Thứ 4, 08/05/2024 13:55:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:20, 17/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Hạnh phúc vì đã chọn đúng nghề

Thùy Dương
Thứ 6, 17/06/2022 | 15:20:28 2,772 lượt xem
BPO - Nếu được hỏi: Bạn cảm thấy mình may mắn điều gì trong công việc? Vậy câu trả lời của bạn như thế nào? Với tôi, điều may mắn nhất trong công việc mà tôi được nhận lúc này chính là đã được nghề báo chọn mình.

Lối rẽ bất ngờ

Tôi không phải tốt nghiệp từ ngành báo chí. Vì vậy, khi tôi trở thành nhà báo cũng là điều khá bất ngờ. Khi còn trên ghế nhà trường, tôi rất thích ngoại ngữ, nên chọn chuyên ngành tiếng Hoa. Sau khi tốt nghiệp, tôi trở thành biên dịch viên tiếng Hoa vào năm 2006. Như dự định, tôi được vào làm tại 1 công ty sản xuất xe máy Đài Loan khá lớn vào thời ấy. Thời gian đầu, tôi tất bật với lịch làm việc dày đặc ở công ty và những cuộc họp triền miên với những công ty chuyên cung ứng linh kiện khiến tôi cảm thấy thiếu gì đấy mà bản thân không thể hình dung được. Một ngày làm việc thường kéo dài 12 tiếng, mẹ tôi rất lo lắng và khuyên tìm một công việc khác phù hợp hơn. Và tôi bắt đầu nộp đơn ở vài nơi tại quê nhà Bình Phước. 

Tác giả (áo tím) tham gia hoạt động thể thao cùng các đồng nghiệp 

Một ngày bất ngờ, một công việc bất ngờ gọi tên tôi. Tôi bắt đầu công việc tại Đài PT-TH Bình Phước vào năm 2008, với vai trò là biên dịch viên các chương trình tiếng Hoa. Khi làm việc ở công ty thì không khó khăn, nhưng với công việc mới này tôi phải đối mặt với nhiều vấn đề vì phải biên dịch rất nhiều lĩnh vực, cần có kiến thức rộng, cùng với phải phiên dịch một lĩnh vực mà tôi hoàn toàn mù mờ là tin thế giới. Cái khó của dịch các bài viết không chỉ là bản thân mình hiểu, mà phải diễn giải để khán thính giả xem đài biết và nắm sâu vào nội dung của vấn đề. Không chỉ thế, với đặc thù của tiếng Hoa là chữ tượng hình nên toàn bộ tên tiếng Anh của các nguyên thủ, nhân vật nước ngoài đều được dịch sang tiếng Hoa khiến cho việc tìm kiếm càng vất vả. Trong khi trong phòng chỉ có mình tôi là biên dịch tiếng Hoa nên phải tự mình tìm lấy lối đi riêng. Bên cạnh đó, khi tôi bắt đầu công việc tại phòng vệ tinh lúc bấy giờ, mọi tư liệu hay chương trình đều phải thu qua băng VHS. Sau đó mang những cuốn băng ấy xuống phòng kỹ thuật để đổ vào máy tính, rồi mới bắt đầu công việc dựng. Tuy có vẻ đơn giản nhưng chỉ cần sơ sẩy một tý thì coi như phải làm lại từ đầu. Lúc đầu, để dịch trọn vẹn 1 bài, tôi phải mất gần cả tuần lễ. Những khó khăn ấy càng khiến tôi đam mê hơn, bởi sau mỗi bài được dịch, tôi lại có thêm những kiến thức mới rất hữu ích. Khi đã dần quen với công việc, phụ trách phòng khuyến khích tôi, nên tập đọc để tự lồng tiếng các bài mà mình đã dịch. Thế nhưng thử thách này khó hơn tôi tưởng. Nhiều khi rất muốn thoái lui, nhưng được sự động viên của lãnh đạo phòng, tôi trở thành một biên tập viên đa năng, từ biên tập, dựng đến lên hình.

Tháng 10-2019, khi Đài PT-TH Bình Phước hợp nhất với Báo Bình Phước, thì tôi lại có thêm cơ hội để thể hiện mình ở một lĩnh vực mới: báo nói. Trong tình hình mới, tôi lại càng thấy đam mê hơn công việc của một biên tập viên. Vì thế, mong muốn có một chương trình tràn đầy năng lượng dành cho thính giả nghe đài đã thôi thúc tôi tìm hiểu từ những đồng nghiệp ở những đài bạn. Và đến tháng 6-2020, chương trình phát thanh trực tiếp “Bình Phước chào ngày mới” bắt đầu lên sóng. Đây là một cột mốc quan trọng trong nghề nghiệp của tôi. Qua chương trình này, tôi hiểu rằng dù mình không thể xông pha vào những hoàn cảnh khó khăn, nhưng bản thân cũng là những con ong cần mẫn tô màu sắc tươi đẹp hơn cho cuộc sống bằng những câu chuyện tử tế từ khắp mọi miền Tổ quốc. Chương trình đã kết nối với rất nhiều khách mời trong và ngoài tỉnh để lan tỏa thêm những nét đẹp, gương sáng giữa đời thường đến với mọi người. 

Đam mê và cống hiến

Một lần khi ngồi xem truyền hình về chiến dịch tình nguyện của tuổi trẻ trên mọi miền Tổ quốc, tôi lại nao nao nhớ về thanh xuân của mình. Những chuyến đi gian nan và ấm lòng mang yêu thương cho những trẻ em khó khăn ở những vùng sâu, vùng xa của Bình Phước. Những chuyến đi của thanh xuân ấy, như nguồn động lực tiếp sức cho tôi trên con đường trở thành một nhà báo. 

Trong những năm tháng chập chững bước vào nghề cho đến nay, tuổi thanh xuân của tôi gắn liền với các hoạt động thiện nguyện của Chi đoàn Đài PT-TH Bình Phước và cùng những đồng nghiệp khác. Chúng tôi đã cố gắng tạo ra nguồn quỹ giúp trẻ em khó khăn ở vùng xa bằng những việc làm thiết thực như bán bông, làm lồng đèn, giữ xe... Nhìn những quyển vở mới, chồng sách thơm mùi giấy trao đến tay các em nhỏ với niềm vui sướng, khiến những khó khăn vất vả của chúng tôi dường như tan biến. Qua các hoạt động thiện nguyện của đài tôi cũng được đi đến nhiều nơi hơn. Được đi nhiều nên tôi cũng biết đến nhiều hơn những tấm gương sáng trong công tác tình nguyện, làm quen với các bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vươn lên học giỏi, làm việc tốt. Lúc ấy, những suy nghĩ thoái lui hay những cảm xúc cá nhân trước kia đã mất đi lúc nào không biết. 

Tác giả tham gia Liên hoan phát thanh toàn quốc năm 2020

Bên cạnh hoạt động đoàn, bản thân tôi lại khám phá ra mình cũng có nhưng tài lẻ khác nhau ngoài những môn thể thao mà tôi yêu thích từ ghế nhà trường. Tôi cùng những đồng nghiệp trong những năm tháng thanh xuân ấy đã nhận rất nhiều giải thưởng thể thao, văn nghệ. Nhìn lại chặng đường 14 năm đồng hành cùng với nghề, tôi biết mình đã đúng khi đi theo ánh sáng ấy, vì đây là nơi mà bản thân tôi được tỏa sáng đúng màu sắc của chính mình.

Frank Tyger (1929-2011) nhà báo, nhà vẽ tranh biếm họa người Mỹ đã từng nói: Làm điều mình thích là tự do, thích điều mình làm là hạnh phúc. Một lần nữa thầm cảm ơn nghề báo đã chọn tôi để tôi được vùng vẫy tự do trong nghề báo và hạnh phúc với những thành quả mà bản thân đã tạo nên. Với những điều ấy, bản thân tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc bởi đã chọn đúng nghề và đã thể hiện được những đam mê, khát vọng để cống hiến.

  • Từ khóa
144610

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu