần 90 tuổi dạo đàn và hát những câu hát do chính mình sáng tác, thể hiện lòng kính yêu tuyệt đối đối với Bác Hồ. Giọng ông khàn đục, đôi tay run run nhưng ngồi trước cây đàn, vẫn toát lên được phong thái, nét tài hoa của người nghệ sĩ. Chúng tôi chìm đắm trong những lời nhắn nhủ đến hậu thế của ông: “Hãy sống như Người đã sống/ Hãy yêu như Người đã yêu/ Và hãy ước mơ như Người đã dặn dò…” (Ước mơ của Người).

Nhạc sĩ Trần Viết Bính là nhân vật tôi đã biết cách đây 2 năm, qua một người bạn cũng là phóng viên. Ông là nhân vật rất “hot” của giới truyền thông bởi đã có 2 lần được gặp Bác Hồ và hát cho Bác nghe, một lòng kính trọng Bác, có nhiều sáng tác rất hay về Bác như: “Ước mơ của Người”, “Hồ Chí Minh: Ánh sáng - Niềm tin”… những chất liệu để làm nên một tác phẩm hay. Vì nhân vật quá đặc biệt thôi thúc tôi phải tiếp cận và kể lại câu chuyện này bằng tác phẩm báo chí.

Ông là người chỉn chu nhưng cũng rất dễ gần, đúng chất của một người nghệ sĩ, sẵn sàng đón tiếp và hỗ trợ phóng viên hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, phải sau đúng 2 năm, tôi mới có dịp tiếp xúc và thực hiện chương trình về ông. Sự chậm trễ này, lý do quan trọng nhất là do đại dịch Covid-19 bùng phát đã ngăn cách các tỉnh với nhau. Khi mọi thứ dần trở lại bình thường, chúng tôi mới dám liên lạc với ông, thực hiện dự định ấp ủ 2 năm của mình.

Một lần nữa tôi cảm ơn duyên nghề đã không làm tôi lỡ dịp. Bởi đầu năm 2022, ông bị đột quỵ, nghiêm trọng đến mức đồng nghiệp cũ, bạn bè đã đến nhà ông nói lời tiễn biệt. Nhưng may mắn thay ông đã vượt qua, tiếp tục cống hiến cho đời thêm nhiều nhạc phẩm, còn tôi thì có thêm một tác phẩm ưng ý và một mối quan hệ mới.

Trong suốt quãng thời gian làm báo, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, may mắn là tôi luôn cảm nhận được sự giúp đỡ chân tình của cơ sở và nhân vật của mình. Mỗi nhân vật với những độ tuổi khác nhau, công việc khác nhau đều mang đến cho mình những trải nghiệm mới, những cảm xúc tích cực. Một thời gian dài tuyên truyền trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi luôn trân trọng tình cảm của các cô, chú nông dân luôn dành sự yêu thương cho phóng viên, sẵn sàng phối hợp thực hiện những cảnh quay, trả lời phỏng vấn; đến lúc về còn dúi vào tay khi thì bịch chôm chôm, lúc thì dăm trái bưởi làm quà… Cảm động nhất là khi có dịp gặp các phóng viên khác, các cô, chú vẫn gửi lời hỏi thăm đến chúng tôi, dù thời gian trôi qua đã lâu, đôi khi vì vô tâm tôi không còn nhớ nữa.

21-6 - ngày tôn vinh nghề báo và những người làm báo. Những ngày này, tôi lại nhớ đến lời PGS.TS Nguyễn Văn Dững (nguyên giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã luôn nhắc nhở chúng tôi trong những ngày còn theo học: “Danh hiệu cao quý nhất của nhà báo là sự tôn vinh của công chúng xã hội, là nhà báo trong lòng công chúng…”. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục phấn đấu để có thể trở thành những nhà báo trong lòng công chúng. Mà muốn vậy, trước tiên, hãy học cách nói lời tri ân đến những nhân vật của mình… bởi họ cũng chính là những công chúng đầu tiên của tác phẩm!

  • Từ khóa
144884

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu